8h sáng, Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, ngân hàng Vietinbank, chi nhánh TP.HCM) và các đồng phạm được đưa đến tòa.
Sáng nay, 15/12, TAND Tối cao tại TP.HCM mở phiên tòa xét xử phúc thẩm Huỳnh Thị Huyền Như và đồng bọn lừa gần 4.000 tỷ đồng.
Theo dự kiến, phiên tòa sẽ kéo dài đến hết tháng 12/2014. HĐXX bao gồm chủ toạ là thẩm phán Quảng Đức Tuyên, hai thẩm phán là Phan Thanh Tùng và Mai Thị Tố Oanh.
Đại diện Viện kiểm sát là ông Nguyễn Thế Thành cùng một kiểm sát viên dự khuyết. Đây là vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được nhiều người quan tâm.
Huỳnh Thị Huyền Như (áo hồng) cùng các đồng phạm có mặt trong phiên xét xử sơ thẩm
Theo bản án sơ thẩm, năm 2007 Huyền Như vay trên 200 tỷ đồng để đầu tư kinh doanh bất động sản ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Đến năm 2010, việc kinh doanh bị thua lỗ, các chủ nợ liên tục đòi tiền Huyền Như.
Để có tiền trả nợ, Huyền Như nảy sinh ý định lợi dụng quyền trưởng phòng giao dịch Vietinbank huy động tiền của các khách hàng rồi chiếm đoạt.
Huyền Như đưa ra mức lãi suất cao để thu hút các tổ chức, cá nhân gửi tiền. Sau đó Huyền Như làm giả 8 con dấu của các đơn vị, giả chữ ký và lừa luôn lãnh đạo Vietinbank để chiếm đoạt tổng cộng gần 4.000 tỷ đồng của 3 ngân hàng, 9 công ty và 3 cá nhân.
Tòa sơ thẩm đã tuyên phạt Huyền Như mức án chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 6 năm tù về tội “Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức”. Tổng hợp hình phạt bị cáo phải chấp hành là chung thân.
Vụ án Huyền Như được coi là vụ lừa đảo lớn nhất nước ta từ trước đến nay với số tiền gần 4000 tỷ.
Trong vụ án này còn có 22 bị cáo bị tuyên mức án từ 1 năm tù treo đến 20 năm tù về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Cho vay lãi nặng”.
Trong đó, Võ Anh Tuấn - nguyên phó giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè - nhận mức án 20 năm tù, Đào Thị Tuyết Nhung 10 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 2 năm tù về tội “Cho vay lãi nặng”.
Những người này được xác định đã đóng vai trò giúp sức tích cực cho Huyền Như trong việc chiếm đoạt tiền của các ngân hàng.
Sau phiên sơ thẩm, bị cáo Huyền Như chỉ kháng cáo phần dân sự, xin lại căn biệt thự trị giá 43 tỷ đồng tại Quảng Nam vì cho rằng đây là tài sản riêng của mẹ, không phải mua bằng tiền chiếm đoạt được. 16 bị cáo khác cũng có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và kêu oan.
Riêng bị cáo Võ Anh Tuấn và Đào Thị Tuyết Nhung, VKSND TP.HCM đã có kháng nghị theo hướng tăng hình phạt vì cho rằng, mức án cấp sơ thẩm áp dụng là chưa tương xứng.
Đây là một trong những vụ án có số tiền bị chiếm đoạt kỷ lục nhất từ trước tới nay (gần 4.000 tỷ đồng), hồ sơ vụ án nặng hơn 300 kg với khoảng 70.000 bút lục. Bản án sơ thẩm dài 161 trang.