Theo Sohu, công ty của anh Tạ ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, nằm trên khu đất sắp bị giải tỏa và được đền bù 110 triệu NDT (hơn 386 tỷ đồng) vào năm 2017. Vào thời điểm đó, vì đang đi công tác nên người đàn ông này đã quyết định tạm thời gửi số tiền trên vào ngân hàng. Tuy nhiên chỉ 3 ngày sau đó, toàn bộ 110 triệu NDT của anh bất ngờ bị chuyển đi mà không có lý do.
Theo lời kể của anh Tạ, 3 ngày sau khi gửi tiền vào ngân hàng, điện thoại của anh bỗng liên tục nhận được tin nhắn chuyển khoản. Để xác thực nội dung của tin nhắn, người đàn ông này mở ngân hàng trực tuyến ra và kiểm tra thì phát hiện số dư tài khoản ngân hàng của mình hiển thị 0 NDT. Không những thế, dựa theo thông tin giao dịch, anh Tạ còn biết được 110 triệu NDT của mình đã được chia nhỏ và chuyển tới 9 tài khoản ngân hàng khác nhau.
Vì quá lo lắng cho số tiền của mình, anh Tạ đã bỏ ngang chuyến công tác và đến thẳng ngân hàng địa phương để làm rõ nguyên nhân. Tại đây, anh bất ngờ được nhân viên thông báo: “Anh yên tâm. Chúng tôi đã trả nợ giúp anh rồi."
- “Chuyện này là sao? Tôi làm gì có nợ mà trả?”, anh Tạ hoang mang hỏi lại.
Lúc này, đại diện ngân hàng là Giám đốc Khương xuất hiện và mời anh Tạ vào phòng để giải thích mọi chuyện. Theo đó, công ty của anh Tạ vốn đang có một số khoản nợ lớn chưa trả được. Khi biết anh Tạ nhận được 110 triệu NDT tiền bồi thường, những chủ nợ này đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại đến ngân hàng và yêu cầu anh nhanh chóng trả tiền. Để giải quyết rắc rối, đại diện ngân hàng là cô Khương đã chủ động dùng số tiền trong tài khoản của anh Tạ và giúp anh hoàn trả các khoản nợ trên.
Nghe đại diện ngân hàng giải thích, anh Tạ vô cùng tức giận. Anh cho rằng nợ tiền là hành vi giữa chủ nợ và người nợ, ngân hàng không có quyền đưa ra quyết định trong vụ việc này. Hơn nữa, ngay cả khi có nợ phải trả, anh Tạ cũng không đồng ý việc ngân hàng tự ý chuyển hết 110 triệu NDT trong tài khoản của mình như thế.
Bên cạnh đó, người đàn ông này còn cho biết trong số 9 tài khoản mà ngân hàng tự ý “trả nợ” giúp mình, có 1 tài khoản không hề có quan hệ nợ nần gì với anh. Trong vụ việc này, anh Tạ cho rằng phía ngân hàng đã lợi dụng quyền hạn của mình để xâm phạm tài sản của khách hàng. Đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng nên anh Tạ đã quyết định nhờ cảnh sát và tòa án địa phương can thiệp điều tra, đòi lại công bằng cho mình.
Tại tòa, thẩm phán cho rằng khi anh Tạ gửi tiền vào ngân hàng, hai bên đã có sự ràng buộc về mặt pháp lý và phía ngân hàng cần có trách nhiệm “bảo vệ” khoản tiền của khách hàng. Trong trường hợp này, phía ngân hàng có lỗi vì không bảo vệ số tiền gửi của khách hàng và phải chịu trách nhiệm.
Theo Điều 1198 Bộ luật Dân sự Trung Quốc, nếu ngân hàng không thực hiện nghĩa vụ bảo đảm an toàn và gây thiệt hại cho khách hàng thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Việc đại diện ngân hàng là cô Khương tự ý chuyển 110 triệu NDT mà không có sự đồng ý của chủ nhân số tiền trên là đã xâm phạm quyền lợi của khách hàng. Do đó, anh Tạ có quyền yêu cầu cô Khương bồi thường cho mình.
Cuối cùng, tòa tuyên án cô Khương - đại diện ngân hàng, 3 năm tù. Phía ngân hàng cũng được lệnh trả lại số tiền đã mất và có hình thức bồi thường thiệt hại cho người bị hại là anh Tạ.
Qua câu chuyện này, các ngân hàng với tư cách là tổ chức tài chính cần có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho tài sản của người gửi tiền. Điều này vừa đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, vừa tăng thêm uy tín cho ngân hàng. Bên cạnh đó, mọi người cũng nên nâng cao hiểu biết của mình để có thể tự bảo vệ quyền lợi của bản thân trước những trường hợp tương tự.