"Phát cảnh báo thẳng thừng" tới phương Tây: Trung Quốc khiến Đức phải thừa nhận sức mạnh

Duy Anh |

Sau nhiều tháng tranh luận về cách tiếp cận Trung Quốc, Đức đã công bố một chính sách mới đối với đối tác thương mại lớn nhất của mình.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Đức Olaf Scholz

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Đức Olaf Scholz

Đức cho biết, các công ty cần đối phó với nhu cầu cấp thiết về giảm thiểu rủi ro từ Trung Quốc, nhưng đồng thời không theo đuổi việc tách rời khỏi nền kinh tế này.

Đức nhấn mạnh tầm quan trọng của Trung Quốc

Đài DW (Đức) đưa tin, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết hôm 13/7 tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator ở Berlin rằng: "Đối với Đức, Trung Quốc vẫn là một đối tác, một đối thủ cạnh tranh, đối thủ mang tính hệ thống. Nhưng vai trò là đối thủ cạnh tranh mang tính hệ thống ngày càng nổi bật trong những năm gần đây."

Ngoại trưởng Đức đã trình bày chiến lược của nước này đối với Trung Quốc và giải thích cách Đức lên kế hoạch bảo vệ lợi ích của mình.

"Chiến lược kinh tế của Trung Quốc nhằm làm cho nước này bớt phụ thuộc vào các nước khác, đồng thời làm cho các chuỗi sản xuất quốc tế phụ thuộc nhiều hơn vào Bắc Kinh," Bộ Ngoại giao Đức cho biết trong một báo cáo được công bố hôm 13/7.

Trung Quốc đưa "lời cảnh báo"

Vào tuần trước, Trung Quốc đã áp đặt hạn chế xuất khẩu đối với 2 kim loại có vai trò quan trọng trong sản xuất chip.

CNBC nhận định, động thái này được coi là lời cảnh báo từ Trung Quốc đến châu Âu và Mỹ trong cuộc chiến công nghệ đối với mặt hàng chip công nghệ cao.

Ngoại trưởng Baerbock nói trong bài phát biểu của mình: "Một điều hiển nhiên là Trung Quốc đã thay đổi. Bất cứ ai quan sát Trung Quốc đều biết rằng sự tự tin của Bắc Kinh sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thế giới."

Phát cảnh báo thẳng thừng tới phương Tây: Trung Quốc khiến Đức phải thừa nhận sức mạnh - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock

Đại sứ quán Trung Quốc tại Đức cho biết trong một tuyên bố rằng, "Trung Quốc hy vọng Đức sẽ nhìn nhận sự phát triển của Trung Quốc một cách hợp lý, toàn diện và khách quan. Nhiều thách thức và vấn đề mà Đức hiện đang phải đối mặt không phải do Trung Quốc gây ra. Trung Quốc là đối tác của Đức trong việc đối phó với các thách thức chứ không phải là đối thủ.”

Báo cáo của Bộ Ngoại giao Đức nói Berlin muốn trở nên ít phụ thuộc hơn vào Trung Quốc ở các lĩnh vực quan trọng như công nghệ y tế, dược phẩm và đất hiếm. Báo cáo cũng chỉ ra quan hệ kinh tế và thương mại vẫn là một yếu tố quan trọng trong hợp tác song phương và Đức muốn đảm bảo sự hợp tác này trở nên công bằng hơn, bền vững hơn.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Đức

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã chia sẻ trên mạng xã hội Twitter: “Mục đích của chúng tôi không phải là tách rời [khỏi Bắc Kinh]. Nhưng chúng tôi muốn giảm bớt sự phụ thuộc trong tương lai.”

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Đức. Nhập khẩu của Đức từ Trung Quốc năm 2022 tăng trưởng 33,6% so với một năm trước đó, lên 191,1 tỷ euro - theo dữ liệu từ Văn phòng Thống kê Liên bang Đức.

Trong khi đó, xuất khẩu của Đức sang Trung Quốc chỉ tăng 3,1% lên 106,8 tỷ euro. Báo cáo kể trên cho biết: “Trong khi sự phụ thuộc của Trung Quốc vào châu Âu đang giảm dần, sự phụ thuộc của Đức vào Trung Quốc lại có ý nghĩa lớn hơn trong những năm gần đây."

Trung Quốc là thị trường trọng điểm của một số công ty lớn của Đức, bao gồm Volkswagen và BMW, và chính phủ cho biết họ có kế hoạch tổ chức các cuộc đàm phán với các công ty “đặc biệt tiếp xúc với Trung Quốc” nhằm xác định rủi ro.

Tháng trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã gặp Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier để thảo luận về quan hệ giữa hai nền kinh tế.

Thủ tướng Trung Quốc khẳng định Trung Quốc và Đức “có nền tảng hợp tác vững chắc và động lực phát triển mạnh mẽ”. Ông Lý cũng cho hay, Trung Quốc hoàn toàn tin tưởng vào triển vọng hợp tác giữa hai nước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại