Một nghiên cứu vừa đăng tải trên tạp chí JGR Space Physics do các chuyên gia đến từ Đài quan sát Mặt trời và vòng xoắn ốc (SOHO) thực hiện cho thấy bầu khí quyển trái đất lớn hơn hiểu biết trước đây rất nhiều.
Hình ảnh hiếm hoi của geocorona được tàu Apollo 16 chụp từ năm 1972. Nhưng "chân tướng" thực sự của vùng khí quyển bí ẩn này chỉ mới được khám phá - ảnh: NASA
Trước đây, tầng ngoài (exophere) ở độ cao 700-10.000 km được cho là tầng ngoài cùng của bầu khí quyển trái đất , xa hơn nữa là phần chân không thuộc không gian liên sao. Tuy nhiên, nghiên cứu ban đầu cho thấy trái đất còn sở hữu một tầng khí quyển nữa và ước tính nó to đến mức chạm đến mặt trăng, vật thể có khoảng cách trung bình với trái đất lên tới 384.403 km.
Tầng ngoài cùng mới này được gọi là geocorona, là một tập hợp các nguyên tử hydro thưa thớt, ràng buộc lỏng lẻo với trọng lực của hành tinh chúng ta. Tuy nó mong manh đến nỗi từng được nghĩ là vùng chân không nhưng nó cũng đủ gây nên những tín hiệu lạ mà kính viễn vọng cực tím đã nắm bắt được.
Bước tiếp theo của nghiên cứu, nhóm khoa học gia đã tập hợp lại các dữ liệu từ thập niên 90 của thế kỷ trước đến nay và tính toán được geocorona có thể mở rộng tới khu vực 630.000 km kể từ bề mặt hành tinh, tức bao bọc cả mặt trăng và một phần không gian xa quanh quỹ đạo của nó, to hơn ước tính ban đầu rất nhiều.
Một trong những lý do khiến geocorona khó được biết đến vì rất khó để tìm ra một nơi thuận lợi để quan sát. Từ bề mặt trái đất và thậm chí từ quỹ đạo thấp mà nhiều tàu vũ trụ bay quanh trái đất, geocorona ít nhiều vô hình.
(Theo Live Science)