Đánh thuế tuyệt đối Trung Quốc, tấn công quân sự Iran, Venezuela: Ông Trump có dám "liều"?

Tất Đạt |

Chính quyền của ông Trump đang "tung hứng" những quả bóng chính trị chiến lược và đòi hỏi tới kĩ năng đàm phán của những lãnh đạo tài năng nhất thế giới.

Những vấn đề then chốt

Các đồng minh của ông Trump đã ca ngợi tổng thống Mỹ vì sẵn sàng đối diện với những vấn đề từ lâu đã bị Mỹ làm ngơ, cụ thể: đối đầu với hoạt động thương mại không công bằng của Trung Quốc, kiềm chế tầm ảnh hưởng và hành vi của Iran ở Trung Đông, tìm cách can thiệp và thay đổi chế độ chính trị ở Venezuela, và thực hiện chính sách "cây gậy và củ cà rốt" để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Giải quyết thành công một trong những thách thức ấy sẽ là một chiến thắng lớn. Nếu giải quyết được tất cả, tên tuổi của ông Trump chắc chắn sẽ "lưu danh sử sách" như một tổng thống vĩ đại của nước Mỹ. Nhưng ngược lại, chỉ cần làm rơi một trong những quả bóng chính trị ấy, thì chắc chắn hậu quả để lại sẽ rất lâu dài đối với khu vực có liên quan và tới uy tín của Mỹ trên toàn thế giới.

Tuy vậy, người chủ trì màn "tung hứng" - tổng thống Donald Trump - đã khiến các vấn đề ngày càng trở nên phức tạp với những động thái đầy rủi ro. Ông Trump đã tăng thuế quan đối với Trung Quốc, hạn chế tầm hoạt động của Huawei ở thị trường Mỹ, điều tàu sân bay tới Trung Đông, gia tăng áp lực bằng mọi giá để thuyết phục và răn đe các đối thủ trên khắp thế giới.

Đánh thuế tuyệt đối Trung Quốc, tấn công quân sự Iran, Venezuela: Ông Trump có dám liều? - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Fred Dufour | AFP | Getty Images

Điểm chung của 4 vấn đề nói trên là chúng đều rất quan trọng và tổng thống Trump đã từng đích thân gọi đây là những vấn đề mấu chốt. Tất nhiên, bức tranh đối ngoại của Mỹ vẫn có những hình ảnh đáng lưu ý khác, bao gồm tình trạng bạo lực ở Afghanistan, đàm phán với Taliban và đặc biệt là duy trì mối quan hệ với nước Nga.

Ông Trump đã khá may mắn khi chưa có khủng hoảng nào lớn phát sinh trong nhiệm kì của mình. Trước đó, vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 dưới thời tổng thống George W. Bush hay khủng hoảng tài chính toàn cầu dưới thời tổng thống Barack Obama đã đem lại không ít phiền toái cho Nhà Trắng.

Nếu một biến cố tương đương như vậy xảy ra, chắc chắn chính quyền của ông Trump - vốn đã phải xử lí một khối lượng công việc khổng lồ - sẽ phải chịu nhiều căng thẳng hơn thế nữa.

Các phương hướng của ông Trump

Không ai biết chiến lược nào của Mỹ đang bao trùm trên toàn thế giới - hay ý định cuối cùng của ông Trump với từng trường hợp là gì. Tuy nhiên, có thể sẽ có 3 kịch bản như dưới đây.

Trường hợp đầu tiên, ông Trump sẽ không có được những gì mình muốn đối với những vấn đề then chốt (không đạt được thỏa thuận với Trung Quốc; Iran không thay đổi; ông Maduro vẫn nắm quyền điều hành Venezuela và Triều Tiên giữ được kho vũ khí hạt nhân) và Mỹ sẽ chịu thiệt hại nặng nề.

Viễn cảnh thứ hai, ông Trump sẽ từ bỏ những yêu cầu tuyệt đối và tìm cách thỏa hiệp. Điều này dường như đang xảy ra với cuộc đối thoại về vấn đề Venezuela ở Na Uy và tuyên bố của ông Trump rằng ông sẵn sàng nhận cuộc điện đàm từ Tehran.

Về thương mại, thị trường chứng khoán Mỹ đã đóng cửa với điểm số thấp hơn so với tuần trước vì những quan ngại về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Cùng lúc, thị trường cũng hạ nhiệt căng thẳng sau khi ông Trump quyết định hoãn thuế với ô tô trong 6 tháng và ông Trump tuyên bố rằng đã đạt được thỏa thuận gỡ thuế thép và nhôm đối với Mexico và Canada.

Kịch bản thứ ba là, ông Trump sẽ đẩy mọi thứ lên ngưỡng giới hạn - tức là đánh thuế Trung Quốc dữ dội hơn, hoặc tấn công quân sự Iran và Venezuela. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến ông Trump đi ngược lại tiêu chí điều hành đất nước và sử dụng tới chiến lược "diều hâu" kiểu ông John Bolton. Viễn cảnh này rất khó xảy ra.

Chiến lược an ninh quốc gia của ông Trump - được viết bởi cựu cố vấn an ninh quốc gia H. R. McMaster - đã viết rõ những thách thức và ưu tiên toàn cầu mà Mỹ phải đối diện.

Tuy nhiên, ông Trump chưa bao giờ nói về chiến lược này. Người kế nhiệm ông McMaster là ông John Bolton nói không ai còn đọc và sử dụng bản chiến lược đó.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu trong thời gian gần đây: "Việc đề cao một cách nghiêm túc lợi ích Mỹ không phải là một hiện tượng mới. Các quốc gia trên thế giới đang tự khám phá những bản chất quốc gia của họ, và chúng tôi sẽ giúp đỡ các nước làm việc đó. Điều gì tốt cho nước Mỹ cũng sẽ tốt cho thế giới."

Dù bối cảnh nào đang bao trùm màn "tung hứng" của tổng thống Donald Trump đi chăng nữa, thì có một điều rất chắc chắn rằng: nếu không thể đưa ra giải pháp để đạt được mục tiêu đề ra, thì kết quả chắc chắn sẽ thất bại. Và khi đó mọi chuyện sẽ không chỉ dừng lại ở "một vài quả bóng chính trị bị trật nhịp".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại