Tàu thăm dò Mặt Trời Parker đang trên đường thực hiện sứ mệnh "nóng bỏng nhất" NASA từng thực hiện: nó đang bay quanh quỹ đạo của Mặt Trời, đưa về những hình ảnh và dữ liệu từ khoảng cách gần chưa từng có.
Trong khoảng thời gian 12 ngày kéo dài từ tháng Mười tới tháng Mười một, tàu Parker phóng xuyên qua quầng hào quang của Mặt Trời – khu vực khí quyển cực nóng – và chụp được tấm hình tuyệt vời này.
Về cơ bản và nói rộng ra chút, thì bạn đang nhìn thẳng vào bên trong Mặt Trời đó.
Bức ảnh được chụp lúc tàu Parker đang cách Mặt Trời khoảng 27.200.000 km, điểm này vẫn nằm trong hào quang của Mặt Trời. Trong tấm ảnh, ta có thể thấy hai tia vật chất Mặt Trời riêng biệt đang phun ra từ mép trái. Chấm tròn sáng bạn nhìn thấy chính là Sao Mộc, những chấm đen bạn thấy chỉ là hiệu ứng camera thôi.
Bức ảnh được công bố tại buổi gặp mặt của Liên đoàn Địa Vật lý Hoa Kỳ. Tại đó, các nhà khoa học NASA hứng khởi bàn luận về những dữ liệu sắp được tàu thăm dò Parker gửi về. Những dữ liệu đầu tiên đã xuống mặt đất từ hôm mùng 7, nhưng phải đến tháng Tư năm sau, toàn bộ dữ liệu mới được gửi về một cách trọn vẹn.
Tàu Parker mới lên không được 4 tháng thôi mà đã để lại nhiều ấn tượng:
- Giữa tháng Chín, nó chụp về một tấm ảnh đẹp tuyệt vời, chứng minh rằng các hệ thống trên tàu vẫn hoạt động trơn tru.
- Tháng Mười, tàu Parker lập 2 kỷ lục: thiết bị nhân tạo tiến tới gần Mặt Trời nhất và con tàu vũ trụ bay nhanh nhất trong lịch sử nhân loại.
Nếu bạn thắc mắc về cách thức bảo vệ tàu Parker khỏi lượng nhiệt khổng lồ tỏa ra từ Mặt Trời, mời bạn đọc bài viết này.
Tốc độ ấn tượng ấy sẽ sớm trùng khớp với tốc độ quay của Mặt Trời. Trong khoảng thời gian hai con số trùng nhau, tàu Parker sẽ trở thành một vệ tinh tạm thời của Mặt Trời, đưa về những thông tin quý giá về hiệu ứng quay của ngôi sao gần chúng ta nhất.
Bằng những thiết bị đo đạc hiện đại bậc nhất, tàu thăm dò Parker sẽ mở ra những bí mật của Mặt Trời, đơn cử như tại sao vầng hào quang lại nóng hơn cả bề mặt Mặt Trời. Sứ mệnh thăm dò sẽ tiếp tục cho tới năm 2025.
Tham khảo CNET