Loài khủng long này được cho là xuất hiện từ kỷ Phấn trắng sớm, khoảng 125 triệu năm trước. Chi Brighstoneous được đặt tên theo Brighstone - một thị trấn của nước Anh ở gần địa điểm khai quật. Simmondsi là họ của ông Keith Simmonds - người đã tìm thấy các mẫu vật.
Nhà khảo cổ Simmonds đã tìm thấy xương của loài bò sát này vào năm 1978 trên Isle of Wight. Đây là một hòn đảo ngoài khơi bờ biển phía Nam nước Anh. Các mẫu vật được lưu trữ trong Bảo tàng Đảo Khủng long ở Sandown trên Đảo Wight. Hơn 40 năm sau, chúng được kiểm tra trong một nghiên cứu mới.
Tác giả nghiên cứu Jeremy Lockwood - nghiên cứu sinh tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London và Đại học Portsmouth ở Vương quốc Anh, nhận định: “Ngày nay, việc phát hiện ra những loài khủng long mới trong các bảo tàng thay vì ngoài thực địa là điều khá phổ biến”.
Nghiên cứu về loài Brighstoneus simmondsi đã được công bố trên Tạp chí Hệ thống Cổ sinh vật học. Vào thời điểm đó, ông Lockwood đang tiến hành nghiên cứu về sự đa dạng của các loài khủng long khổng lồ ăn thực vật, bao gồm Iguanodon và Mantellisaurus atherfieldensis.
Đến nay, đó là các mẫu hóa thạch khủng long phổ biến nhất được tìm thấy trên đảo. Sau khi kiểm tra kỹ lưỡng các mảnh xương, nhà nghiên cứu Lockwood đã phát hiện một loài khủng long mới.
Cụ thể, cả Iguanodon và Mantellisaurus đều có mũi thẳng, phẳng. Trong khi đó, Brighstoneus có mũi tròn. Theo ông Lockwood, để phù hợp cho việc nhai, Brighstoneus cũng có nhiều răng hơn.
“Vào thời kỳ kỷ Phấn trắng sớm, cỏ và thực vật có hoa không phổ biến. Vì vậy, loài khủng long có thể phải ăn những thực vật cứng như lá thông và dương xỉ”, chuyên gia này giải thích.
Dựa trên xương đùi của hoá thạch, các nhà khoa học ước tính, con khủng long được phát hiện dài khoảng 8 mét và nặng khoảng 2.200 pound (1.000 kg).
Nhờ phát hiện này, các nhà khoa học xác định, tất cả các xương mỏng được tìm thấy trên đảo là của loài Mantellisaurus. Trong khi đó, các xương lớn hơn được phân loại là thuộc loài Iguanodon.
“Brighstoneus cho thấy, có sự đa dạng lớn hơn ở các khủng long thuộc kỷ Phấn trắng”, ông Lockwood nhận định.
Ngoài ra, các mẫu vật Brighstoneus được phát hiện có niên đại sớm hơn 4 triệu năm so với xương Mantellisaurus. Ông Matthew McCurry - người phụ trách cổ sinh vật học tại Bảo tàng Australia ở Sydney và là giảng viên cao cấp tại Đại học New South Wales, người không tham gia nghiên cứu, cho biết, một số đặc điểm của xương, chẳng hạn như xương quai hàm, chỉ có ở Brighstoneus.
Bộ hàm dài hơn có thể chứa 28 chiếc răng, nhiều hơn một vài chiếc so với bất kỳ loài khủng long là họ hàng gần nào khác.
Nhà nghiên cứu Lockwood cho biết, ông quan tâm đến việc nghiên cứu liệu sự đa dạng của loài khủng long có biến động, hoặc giữ nguyên trong suốt 1 triệu năm hay không.
Trong khi đó, ông McCurry nhận định, xương khủng long cũng có thể tiết lộ Trái đất như thế nào hàng triệu năm trước, “Mô tả các loài khủng long mới là bước đầu tiên trong việc kết hợp các hệ sinh thái trong quá khứ này trông như thế nào và tìm hiểu về cách chúng thay đổi theo thời gian”, ông McCurry chia sẻ.