Ông Macron trả đũa Nga,vũ khí Pháp sắp tới Armenia
Theo tờ Politico, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sébastien Lecornu trong tuần này thông báo, Paris và Yerevan đã đạt được thỏa thuận cung cấp 36 hệ thống pháo tự hành CAESAR 155mm - loại vũ khí khét tiếng do Pháp sản xuất, từng ghi nhận kỷ lục mới nhất vào năm 2022 khi bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách hơn 46 km, và đang tác chiến rộng rãi ở Ukraine.
Ông Lecornu tuyên bố, thỏa thuận này đã đánh dấu "cột mốc mới" trong quan hệ giữa hai nước và làm nổi rõ hơn nữa sự suy yếu trong quan hệ Nga-Armenia.
Ngay từ cuối năm ngoái, sau khi thất vọng vì Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) do Nga dẫn đầu thiếu phản ứng trước các cuộc tấn công quân sự của Azerbaijan, Armenia đã chuyển hướng sang tìm kiếm các nhà cung cấp vũ khí mới, đặc biệt là Pháp.
Tháng 10/2023, Armenia đã ký hợp đồng mua 3 radar giám sát trên không GM200 của Pháp, 50 xe tuần tra Bastion, đồng thời ký biên bản ghi nhớ về việc cung cấp tên lửa phòng không Mistral. Một tháng sau, những chiếc Bastion đầu tiên đã lăn bánh ở Armenia.
Tới tháng 2 năm nay, trong chuyến thăm tới Armenia, ông Lecornu tiếp tục mang tới lô kính nhìn đêm dành cho quân đội Armenia.
Đáng lưu ý, thỏa thuận vũ khí mới nhất giữa Armenia - Pháp diễn ra không lâu sau khi Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan tuyên bố sẽ rút khỏi CSTO và căng thẳng Nga-Pháp đang dâng cao trong thời gian gần đây do liên quan tới tình hình Ukraine.
"Chúng tôi sẽ rút đi. Chúng tôi sẽ quyết định khi nào nên rút đi... Đừng bận tâm, chúng tôi sẽ không quay trở lại" - Reuters ngày 12/6 dẫn lời ông Pashinyan cho hay. Theo hãng tin Anh, đây là lần đầu tiên ông Pashinyan xác nhận Armenia sẽ rút khỏi CSTO kể từ sau khi đơn phương tuyên bố đình chỉ tư cách thành viên của nước này tại liên minh.
Về phần Pháp, theo tờ Defence 24, thông qua Armenia nói riêng và khu vực Caucasus nói chung, Paris đang ra đòn trả đũa nhằm vào Nga. Tận dụng thời cơ Nga mải miết với tình hình Ukraine và không mấy chú tâm vào các cam kết trong CSTO, Pháp đã quyết định tăng cường chính sách với Yerevan.
Chỉ 2 tuần sau khi Azerbaijan giành được quyền kiểm soát Nagorno-Karabakh vào tháng 9/2023 (vùng tranh chấp với Armenia), bà Catherine Colonna - Ngoại trưởng Pháp khi đó - đã tới thăm Yerevan, nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Armenia.
Sau chuyến thăm của bà Colonna, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố, "Pháp sẽ không từ bỏ Armenia".
Nga cảnh cáo nóng
Politico cho biết, Nga và Azerbaijan đã đưa ra phản ứng chính thức trước thỏa thuận vũ khí mới nhất giữa Pháp-Armenia.
Moscow cáo buộc Paris đang kích động bất ổn trong khu vực Nam Caucasus khi đồng ý bán hệ thống pháo khét tiếng của mình cho Armenia, trong bối cảnh căng thẳng Armenia-Azerbaijan ngày càng gia tăng.
"Paris đang kích động một đợt đối đầu vũ trang khác ở Nam Caucasus, và họ đang thực hiện điều đó bằng những cách khác nhau. Thỏa thuận lần này là một trong số đó" - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nêu rõ.
Theo nhà ngoại giao Nga, Pháp không hành động vì lợi ích của Armenia và người dân nước này, mà chỉ tìm cách "lợi dụng những bất đồng và mâu thuẫn hiện tại giữa các quốc gia như một công cụ để đạt được các mục tiêu mang tính cơ hội của riêng mình".
"Tôi không chỉ muốn nói đến lợi ích cá nhân của Điện Élysée, mà còn cả nước Pháp nói chung với tư cách là người dẫn dắt hệ tư tưởng NATO" - Bà Zakharova nhấn mạnh.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin chỉ trích rằng, Pháp nói riêng và phương Tây nói chung "đang sử dụng Armenia như một con tốt" trong cuộc xung đột giữa họ với Nga, đồng thời cảnh báo Armenia đang đứng trước nguy cơ "xói mòn thêm chủ quyền và an ninh".
Azerbaijan có thể dùng sức mạnh chính trị -quân sự để vô hiệu hóa ảnh hưởng của Pháp
Đồng ý kiến với Nga, Azerbaijan cáo buộc Paris "phá hoại sự ổn định của khu vực". Bộ Quốc phòng Azerbaijan tuyên bố: "Việc Pháp trang bị cho Armenia các hệ thống pháo binh tấn công và sát thương, cũng như các loại vũ khí khác, bất chấp cảnh báo từ phía Azerbaijan, là bằng chứng rõ ràng hơn về các hoạt động khiêu khích của Pháp ở Nam Caucasus".
Cơ quan này nhấn mạnh: "Chính quyền Tổng thống Macron, với mục tiêu theo đuổi chính sách quân sự hóa và mưu đồ địa chính trị ở Nam Caucasus, chính là trở ngại cho tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Armenia-Azerbaijan và tiến trình bảo đảm hòa bình lâu dài trong khu vực".
Thỏa thuận vũ khí giữa Pháp-Armenia đã đẩy căng thẳng giữa Pháp-Azerbaijan lên thêm một bậc.
Trước đó, Baku đã nổi giận khi Paris cáo buộc Azerbaijan khuấy động các cuộc bạo loạn ở New Caledonia - một trong những vùng lãnh thổ hải ngoại lớn nhất của Pháp ở Thái Bình Dương. Bộ Ngoại giao Azerbaijan gay gắt chỉ trích cáo buộc của Paris là "những biểu hiện xúc phạm, chống lại Azerbaijan".
Tờ 1news.az (Azerbaijan) dẫn lời các nhà phân tích cho rằng, động thái của Pháp là một "động thái liều lĩnh". Nếu Paris tiếp tục châm ngòi căng thẳng thì "trong mọi trường hợp, Azerbaijan đều có đủ sức mạnh chính trị, ngoại giao và quân sự để vô hiệu hóa ảnh hưởng của Pháp trong khu vực Nam Caucasus".
Nói riêng về sức mạnh quân sự, Azerbaijan là thế lực đáng gờm tại Nam Caucasus khi có trong tay lực lượng quân đội mạnh nhất khu vực, với tổng quân số 380.000 người (gồm 65.000 quân nhân tại ngũ, 300.000 quân dự bị, và 15.000 người trong lực lượng bán quân sự).