Các tàu Trung Quốc trong một đợt tập trận trên Biển Đông
Nhiều loại tàu chiến của Hải quân Trung Quốc chạy bằng động cơ được thiết kế hoặc chế tạo bởi các nhà sản xuất ở Đức, bài điều tra của đài ARD và báo Welt am Sonntag khẳng định.
Hai công ty liên quan đến việc này là MTU ở Friedrichshafen và chi nhánh MAN của tập đoàn Pháp Volkswagen, báo cáo cho biết.
Cả hai công ty tuyên bố với báo chí rằng họ luôn tuân thủ các quy định về kiểm soát xuất khẩu và đã công khai hồ sơ những hoạt động liên quan đến quân đội Trung Quốc.
Những chi tiết về việc MTU bán động cơ cho Trung Quốc được tìm thấy trên trang web của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế tại Stockholm (SIPRI).
SIPRI thống kê những hợp đồng chuyển nhượng vũ khí để phục vụ các báo cáo và ấn bản phẩm.
Theo SIPRI, MTU là nhà cung cấp thường xuyên các loại động cơ cho tàu khu trục tên lửa lớp Luyang II thông qua một nhà máy sản xuất được cấp phép ít nhất đến năm 2020.
Bên cạnh đó, MTU được báo cáo là đã cung cấp các động cơ sử dụng cho tàu ngầm lớp Song của Trung Quốc.
Tuy nhiên, trụ sở của công ty thông báo với đài ARD và báo Welt am Sonntag rằng họ đã “dừng vĩnh viễn” việc cung cấp các động cơ cho tàu ngầm.
Công ty này khẳng định họ “không ký bất kỳ hợp đồng nào với Bộ Quốc phòng hay lực lượng vũ trang Trung Quốc”.
Tuy nhiên, với việc thành lập một liên doanh với Trung Quốc vào năm 2010, người đứng đầu công ty, được gọi là Tognum, hồi đó nói rằng đã lưu ý về việc chuyển “các động cơ dưới biển cho hải quân và hải cảnh Trung Quốc”.
Năm 2002, SEMT Pielstick, chi nhánh tại Pháp của MAN, công bố thông tin trên trang web của họ rằng đã chuyển các động cơ PA6 dành cho tàu khu trục thế hệ mới theo giấy phép tại Trung Quốc.
SIPRI lưu ý rằng động cơ MTU được sử dụng cho các tàu chiến Trung Quốc được đưa vào dạng công nghệ lưỡng dụng, vì thế không cần xin giấy phép xuất khẩu. “Đang có một vùng xám ở đây”, nhà nghiên cứu Siemon Wezeman của SIPRI viết.
Hải quân Trung Quốc được trang bị thêm các tàu khu trục Luyang III trong năm nay. Lớp tàu này được trang bị các tên lửa hành trình và tên lửa đất đối không. Trung Quốc đưa tàu Kaifeng vào biên chế từ tháng 7 vừa qua, nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản.
Châu Âu cấm xuất khẩu vũ khí sang Trung Quốc nhưng lệnh cấm này còn nhiều khe hở.
Sebastian Rossner, một luật sư và là chuyên gia về xuất khẩu, nói với đài ARD: “Vì lệnh cấm vũ khí của Liên minh châu Âu (EU) đối với Trung Quốc không được xây dựng dựa trên các hiệp định của châu Âu, nên một số hoạt động xuất khẩu động cơ tàu cho Trung Quốc không phải hành vi vi phạm pháp luật”.
“Nếu muốn thay đổi điều này, EU phải thay đổi quy định về lưỡng dụng hoặc chính thức áp lệnh cấm vận vũ khí”, ông nói.
Trung Quốc thúc đẩy một cách hung hăng các yêu sách của họ trên hầu khắp Biển Đông trong những năm gần đây, làm gia tăng căng thẳng với cả Mỹ và các đồng minh châu Âu.
Ngoại trưởng Đức Heiko Mass cảnh báo từ 1 năm trước về tình trạng “chuyển động vũ khí ngày càng nhanh ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.
Hồi tháng 8, tàu khu trục Đức Bayern lên đường bắt đầu hành trình dài 6 tháng đến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Đức đang muốn tăng cường hiện diện ở khu vực, và một chặng dừng chân ở Thượng Hải được thiết kế để giảm căng thẳng do chuyến đi của tàu Bayern tạo ra. Nhưng tháng 9 vừa qua, Trung Quốc từ chối đề nghị của Đức về việc cho tàu Bayern thăm cảng.