Vụ Vifon: Bộ Công thương tiếp tục từ chối là nguyên đơn dân sự

Việt Văn |

(Soha.vn) - Không đồng tình với bản án sơ thẩm, các bị cáo trong vụ “đại án” tham nhũng tại Công ty Vifon đồng loạt làm đơn kháng cáo đề nghị tòa phúc thẩm xem xét.

Đúng như dự kiến, sáng ngày 12/5, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã mở phiên phúc thẩm xét xử vụ án "Tham ô tài sản", "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty Vifon (Công ty Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam). Trước đó, ngày 24/3, phiên tòa phúc thẩm được mở nhưng đã phải hoãn lại vì sự vắng mặt của bị cáo Nguyễn Bi, nguyên chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc công ty Vifon.

Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm ngày 12/5.
Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm ngày 12/5.

Cũng trong phiên tòa hôm nay, HĐXX cho biết Bộ Công thương tiếp tục từ chối là nguyên đơn dân sự trong vụ việc và khẳng định Nhà nước không bị thiệt hại trong vụ án này. Do đó, Bộ Công thương cho rằng cần xác định lại nguyên đơn dân sự. HĐXX cũng cho biết, đại diện Bộ Công thương có đơn xin vắng mặt tại phiên tòa.

Do các tình tiết nêu trên, các luật sư tham gia phiên tòa đưa ra ý kiến đề nghị HĐXX xem xét hoãn phiên tòa, đề nghị HĐXX hoặc là công bố công văn của Bộ Công thương hoặc là xem xét không có tội danh tham ô ở đây.

Mặc dù đại diện Bộ Công Thương vắng mặt nhưng phiên tòa vẫn tiếp tục diễn ra như dự kiến.

Mặc dù đại diện Bộ Công thương vắng mặt nhưng phiên tòa vẫn tiếp tục diễn ra như dự kiến.

Theo HĐXX, tại thời điểm xảy ra vụ án, Công ty Vifon đang có 100% vốn nhà nước nên việc bản án sơ thẩm xác định Bộ Công thương bị thiệt hại là chính xác. Hơn nữa, dù Bộ Công thương không tham gia phiên tòa sơ thẩm, từ chối tư cách tố tụng của phiên tòa nhưng khi bản án sơ thẩm đã tuyên bố mà Bộ Công thương không kháng cáo về tư cách tham gia phiên tòa.

Do đó, HĐXX cho rằng việc vắng mặt của Bộ Công thương không làm ảnh hưởng đến vụ án và quá trình xét xử nên quyết định tiếp tục phiên tòa phúc thẩm.

Cũng trong vụ án này, ông Nguyễn Văn Bên, giám đốc Công ty Vifon (nguyên Phó Tổng giám đốc), là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án cũng làm đơn kháng cáo, tuy nhiên sau đó, ông này đã rút đơn kháng cáo.

Bị cáo Nguyễn Thanh Huyền giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu trong vụ án tham nhũng này.

Bị cáo Nguyễn Thanh Huyền giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu trong vụ án tham nhũng này.

Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Thanh Huyền (59 tuổi, TP.HCM) bị HĐXX tuyên phạt 20 năm tù về tội “Tham ô”, 15 năm tù về tội “Lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Tổng hợp hình phạt chung là 30 năm tù. Đồng thời bị cáo Nguyễn Thanh Huyền buộc phải bồi thường cho Bộ Công thương số tiền 9,8 tỷ đồng, bồi thường cho công ty Vifon số tiền 1,379 tỷ đồng.

Bị cáo Nguyễn Bi (65 tuổi, Quảng Bình) 15 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và 7 năm tù về tội “Lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Tổng hợp hình phạt chung là 22 năm tù và bồi thường cho Công ty Vifon 2,2 tỷ đồng.

Bị cáo Đàm Tú Liên (53 tuổi, TP.HCM), nguyên Kế toán trưởng bị kết án 8 năm tù; bị cáo Dương Thị Mẫn (67 tuổi, TP.HCM) và Ka Thị Thu Hồng (57 tuổi, TP.HCM) cùng lĩnh mức án 7 năm tù, về tội danh “Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Đến 16h chiều 12/5, phiên xử phúc thẩm khép với nhiều tình tiết vẫn chưa được làm rõ, trong ngày mai HĐXX tiếp tục xét hỏi các bị cáo trong vụ “đại án” tham nhũng tại Công ty Vifon. Dự kiến phiên tòa phúc thẩm kéo dài 5 ngày.

Theo hồ sơ vụ án, Công ty Vifon (Công ty Kỹ nghệ thuật phẩm Việt Nam) thành lập năm 1993, là doanh nghiệp Nhà nước do ông Nguyễn Bi làm Tổng giám đốc và Nguyễn Thanh Huyền làm Kế toán trưởng.

Đến năm 2004, Công ty Vifon chuyển từ doanh nghiệp Nhà nước thành Công ty Cổ phần (trong đó 51% vốn Nhà nước). Ông Nguyễn Bi làm chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc, Nguyễn Thanh Huyền làm Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính, Đàm Tú Liên làm Kế toán trưởng.

Lợi dụng giai đoạn cổ phần hóa công ty, ông Bi và bà Huyền đã móc nối nhau, chỉ đạo cấp dưới là bà Tú và một số người khác thực hiện hạch toán sai tài khoản, sai nguồn vốn nhằm lấy tiền của Nhà nước và các cổ đông để đưa vào huy động vốn cho cá nhân rồi sau đó chiếm đoạt 18,2 tỷ đồng.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại