"Vụ Nguyễn Thanh Chấn 2": Nghẹn ngào nước mắt người trong cuộc

7 nhát dao cướp đi mạng sống của nạn nhân, 7 thanh niên nam nữ bị bắt giữ buộc phải nhận tội giết người.

Sau 7 tháng bị giam cầm để điều tra, 7 người này vừa được trả tự do (ngày 25/2) khi hung thủ trực tiếp gây án bất ngờ lộ diện. 

Vụ án gây khá nhiều bức xúc về công tác tố tụng của các cơ quan tỉnh Sóc Trăng, mà người dân địa phương ví von gọi đây là “vụ án Nguyễn Thanh Chấn 2”.

Những người chân lấm tay bùn bỗng bị mang tội giết người

Dù nhiều tháng đã trôi qua nhưng người dân nơi đây vẫn nhớ như in vụ án giết chết người lái xe ôm đặc biệt nghiêm trọng. Khoảng 4h30 sáng ngày 06/07/2013, người dân đi làm đồng tại ấp Lâm Dồ, xã Đại Ân 2 (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) bàng hoàng phát hiện thi thể một người đàn ông tuổi trung niên gục chết cạnh con đường làng, người bê bết máu với nhiều vết đâm khắp cơ thể.

Cái chết thảm đầy bí ẩn của người đàn ông xấu số càng khiến dư luận nơi đây hoang mang, lo sợ. Bởi xóm nhỏ nghèo khó này chưa từng xảy ra vụ trọng án giết người nào mà dã man như thế. Xe máy, điện thoại di động, ví tiền của nạn nhân vẫn còn nguyên vẹn và được cơ quan chức năng lần lượt tìm thấy quanh hiện trường. Ngay sau đó, danh tính của nạn nhân nhanh chóng được xác định là ông Lý Văn Dũng (SN 1970, ngụ ấp Đầu Giồng, thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng), hành nghề chạy xe ôm từ nhiều năm qua.

Gia đình ông Dũng có hoàn cảnh rất khó khăn, không có nhà cửa, đất sản xuất, phải ở đậu nhờ trên phần đất của người họ hàng tại ấp Đầu Giồng, thị trấn Trần Đề. Khám nghiệm tử thi, ngành chức năng phát hiện trên cơ thể ông Dũng có 7 nhát đâm, trong đó có một vết đâm chí mạng vào vùng ngực, một vết đâm từ trên đỉnh đầu xuống.

Qua công tác khám nghiệm, công an nhận định có thể ông Dũng bị đâm lúc đang chạy xe, nên phải bỏ xe chạy bộ thoát thân. Nhưng do đêm khuya, mọi người đang say giấc lại ở nơi hoang vắng, nhà cửa thưa thớt, không ai nghe được tiếng kêu cứu của ông. Khi gượng chạy đến khu vực gần cầu Kênh 2 thuộc ấp Lâm Dồ, thì ông Dũng đuối sức và gục chết tại chỗ. Có thể đây là vụ giết người nhằm vào mục đích trả thù, do tất cả các tài sản của ông vẫn còn, không bị mất.

 - Ảnh 1

Thạch Sô Phách đang kể lại với PV ngày tháng bị điều tra viên dùng nhục hình, bức cung.

Qua công tác nắm tình hình, khoanh vùng, sàng lọc các đối tượng trong diện nghi vấn tại địa phương, bằng “biện pháp nghiệp vụ” lực lượng chức năng xác định nguyên nhân của vụ án có thể xuất phát từ những mâu thuẫn, hiềm khích cá nhân. Lập tức 7 thanh niên nam, nữ được triệu tập nhằm phục vụ công tác điều tra. Đó là Trần Hol (SN 1986, ngụ ấp Lâm Dồ, xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng), người từng liên quan đến vụ cố ý gây thương tích trước đó nên được cơ quan công an mời làm việc.

Tiếp theo, 5 thanh niên khác là bạn bè của Hol gồm: Trần Cua, Trần Văn Đỡ, Thạch Sô Phách (SN 1989), Thạch Mươl và Khâu Sóc (đều trú tại xã Đại Ân 2) cũng lần lượt bị công an mời làm việc rồi cùng bị tạm giam, khởi tố về tội “Giết người”. Riêng Nguyễn Thị Bé Diễm (là bạn gái của Trần Văn Đỡ, quê tỉnh Hậu Giang, làm nghề phục vụ quán nhậu ở thị trấn Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề) là đối tượng nữ duy nhất cũng bị khởi tố về tội “Không tố giác tội phạm”. Diễm được trả tự do trước Tết Giáp Ngọ.

Hung thủ thực sự bất ngờ đầu thú!

Sau hơn 7 tháng bị giam cầm, theo lời kể của các “bị can”, sau những trận đòn thừa sống thiếu chết để ép cung của cán bộ điều tra thì họ đã phải “cúi đầu nhận tội” về hành giết người của mình(?!). Vụ án tưởng chừng như đã kết thúc, ban chuyên án chuẩn bị thưởng “nóng” cho các đơn vị xuất sắc phá án, lập thành tích thì bất ngờ hung thủ sát hại ông Lý Văn Dũng, đến Công an phường Bình Trị Đông (quận Bình Tân, TP.HCM) xin đầu thú vào giữa tháng 12/2013. Ả khai tên là Lê Thị Mỹ Duyên (ngụ TP.Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) đã cùng người tình đồng tính Nguyễn Kim Xuyến (ngụ thị trấn Trần Đề) thống nhất lên kế hoạch giết ông Dũng để cướp tài sản nhưng không thành. Gây án xong, cặp đồng tính này nhanh chóng rời khỏi hiện trường và trốn biệt ở TP.HCM.

Duyên còn khai nhận, sở dĩ ả đến cơ quan công an đầu thú là thời gian gần đây phát hiện “người tình trong mộng” đã thay lòng đổi dạ, quay lưng đi với người khác nên ghen tức. Nhiều lần ả yêu cầu Xuyến quay về nối lại tình xưa nhưng đều bị cự tuyệt. Ả muốn đi đầu thú để 2 người được gặp mặt nhau tại cơ quan công an sau bao ngày nhớ nhung, nếu có chết bên nhau thì cũng toại nguyện.

Những lời khai của 2 đối tượng này phù hợp với hiện trường vụ án, Duyên và Xuyến lập tức bị tạm giam để điều tra. Ngay sau đó Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã ra “Quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam” cho các bị can trong vụ “Giết người” được trở về đoàn tụ với gia đình vào hôm 25/02/2014 do ông Huỳnh Thế Đức, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng ký.

Khi chúng tôi đến, nhiều người dân tại ấp Lâm Dồ, xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng vây kín, bức xúc bày tỏ trong tiếng nấc nghẹn ngào. Sau ngày được trả tự do, một số người trong nhóm bị bắt oan đã rời bỏ làng quê nghèo khó này để đi nơi khác mưu sinh.

Bà Sơn Thị Sơi (54 tuổi), là hàng xóm của Trần Hol bày tỏ: “Trần Hol rất nghèo khó, không nhà cửa, ruộng vườn phải ở tạm trong căn nhà rách nát của bà ngoại vừa qua đời để lại. Hol là trụ cột trong gia đình nên gánh vác rất lớn, phải đi làm thuê để kiếm tiền nuôi vợ con. Ngày Hol bị bắt, Sơn Thị Hoan (vợ Hol) phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất, bụng mang dạ chửa, sắp đến ngày sinh nở mà không có được miếng ăn, 1 đồng cũng không có. Thương tình nên bà con trong vùng góp gạo, góp tiền cứu trợ và hết lời an ủi, động viên Hoan cố vượt qua khốn khó mà tin chồng sẽ có một ngày trở về”.

Nhìn cảnh đoàn tụ trong nước của những người bị oan sai, khiến chúng tôi không khỏi xót xa, bùi ngùi. Anh Thạch Sô Phách thì nói chẳng nên lời, bập bẹ từng tiếng: “Giờ tôi không biết nên vui hay buồn nữa, những ý nghĩ trong đầu luôn trống rỗng bởi tôi thường xuyên bị co giật. Điều tra viên đánh tôi, thậm chí buộc tôi phải nhận tội “Giết người”. Trò này chưa hết là tôi phải hứng chịu tới trò tiếp theo...”.

Nghe Phách kể ngày tháng trong trại giam bị điều tra đánh đập, hành hạ đến thân tàn ma dại khiến mẹ ruột mình là bà Thạch Thị Ngọc (SN 1955, trú tại nhà số 053, ấp Lâm Dồ, xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) không thể cầm được nước mắt, cứ nấc nghẹn theo từng lời kể đau đớn của con trai. Để lại “di chứng” nặng nề hơn cả có lẽ là anh Trần Hol, giờ trở về với trí nhớ sa sút nghiêm trọng, thường quên trước quên sau. Hol chỉ cho chúng tôi xem những vết sẹo còn hằn lại trên đỉnh đầu do bị điều tra đánh vì dám không nhận tội...

“Chúng tôi không hỗ trợ được gì...”

Để nắm rõ thông tin, sáng ngày 04/03, chúng tôi tìm đến Công an xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng liên hệ gặp lãnh đạo thì được một đồng chí mặc thường phục, ở phòng kế bên công an xã cho biết lãnh đạo bận việc đi đám hết rồi và bảo tôi liên hệ qua số máy cầm tay. 10h55, chúng tôi mới nối máy được với đồng chí Thái Văn Bằng, quyền Trưởng Công an xã Đại Ân 2. Biết chúng tôi là PV đến để tìm hiểu, nắm tình hình về vụ án oan sai tại địa phương nên vị công an này hết sức dè dặt, buộc chúng tôi phải xuất trình giấy tờ rồi mới làm việc. Tuy nhiên, khoảng gần 10 phút “làm thủ tục” thì bất ngờ vị công an này nói: “Phải xin ý kiến cấp trên, chúng tôi không hỗ trợ được gì, và không biết những người bị hàm oan trong vụ án “Giết người” hiện giờ đang ở đâu (?!)”.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại