Tàu thăm dò Voyager 2 của NASA vừa chính thức trở thành vật thể nhân tạo thứ hai tới được vùng không gian giữa các vì sao – interstellar space. Sau 41 năm rong ruổi trong Hệ Mặt Trời, Voyager 2 đã chính thức rời khu vực "quê hương" nó, hướng tới một chân trời hoàn toàn mới.
Ngày 20 tháng Tám năm 1977, Voyager 2 nằm trên tên lửa Titan 3E đã rời mặt đất, bắt đầu sứ mệnh khám phá Vũ trụ. Tên là Voyager 2 nhưng thực chất, nó còn rời mặt đất trước cả Voyager 1 tới 16 ngày. Thế nhưng với tốc độ nhanh hơn, Voyager 1 đã tới vùng interstellar space trước Voyager 2 tận 6 năm.
Voyager 2 lên không.
Tin tức về Voyager 2 vượt ra khỏi Hệ Mặt Trời được công bố tại một buổi gặp mặt của Liên đoàn Địa Vật lý Hoa Kỳ, diễn ra tại Washington. Nhà khoa học thuộc dự án Voyager 2 xác nhận với báo giới rằng Voyager 2 đã tới được interstellar space vào tháng 5 tháng 11 năm 2018.
Vào ngày định mệnh đó, lượng các hạt phát ra từ Mặt Trời ảnh hưởng lên lớp vỏ Voyager 2 đột nhiên giảm sút, các nhà khoa học biết ngay rằng Voyager 2 đã vượt heliopause – giới hạn ngoài cùng của nhật quyển (heliosphere), một "bong bóng" được tạo ra bởi Mặt Trời và bao bọc lấy toàn bộ Hệ Mặt Trời, bảo vệ nó bằng từ trường và các hạt.
Thiết bị thăm dò trên Voyager 2 vẫn còn hoạt động được, các nhà khoa học vui mừng báo tin rằng nó sẽ cung cấp "những quan sát chưa từng có về bản chất của cánh cổng dẫn tới vùng không gian giữa các vì sao – interstella space".
Thiết bị phát hiện plasma trên Voyager 2 vẫn có thể thu thập dữ liệu và gửi về Trái Đất, trong khi đó thiết bị ấy trên Voyager 1 đã dừng hoạt động được vài chục năm rồi.
Vị trí hiện tại của Voyager 2 là xa 18 tỷ km tính từ Trái Đất, với vận tốc tàu khoảng 54.000 km/h. Voyager 1 vẫn xa hơn và nhanh hơn, với khoảng cách 22 tỷ km và bay với vận tốc 61.000 km/h.
Hai tàu Voyager được đưa lên Vũ trụ để khám phá các hành tinh ngoài rìa Hệ Mặt Trời, cụ thể là Sao Mộc, Sao Thổ, Sao Thiên Vương và Sao Hải Vương. Chúng hoàn thành sứ mệnh năm 1989.
Nhưng một khi tàu bay lên, trong môi trường chân không và không ma sát của Vũ trụ, tàu sẽ bay mãi mãi cho tới khi gặp vật cản hoặc tới khi bản thân nó rệu rã. Hành trình của Voyager là vô tận. Giáo sư Stone nói rằng vào những ngày đầu của sứ mệnh, họ không rõ sẽ mất bao lâu để tàu có thể tới được rìa của nhật quyển và thoát ra.
"Chúng tôi không rõ bong bóng nhật quyển rộng bao nhiêu, mất bao lâu để tới rìa và liệu Voyager có còn nguyên vẹn tới cuối chuyến đi không", ông Stone nói với BBC. "Và giờ đây chúng tôi đang nghiên cứu chính vùng không gian mà trước đây, chúng tôi đã lo sợ tàu không với tới".
Các nhà thiên văn học có định nghĩa về "Hệ Mặt Trời" rất khác nhau, giáo sư Stone tránh hoàn toàn việc sử dụng cụm "rời khỏi Hệ Mặt Trời" khi trả lời BBC. Ông cho rằng Voyager phải vượt qua Đám mây Oort – khu vực dày đặc các vi thể hành tinh, bọc lấy nhật quyển, nằm cách Mặt Trời khoảng 0,03 tới tới 3,2 năm ánh sáng.
Nhưng không thể phủ nhận sự thật: cả hai tàu Voyager đều đang có mặt tại một khu vực vũ trụ ta chưa từng khám phá. Các nhà khoa học cũng ngạc nhiên trước sức dẻo dai của hai con tàu. Giám đốc dự án Voyager, bà Suzanne Dodd nói với BBC rằng bà trông đợi hai tàu Voyager sẽ hoạt động được tới năm 2027.
Chặng đường tiếp theo có gì?
Trước hết, hai tàu Voyager sẽ chứng kiến sự tương tác giữa hạt phát ra từ Mặt Trời với các hạt nằm trong gió vùng interstellar space.
Con đường trước mắt còn có cả khó khăn, nhưng các nhà khoa học vẫn khá lạc quan bởi tàu vẫn trong trại thái khỏe mạnh khi so với tuổi đời đã cao của chúng. Một trong những thử thách lớn nhất mà hai Voyager gặp phải đó là việc lượng nhiệt và năng lượng mất đi ngày một nhiều, khi hai tàu tiếp tục bay. Hiện tại, Voyager 2 đang hoạt động ở 3,6 độ C. Cứ mỗi năm trôi qua, lượng điện tàu tạo ra sẽ lại tụt 4 watt.
Rồi sẽ tới lúc tàu không còn đủ điện để để vận hành mọi thứ. Các nhà khoa học sẽ phải tắt bớt thiết bị đi để tàu có thể thu thập được càng nhiều dữ liệu càng tốt. "Trước mắt chúng tôi là những quyết định đầy khó khăn", bà Dodd nói.
Trong lúc này, mọi thông tin hai tàu Voyager gửi về đều quý giá. Hành trình của chúng không chỉ nói với ta về khu vực lân cận Hệ Mặt Trời mà còn cho ta thêm thông tin để hiểu về các ngoại hành tinh – hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời. Hệ sao nào cũng phải có một nhật quyển của riêng mình, tiếp giáp chúng cũng là một vùng không gian giữa các vì sao – interstellar space. Hiểu được Hệ của mình có những gì, ta có thể suy ra những nơi khác.
Và khi cần, ta có thể sử dụng những kiến thức ấy cho chiến tranh vũ trụ giữa cư dân hai Hệ sao. Ai mà biết được đằng xa kia có những thứ gì và liệu họ có nhăm nhe tấn công ta không …
Dự kiến, trong vòng 300 năm nữa, hai tàu Voyager - dù có thể không hoạt động nữa – vẫn sẽ tới được rìa trong của Đám mây Oort. Để vượt qua vùng mây này, tàu cần thêm 30.000 năm nữa.
Và một khi qua được mốc đó, đấy sẽ là khoảng thời gian nó hoàn toàn rời Hệ Mặt Trời. Hành trình vô tận tiếp diễn, hai tàu Voyager, nếu không gặp vật cản gì, sẽ tiếp tục bay trong vũ trụ cả tỷ năm nữa.
Tham khảo BBC, Space