Quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Iran đang leo thang đến đỉnh cao
Tháng 5/2018, Tổng thống D. Trump tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân (JCPOA). Tháng 11/2018, Washington tái áp đặt lệnh trừng phạt chống Tehran và tháng 5/2019 cấm vận toàn bộ xuất khẩu dầu mỏ của Iran.
Tiếp theo đó, hiện nay Mỹ đang ráo riết đưa nhiều phương tiện chiến tranh lớn tới vùng Vịnh, trong đó có tàu sân bay USS Abraham Lincoln, tàu đổ bộ tấn công Arlington, một phi đội máy bay ném bom chiến lược B-52, hàng chục tàu chiến hộ tống, hệ thống tên lửa Ptriot và tàu bệnh viện dã chiến. Tàu USS Abraham Lincoln có khoảng 50-60 máy bay chiến đấu các loại và hơn 5 ngàn binh sỹ phục vụ ngày 13/5/2019 đã đi qua kênh đào Suez tiến vào vùng biển Ả Rập.
Đây là đợt triển khai các lực lượng quân sự lớn nhất của Mỹ kể từ cuộc chiến chống Libya năm 2011 đến nay. Washington tuyên bố rằng, việc đưa các phương tiện chiến tranh đến khu vực là để bảo vệ các lợi ích của Mỹ ở vùng Vịnh, Syria, Yemen và Iraq trước mối đe dọa tấn công của Iran. Không khí chiến tranh bao trùm lên toàn bộ khu vực Trung Đông. Xét các bước đi của Mỹ có thể thấy rõ rằng Washington đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh chống Iran.
Điều các phương tiện chiến tranh khổng lồ đến vùng Vịnh, nhưng Mỹ rất khó có thể phát động chiến tranh chống Iran
Mặc dù tình hình hết sức căng thẳng, không thể loại trừ bất cứ kịch bản nào, nhưng một cuộc đối đầu quân sự giữa Mỹ và Iran là rất khó xảy ra.
Mặc dù tình hình hết sức căng thẳng, không thể loại trừ bất cứ kịch bản nào, nhưng một cuộc đối đầu quân sự giữa Mỹ và Iran là rất khó xảy ra. Ảnh minh họa: TIME
Thứ nhất, đến nay Washington không hội tụ đủ các điều kiện để phát động một cuộc chiến tranh. Năm 2001 trong cuộc chiến tranh nhằm lật đổ chế độ Taliban tại Afghanistan, Mỹ đã phải huy động 87 ngàn quân từ 43 quốc gia.
Năm 2003 để tấn công Iraq Mỹ đã phải huy động 365 ngàn quân từ hơn 40 nước trên thế giới tham gia, trong đó có 248 ngàn quân Mỹ. Năm 2011, Mỹ cũng đã phải vận động 15 nước NATO tham gia tấn công mới lật đổ được chế độ M. Qaddafi.
Còn bây giờ nếu Mỹ phát động chiến tranh với Iran, ngoài Ả Rập Saudi, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Israel, không có nước nào ủng hộ Mỹ. Mỹ là nước duy nhất sẽ phải đương đầu trực tiếp với Iran và dư luận quốc tế.
Để chuẩn bị tấn công Iran, Bộ Quốc phòng Mỹ dự định đưa 120 ngàn quân sang tham chiến. Trong điều kiện hiện nay kế hoạch này là không thể thực hiện được. Các chuyên gia quân sự cho rằng để đưa được số quân này sang Trung Đông, riêng về hậu cần Lầu Năm góc cũng cần phải có thời gian ít nhất là 6 tháng để chuẩn bị.
Iran hoàn toàn khác với Iraq. Đây là nước có diện tích lớn nhất khu vực, dân số gấp 3 lần dân số Iraq. Quân đội Iran có 550 ngàn quân chính quy và 250 ngàn quân dự bị, trong khi Iraq chỉ có 450 ngàn quân. Các lực lượng vũ trang Iran gồm quân đội quốc gia và lực lượng vệ binh cách mạng được trang bị các loại vũ khí hiện đại, trong đó có máy bay chiến đấu, xe tăng, hạm đội tàu ngầm, tàu chiến và tên lửa đạn đạo.
Đặc biệt, Iran có chung đường biên giới với nhiều nước đồng minh của Mỹ đang gặp khó khăn trong quan hệ với Mỹ như Afghanistan, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq. Về quân sự, Iran yếu hơn Mỹ, nhưng Iran có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích của Mỹ ở khu vực.
Phó Tư lệnh Vệ binh cách mạng Iran Saleh Jokar nói, các tên lửa có tầm bắn 1250 km của Iran có thể bắn tới bất cứ điểm nào ở Trung Đông. Các căn cứ quân sự, các tàu chiến của Mỹ, kể cả tàu sân bay USS Abraham Lincoln đều nằm trong tầm bắn của tên lửa Iran.
Thứ hai, dư luận chung không thuận cho việc phát động cuộc chiến chống Iran. Trong nước, Quốc hội, đảng Dân chủ không ủng hộ Tổng thống D. Trump. Ngày 16/5/2019, bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện nói, Nhà Trắng không được Quốc hội ủy nhiệm để gây chiến với Iran. Hiến pháp Mỹ quy định chỉ Quốc hội mới có quyền tuyên bố chiến tranh.
Bà N. Pelosi nhấn mạnh rằng Tổng thống D. Trump không thể sử dụng luật "Cho phép sử dụng lực lượng quân sự chống khủng bố" được thông qua năm 2011 trong bối cảnh cuộc tấn công 11/9, để khởi động bất kỳ cuộc chiến mới nào ở Trung Đông. Như vậy, về mặt pháp lý Quốc hội Mỹ hiện nay không dễ gì tuyên bố chiến tranh.
Trong khi đó, những người đứng đầu 3 ủy ban của Quốc hội Mỹ về Đối ngoại, Lực lượng vũ trang và Tình báo đã yêu cầu chính quyền của Tổng thống Trump chậm nhất ngày 23/5/2019 phải báo cáo trước Quốc hội các đánh giá về Iran.
Thứ ba, phát động một cuộc chiến tranh mà chưa biết kết cục của nó thế nào sẽ hoàn toàn không có lợi cho Tổng thống D. Trump. Một cuộc chiến nổ ra giữa Mỹ và Iran dù ở bất cứ mức độ nào, quân Mỹ cũng không thể tránh khỏi tổn thất.
Trong khi ông Trump đang tập trung vào các vấn đề trong nước, cuộc bầu cử Tổng thống lại đang đến gần, một cuộc chiến tranh ở bất cứ nơi nào, với bất kỳ lý do gì và dù chỉ một lính Mỹ bị chết thôi cũng sẽ làm cho ông mất đi nhiều lá phiếu ủng hộ nhiệm kỳ hai của ông.
Trong không khí căng thẳng, đã bắt đầu xuất hiện một số dấu hiệu hòa dịu
Tổng thống D. Trump tuyên bố, Mỹ không muốn chiến tranh với Iran và sẵn sàng gặp Tổng thống H. Rohani. Trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Nga S. Lavrov tại Sochi sau kết thúc hội đàm ngày 14/5/2019, Ngoại trưởng Mỹ M. Pompeo tuyên bố Mỹ sẽ đáp trả Iran nếu bị tấn công, nhưng không tìm kiếm một cuộc chiến với Iran.
Đại sứ Mỹ tại Ả Rập Saudi John Abizaid nói: "Washington sẽ đáp trả một cách hợp lý, nhưng không gây chiến tranh với Iran. Chiến tranh nổ ra sẽ hoàn toàn không có lợi cho Iran, Mỹ và Ả Rập Saudi."
Ngày 18/5/2019, Tổng thống D. Trump đã viết trên trang Twiter của mình chỉ trích các phương tiện thông tin của Mỹ "đã đưa ra những báo cáo không chính xác về Iran, những báo cáo này là nguy hiểm và làm hại tới lợi ích của đất nước." Ông Trump cũng bày tỏ hy vọng nước ông sẽ không gây chiến với Iran.
Trong khi đó, báo New York Times số ra ngày 16/5/2019 cho biết việc Nhà Trắng đưa các phương tiện chiến tranh đến vùng Vịnh là dựa trên những thông tin sai lệch cho rằng Iran có kế hoạch tấn công các lực lượng và lợi ích của Mỹ ở khu vực Trung Đông.
Tạp chí Time của Mỹ cũng cho biết Lầu Năm góc không có kế hoạch quân sự chống Iran và Tổng thống D. Trump đã kêu gọi ban lãnh đạo Iran tiến hành thương lượng về chương trình hạt nhân và ảnh hưởng của Iran ở khu vực Trung Đông.
Những tín hiệu từ phía Mỹ đã nhận được sự đáp ứng tích cực của Tehran.
Ngày 17/5/2019, Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia và Đối ngoại của Quốc hội Iran Hishmatullah Fallah Bisha, đã kêu gọi tổ chức các cuộc đàm phán Mỹ-Iran tại Qatar hoặc Iraq để giải quyết các vấn đề căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước.
Ngày 18/5/2019, trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh kết thúc chuyến thăm Trung Quốc, Ngoại trưởng Iran M. Javad Zariv tuyên bố "sẽ không có chiến tranh ở khu vực, bởi vì chúng tôi không muốn và không có nước nào có thể đối đầu với Iran". Trước đó, Lãnh tụ tối cao Ayatollah Khamenei của Iran cũng tuyên bố chiến tranh sẽ không xảy ra.
Trong khi đó, Đại diện Iran tại Liên hợp quốc Majid Takht-Ravanchi đã bác bỏ các báo cáo của cơ quan tình báo Mỹ (CIA) cho rằng các lực lượng Vệ binh cách mạng Iran đã lắp tên lửa có cánh vào các tàu cao tốc của mình ở vùng Vịnh, đe dọa các lực lượng Mỹ.
Đại diện Iran cũng bác bỏ thông tin của CIA về việc Tehran đã chỉ thị cho các lực lượng Hashd Sha’abi thân Iran tại Iraq chuẩn bị tấn công quân Mỹ tại Iraq. Quốc hội Mỹ khẳng định Iran đã tháo dỡ các tên lửa trên các tàu cao tốc của mình ở vùng Vịnh.
Quốc vụ khanh đối ngoại UAE Anwar Gargash cho biết Abu Dhabi cam kết làm giảm căng thẳng ở vùng Vịnh sau khi bốn tàu dầu bị "phá hoại" ngoài khơi cảng Fujairah. Trong cuộc họp báo tại Dubai ngày 15/5/2019, ông A. Gargash nói: "Chúng tôi cam kết giảm leo thang, vì hòa bình và ổn định, chúng tôi phải rất cẩn thận để đưa ra các cáo buộc, chúng tôi luôn kêu gọi kiềm chế và chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều đó."
Đến nay, UAE không cáo buộc bất kỳ ai đứng đằng sau hành động phá hoại các tàu dầu ở Fujairah.
Đáng lưu ý, Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi cho biết đã liên hệ với các nhà lãnh đạo Mỹ, Iran và ông loại trừ khả năng bùng nổ chiến tranh giữa Mỹ và Iran vì cả hai nước đều không muốn điều đó.
Ông nói Iraq sẽ làm hết sức mình để đạt được giải pháp cho cuộc xung đột giữa Tehran và Washington và nhận thấy có nhiều dấu hiệu mọi việc sẽ kết thúc tốt đẹp.
Hồ sơ quan hệ Mỹ-Iran hết sức phức tạp. Ông D. Trump đang chịu nhiều sức ép của các nhân vật "diều hâu" như Cố vấn An ninh quốc gia J. Bolton, Ngoại trưởng M. Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Shanahan, cũng như của Israel và Ả Rập Saudi muốn dùng sức mạnh đối với Tehran. Những dấu hiệu hòa dịu mới chỉ là ban đầu, mọi khả năng vẫn có thể xảy ra.
Chấm dứt mọi hành động khiêu khích và đe dọa chiến tranh, bước vào thoại không có điều kiện tiên quyết là biện pháp duy nhất để đạt được giải pháp bảo đảm lợi ích của Mỹ, Iran và tất cả các bên liên quan, góp phần vào hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực Trung Đông và trên thế giới.
*Tiêu đề do tòa soạn đặt lại