Nhà máy Đóng tàu Zelenodolsk đang cực kỳ thịnh vượng
Được thành lập năm 1895, qua hơn 120 năm tồn tại và phát triển, Nhà máy Đóng tàu Zelenodolsk mang tên A.M. Gorky là một trong những cơ sở đóng tàu lâu đời, có kinh nghiệm và trình độ công nghệ hàng đầu của Liên Xô trước đây, nay là Nga.
Suốt chiều dài lịch sử của mình, Nhà máy này đã đóng thành công hơn 1.500 tàu biển và các phương tiện thủy hoạt động trên các sông ngòi, trong đó có tới 600 tàu chiến các loại.
Ngay từ năm 1976, Nhà máy đã có khả năng đóng các loại tàu lớn, có lượng choán nước lên tới 7.000 tấn.
Chừng 10 năm trở lại đây là thời kỳ hết sức thịnh vượng của Nhà máy, bởi lẽ nơi này đã cho ra đời hàng chục tàu chiến hiện đại các loại biên chế cho Hải quân Nga và Hải quân Việt Nam.
Nhà máy đóng tàu Zelenodolsk nhìn từ vệ tinh.
Chắc chắn trong tương lai gần, ít nhất là đến năm 2020, sẽ không lo hết việc bởi nhu cầu phát triển cực mạnh của Hải quân Nga, họ cần thêm nhiều tàu chiến hiện đại. Đồng thời, nhiều khả năng cặp tàu Gepard-3.9 thứ 3 (chiếc thứ 5 và 6) của Việt Nam cũng sẽ tiếp tục được đóng ở đây.
Vị trí đặc biệt và nhiều điều thú vị
Từ vệ tinh nhìn xuống ta mới thấy "giật mình" với vị trí cực kỳ đặc biệt của Nhà máy này:
Thứ nhất, nó nằm rất sâu trong nội địa của Nga, cách biển hàng nghìn km. Theo lẽ thường, các nhà máy đóng tàu lớn thường nằm ở ven biển hoặc gần các cửa sông lớn, ấy vậy mà Zelenodolsk lại có vị trí thật đặc biệt, chả giống ai.
Vị trí đặc biệt của Nhà máy Đóng tàu Zelenodolsk (dấu đỏ) nắm sâu trong nội địa Nga.
Nhà máy "đóng đô" ở ven bờ một trong những con sông lớn và nổi tiếng nhất của nước Nga, đó là sông Volga. Theo dòng sông này, những chiếc tàu chiến sau khi được hoàn thiện sẽ phải vượt hàng nghìn km đường thủy nội địa theo hệ thống sông lớn chằng chịt của Nga để vươn ra cùng lúc nhiều biển lớn như Biển Đen, Biển Caspien hay Biển Bắc.
Phải chăng đây là lợi thế của Zelenodolsk khi được Hải quân Nga đặt đóng rất nhiều tàu chiến cỡ nhỏ trang bị cho các Hạm đội Biển Đen và Chi hạm đội Caspien?
Tất nhiên, các tàu hộ vệ tên lửa tàng hình Gepard-3.9 của Việt Nam cũng phải trải qua quãng đường dài như vậy để ra biển.
Thứ hai, nhà xưởng chính có chiều dài 250m, rộng hơn 140m, đủ sức thi công những con tàu cỡ trung bình, choán nước lên tới hàng nghìn tấn. Tại đây, khi đóng cùng lúc 2 tàu Gepard-3.9 cho Việt Nam (dài hơn 102m), vẫn đủ chỗ để thi công những con tàu khác mà không vấn đề gì.
Thứ ba, hai đốc nổi liền kề được nối tiếp cùng xưởng chính bằng hệ thống các ray trượt có chiều dài 200m, có khả năng cùng lúc hạ thủy 2 tàu choán nước hàng nghìn tấn. Bất chấp mùa đông băng giá khắc nghiệt ở nước Nga, hệ thống sưởi đặc biệt sẽ làm tan băng trước khi tiến hành hạ thủy.
Khu vực mặt nước giữa (khoanh đỏ) giữa 2 đốc chính có chiều dài chừng 200m, là nơi cặp tàu Gepard-3.9 của Việt Nam đang neo đậu để tiếp tục công tác hoàn thiện trước khi được đưa đi thử nghiệm và huấn luyện kíp thủy thủ dài ngày trên biển.
Khoanh đỏ chính là nơi 2 tàu Gepard-3.9 của Việt Nam đang được hoàn thiện.
Phương pháp hạ thủy của 2 đốc nổi này hết sức tiên tiến, là tự làm ngập nước, để những con tàu nằm trên nó tự nổi và được lai dắt ra khu vực neo đậu được chỉ định, giống như phương pháp dùng trên các tàu Rolldock (Hà Lan) chuyên chở và bàn giao tàu ngầm Kilo-636 cho Việt Nam.
Như vậy, các tàu được hạ thủy tại Zelenodolsk sẽ cực kỳ an toàn, so với cách hạ thủy "thả" tàu trượt ngang hoặc dọc xuống nước bởi tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, thậm chí đã có những tàu vừa tiếp nước đã trở thành "tàu ngầm", chìm luôn tại chỗ.
2 tàu Gepard-3.9 của Việt Nam đang được hoàn thiện sau khi hạ thủy.
Hiện nay Nhà máy được trang bị công nghệ và thiết bị tiên tiến với quy trình đóng tàu đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO, đủ sức thi công các tàu chiến có lượng choán nước lên tới 2.200 tấn cho Hải quân Nga và dành cho xuất khẩu.
Tin rằng, dù vị trí đặc biệt như vậy, nhưng với năng lực thi công đóng mới hoàn hảo, Zelenodolsk sẽ tiếp tục là địa chỉ tin cậy, tiếp tục đóng cho Hải quân Việt Nam những con tàu lớn và hiện đại như Gepard-3.9.