Bloomberg: Trung Quốc ôm mộng thống trị không gian thế kỷ 21 - Sao có thể thành!

Trang Ly |

Sau thành công của sứ mệnh đổ bộ tàu thăm dò Chang'e-4 xuống nửa tối Mặt Trăng, Trung Quốc đang nhắm đến mục tiêu "thuộc địa vĩnh viễn" vệ tinh tự nhiên này vào giữa thế kỷ 21.

Ngày 3/1/2019, Trung Quốc đổ bộ thành công tàu thăm dò mang tên Chang'e-4 (Hằng Nga 4) xuống nửa tối của Mặt Trăng - vệ tinh tự nhiên lớn nhất của Trái Đất.

Với thành tựu "vô tiền khoáng hậu" này, Trung Quốc trở thành quốc gia thứ 3 trên thế giới (sau Mỹ và Liên Xô) đáp xuống bề mặt Mặt Trăng, nhưng lại là quốc gia đầu tiên trong lịch sử đổ bộ xuống nửa tối của Mặt Trăng. Trước đó, kể cả trong thời kỳ chạy đua không gian dồn dập của Mỹ và Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh thì nửa tối Mặt Trăng (Far side of the Moon) hoàn toàn là thế giới bí mật mà chưa một phi hành gia hay robot tự hành nào đặt chân lên.

Chang'e-4 tựa "sứ giả" truyền tải thông điệp về một Trung Quốc nổi lên như một cường quốc vũ trụ trong thế kỷ 21. Có được bước đệm này, theo Bloomberg phân tích, Trung Quốc đang cho thế giới thấy rằng họ không chỉ đơn thuần khám phá những bí mật của vũ trụ, thỏa mãn trí tuệ của loài người mà còn hy vọng sẽ thay thế Mỹ thống trị không gian trong thế kỷ 21 này. 

Bloomberg: Trung Quốc ôm mộng thống trị không gian thế kỷ 21 - Sao có thể thành! - Ảnh 1.

Trung Quốc phóng tàu thăm dò Mặt Trăng Chang'e-4 tại Trung tâm phóng vệ tinh Xichang ở phía tây nam tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Để thực hiện tham vọng đó, Chang'e-4 hiển nhiên không phải kế hoạch cuối cùng của Trung Quốc trong hành trình chinh phục Mặt Trăng nói riêng và vũ trụ nói chung. 

Cuối năm 2019, nước này sẽ triển khai sứ mệnh đưa các mẫu vật từ Mặt Trăng về Trái Đất nghiên cứu. Trong 10 năm nữa, Trung Quốc liên tiếp thực hiện các kế hoạch bao gồm: Phóng một trạm không gian lên quỹ đạo; phóng tàu thăm dò sao Hỏa và sao Mộc; thực hiện các sứ mệnh nghiên cứu và khai thác thiên thạch; đồng thời đẩy mạnh phát triển tên lửa tái sử dụng cũng như nhiều phương tiện vũ trụ khác để tiếp cận không gian xa hơn nữa.

Riêng đối với Mặt Trăng, Trung Quốc nhắm đến mục tiêu đưa người lên sinh sống tại đây vào năm 2020; và đến giữa thế kỷ 21 sẽ tiến hành "thuộc địa vĩnh viễn" vệ tinh này.

Hơn 10 năm kể từ các sứ mệnh Chang'e tiền đề (sứ mệnh Chang'e-1 và 2 thực hiện năm 2007, Chang'e-3 hạ cánh xuống nửa sáng của Mặt Trăng năm 2013, đọc chi tiết), Trung Quốc đã chiếm lĩnh thế độc quyền trên nửa tối Mặt Trăng tính đến thời điểm hiện tại.

Phát biểu trên tờ New York Times, một số nhà khoa học Trung Quốc tự tin nói rằng: "Người Trung Quốc đã làm một việc mà người Mỹ không dám thử!".

Trung Quốc là cường quốc vũ trụ sẽ thống trị không gian trong thế kỷ 21? 

Câu trả lời có thể có trong bài phân tích của cây viết Adam Minter trên Bloomberg:

Tròn 50 năm kể từ ngày người Mỹ đưa người đổ bộ thành công lên Mặt Trăng lần đầu tiên trong lịch sử sau sứ mệnh của phi hành gia Neil Armstrong trên phi thuyền Apollo 11 ngày 20/7/1969; cũng như sứ mệnh Apollo cuối cùng thăm dò Mặt Trăng năm 1972 của NASA, tham vọng Mặt Trăng của Washington cũng "giảm nhiệt" theo cuộc Chiến tranh Lạnh với Liên Xô.

Các đời tổng thống Mỹ mới dần thay đổi các ưu tiên về không gian, buộc NASA phải hủy bỏ nhiều kế hoạch chiếm khá nhiều chi phí của chính phủ. Tuy nhiên, việc cắt giảm ngân sách cho NASA không mô tả hết chương trình không gian của Mỹ. 

Từ giữa những năm 2000, khi Quốc hội Mỹ ủy quyền cho NASA, cho phép cơ quan này xây dựng các mối quan hệ với các công ty tư nhân thuộc lĩnh vực vũ trụ với vai trò là cố vấn thì SpaceX của tỉ phú Elon Musk hay Blue Origin LLC của vị tí phú giàu nhất thế giới năm 2018 Jeff Bezos đã khiến Mỹ "nở mày nở mặt" với những dự án vũ trụ đột phá.

Bloomberg: Trung Quốc ôm mộng thống trị không gian thế kỷ 21 - Sao có thể thành! - Ảnh 2.

Cụ thể, Blue Origin LLC lên kế hoạch hạ cánh xuống Mặt Trăng vào năm 2023 (kế hoạch này phù hợp với các mục tiêu Mặt Trăng của NASA). Trong khi đó, SpaceX đang phát triển một tên lửa lớn hơn dự kiến ​​đưa khách du lịch thăm quan quanh Mặt Trăng cũng trong năm 2023.

Còn NASA, dĩ nhiên là muốn thúc đẩy thám hiểm Mặt Trăng sâu thêm nữa, đã tuyên bố hợp tác với 9 công ty phát triển tàu đổ bộ Mặt Trăng, với các sứ mệnh đầu tiên sẽ được thực hiện trong năm 2019.

Theo các chuyên gia vũ trụ, Mặt Trăng được ví như "Vịnh Ba Tư của Hệ Mặt Trời", bởi nơi đây chứa nguồn khoáng sản dồi dào, cực kỳ đắt đỏ và hiếm có trên Trái Đất. Không chỉ chứa vàng, bạc, bạch kim, titan, Mặt Trăng còn là mỏ chứa đến 5 triệu tấn Helium-3 - nguồn năng lượng hạt nhân "sạch", đắt gấp khoảng 300 lần vàng!

Trong tương lai, Mặt Trăng có thể là "trạm xăng" của Trái Đất, nơi các cường quốc vũ trụ đặt các nhà máy sản xuất phương tiện vũ trụ, khai thác nguồn năng lượng tại chính vệ tinh này để thực hiện các sứ mệnh không gian xa hơn nữa.

Bloomberg: Trung Quốc ôm mộng thống trị không gian thế kỷ 21 - Sao có thể thành! - Ảnh 3.

Mặt Trăng có thể là "trạm xăng" của Trái Đất. Hình minh họa.

Cây viết Adam Minter của Bloomberg nhận định, có một sự thật là, nhờ sự phát triển của ngành công nghiệp vũ trụ thương mại năng động và đột phá của Mỹ, Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ trở thành á quân vũ trụ trong nhiều thập kỷ tới. Điều này có nghĩa, Mỹ vẫn đứng vững ở vị thế "thống trị không gian" có được từ bấy lâu nay.

Tất nhiên, thám hiểm không gian không đơn thuần là kiếm tìm kho báu và xâm chiếm Mặt Trăng, động lực chính vẫn là khoa học, và ở đó, Mỹ vẫn là nhà tiên phong của thế giới.

Tác giả Adam Minter đưa ra bằng chứng, hồi tháng 1/2019, tàu thăm dò New Horizons hoàn thành sứ mệnh thăm dò vật thể ở xa nhất trong lịch sử (một thiên thạch cách Trái Đất hơn 6,4 tỷ km); Chưa hết, tàu thăm dò OSIRIS-Rex đã đi vào quỹ đạo quanh tiểu hành tinh carbon 101955 Bennu (và mang những mẫu vật từ tiểu hành tinh này về Trái Đất vào năm 2023 để nghiên cứu chi tiết). 

Ngoài ra, NASA thực hiện các sứ mệnh khác nhau tại sao Mộc và 4 nhiệm vụ khác tại sao Hỏa, cũng như phát triển tàu thăm dò Mặt Trời và đã phóng 2 tàu vũ trụ đi vào không gian giữa các vì sao.

Cây viết của Bloomberg cho hay, cả Trung Quốc và bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới đều không có kế hoạch để cạnh tranh với thành tích này, bởi họ không có kinh nghiệm khoa học hoặc kỹ thuật để làm điều đó. 

Chừng nào Mỹ vẫn tập trung vào việc phát triển ngành công nghiệp vũ trụ thương mại và tiếp tục tài trợ cho các chương trình khoa học tiên tiến, thì có rất ít lý do để sợ bị tụt lại phía sau. 

Hơn nữa, Mỹ là mảnh đất tiềm năng có thể thu hút các nhà khoa học vũ trụ và các tài năng khác trên thế giới để tạo nên những đột phá trong thế kỷ 21 này.

Và nếu thế giới đang ở trong một cuộc đua mới ở các vì sao, Mỹ vẫn là một ứng cử viên xuất chúng cho danh hiệu chiến thắng!

Bloomberg: Trung Quốc ôm mộng thống trị không gian thế kỷ 21 - Sao có thể thành! - Ảnh 5.

Tìm hiểu Nửa tối (Far Side) - Nửa sáng (Near Side) của Mặt Trăng

Mặt Trăng là vệ tinh tự nhiên lớn nhất của Trái Đất chúng ta. Nó đã quay quanh Trái Đất trong hơn 4,5 tỷ năm và trong thời gian đó, lực hấp dẫn của Trái Đất đã buộc tốc độ quay của Mặt Trăng phải đồng bộ với quỹ đạo của nó.

Kết quả là, cả Mặt Trăng đều quay trên trục của chính nó và quay quanh Trái Đất cứ sau 28 ngày. Điều đó có nghĩa là, một nửa bán cầu Mặt Trăng vĩnh viễn quay về phía Trái Đất, trong khi phía đối diện là nửa không nhìn thấy được của Mặt Trăng.

Nửa không nhìn thấy được của Mặt Trăng đôi khi được gọi là Nửa tối của Mặt Trăng hoặc Mặt tối của Mặt Trăng.

Gọi là Nửa tối của Mặt Trăng là vì người Trái Đất không quan sát được nó, chứ không phải nửa này không có ánh sáng Mặt Trời.

Giới thiên văn học cho biết, trong vòng 1 tháng, cả hai nửa của Mặt Trăng đều trải qua hai tuần có ánh sáng Mặt Trời, sau đó hai tuần là hai tuần chìm trong đêm tối.

Bài viết sử dụng nguồn: Bloomberg

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại