Vụ Dương Chí Dũng: Ụ nổi rao bán 5 triệu được ký mua 9 triệu USD

Trần Thiết |

(Soha.vn) - Việc mua ụ nổi 83M là một trong những sai phạm lớn ở Vinalines thời Dương Chí Dũng. Bỏ ra số tiền 9 triệu USD để mua về, giờ ụ nổi 83M chỉ là đống sắt thép gỉ...

Mới đây, cơ quan điều tra Bộ Công an đã có kết luận điều tra về những sai phạm của ông Dương Chí Dũng – nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải cùng các đối tượng khác tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Một trong số các sai phạm của các đối tượng là việc mua ụ nổi 83M.

Cụ thể, để thực hiện chủ trương mở rộng đầu tư sang lĩnh vực sửa chữa tàu biển, ngày 27/6/2007, ông Dương Chí Dũng (lúc này đã giữ chức chủ tịch HĐQT) đã ký quyết định phê duyệt chủ trương xây dựng dự án nhà máy với tổng đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng, trong đó cho phép mua, lắp đặt một ụ nổi để phục vụ sửa chữa tàu.

Ụ nổi 83M (Ảnh: ANTĐ)
Ụ nổi 83M (Ảnh: ANTĐ)

Triển khai việc mua ụ nổi theo quyết định phê duyệt trên. Khi làm các thủ tục mua, Vinalines xác định ụ nổi là tàu biển nên đã áp dụng hình thức chào giá cạnh tranh theo quy định tại Nghị định 49/2006/NĐ-CP về mua bán tàu biển để lựa chọn nhà thầu. Vì nghị định này quy định tàu biển nhập khẩu phải được Đăng kiểm Việt Nam kiểm tra và xác nhận tàu biển có trạng thái kỹ thuật phù hợp với các yêu cầu về an toàn hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường, nên ngày 27/7/2007, đoàn khảo sát do Trần Hữu Chiểu làm trưởng đoàn cùng Lê Văn Dương, cán bộ Cục Đăng kiểm Việt Nam đi kiểm tra, khảo sát tình trạng ụ nổi 83M tại LB Nga.

Sau khi khảo sát, ông Dương lập, ký biên bản kiểm tra giám định tình trạng kỹ thuật ụ nổi. Dựa theo biên bản kiểm tra, ông Trần Hữu Chiều – Phó TGĐ kiêm trưởng ban quản lý dự án đầu tư xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam ký báo cáo kết quả khảo sát theo hướng đề nghị TGĐ và HĐQT mua ụ nổi trên. Đây là một trong những căn cứ quan trọng để TGĐ và HĐQT xem xét, quyết định mua ụ nổi 83M.

Sau đó, ông Dương Chí Dũng đã phê duyệt đầu tư dự án mua ụ nổi trên với phương thức sửa chữa tại Nga và lai dắt về Việt Nam. Ông Chiểu có tờ trình nêu, thời tiết tại Nga không thuận lợi, không thể lai dắt về Việt Nam và đề nghị thay đổi phương thức: vận chuyển ụ nổi bằng tàu nâng nặng, tự tổ chức sửa chữa tại Việt Nam với tổng mức đầu tư 19,5 triệu USD, trong đó phí mua là 9 triệu USD. Ngày 15/3/2008, ông Phúc, đại diện Vinalines ký hợp đồng mua bán ụ nổi 83M với giá 9 triệu USD với công ty AP.

Gần 3 tháng sau, ụ nổ trên được đưa về Việt Nam. Ngày 25/3/2011, Chi Cục hàng hải Việt Nam tại TP HCM thuộc Cục Hàng hải Việt Nam cấp giấy chứng nhận đăng ký tạm thời tàu biển. Vinalines phải thuê địa điểm neo đậu tại cảng Gò Dầu B, tỉnh Đồng Nai.

Sau khi đã mua và nhập khẩu đưa ụ nổi về Việt Nam và ở thời điểm Chính phủ chưa phê duyệt bổ sung dự án vào quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tàu thủy, đầu tháng 10/2008, ông Dương Chí Dũng phê duyệt dự án, nâng tổng mức đầu tư từ hơn 3.800 tỷ đồng lên gần 6.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến ngày 17/5/2012, Vinalines mới chỉ đầu tư mua, sửa chữa ụ nổi với tổng số tiền hơn 525 tỷ đồng, đến nay không triển khai thêm nên bị quyết định thoái vốn.

Ngày 1/2/2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công đã khởi tố vụ án tham ô tài sản đối với 4 bị can, trong đó có ông Trần Hải Sơn- TGĐ Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines về tội Tham ô tài sản liên quan đến hành vi gửi giá, lập khống khối lượng sửa chữa ụ nổi để rút hơn 3,3 tỷ đồng. Sau đó, cơ quan điều tra cũng đã khởi tố đối với 10 bị can về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngày 30/1/2013, sau khi kết thúc điều tra, Cơ quan công an đã đề nghị Viện KSND tối cao truy tố 4 bị can tội Tham ô tài sản và tách riêng vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngày 25/9/2013, cơ quan điều tra ra quyết định bổ sung đối với Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc – TGĐ Vinalines, Trần Hải Sơn, Trần Hữu Chiểu về tội Tham ô tài sản.

Về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng, theo kết quả điều tra, Dương Chí Dũng và 6 bị can khác đã có hành vi làm trái trong việc lập, phê duyệt đầu tư dự án nhà máy; tổ chức đấu thầu, phê duyệt, ký và thanh toán hợp đồng mua ụ nổi 83M; Huỳnh Hữu Đức, Lê Ngọc Triện và Lê Văn Lừng, cán bộ Chi Cục hải quan Vân Phong làm trái trong việc làm các thủ tục thông quan, nhập khẩu ụ nổi.

Trong khi Bộ GTVT chưa cập nhật bổ sung dự án nhà máy sửa chữa tàu biển vào quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam, cũng như chưa trình Thủ tướng quyết định thì Vinalines đã phê duyệt dự án nhà máy.

Trần Hữu Chiểu, Mai Văn Phúc, Dương Chí Dũng ký trình, phê duyệt đầu tư dự án nhà máy trên là trái với ý kiến chỉ đạo của Chính phủ. Để đưa ra những căn cứ sai phạm, cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định liên Bộ: tài chính, công thương, khoa học và công nghệ… đồng thời khẳng định những sai phạm đó trách nhiệm trực tiếp thuộc về ông Dũng, Phúc và Chiểu.

Việc đầu tư, đấu thầu, khảo sát ký hợp đồng mua ụ nổi 83M, mặc dù tháng 10/2008 Vinalines với có quyết định nhưng từ tháng 7/2007 đã tổ chức đấu thầu, nhập khẩu. Vinalines không có thư thông báo mời thầu, trong hồ sơ đấu thầu chỉ có 2 đơn vị gửi thư chào bán 3 ụ nổi, trong đó công ty AP chào bán ụ nổi 220 sản xuất từ năm 1969 và ụ nổi 83M sản xuất từ năm 1965, công ty môi giới Mega Marine chào bán ụ nổi 194M sản xuất 1988. Vinalines chỉ khảo sát hai ụ nổi của công ty AP.

Qua khảo sát, các thành viên biết ụ nổi 83M hư hỏng nhiều, không còn hoạt động và đã bị Đăng kiểm Nga dừng phân cấp từ năm 2006, giá công ty bán đưa ra đàm phán là dưới 5 triệu USD. Đăng kiểm viên Lê Văn Dương đã lập biên bản giám định không phản ánh đúng thực tế tình trạng kỹ thuật ụ nổi.

Về hành vi cố ý làm trái trong việc thanh toán hợp đồng mua ụ nổi trên, cơ quan điều tra xác định, ngày 17/3/2008, bà Bùi Thị Bích Loan - kế toán trưởng Vinalines biết Vinalines mua ụ nổi trái pháp luật khi ký ủy nhiệm chi số 17 chuyển 900.000 USD tiền đặt cọc hợp đồng vào tài khoản chung giữa công ty AP và Vinalines.

Hơn 2 tháng sau, ông Phúc đã ký đề nghị ngân hàng giải tỏa chuyển số tiền này cho công ty AP mà không được nhận các tài liệu của hợp đồng mua bán ụ nổi, là điều kiện để thực hiện việc giải tỏa số tiền ký quỹ trên. Tiếp đó, Vinalines dưới sự chỉ đạo của Phúc, Chiểu tiếp tục chuyển 8,1 triệu USD cho công ty AP mà không nhận được các chứng từ theo quy định của hợp đồng mua bán.

Về hành vi cố ý làm trái trong việc làm làm thủ tục thông quan, nhập khẩu ụ nổi 83M, cơ quan công an xác định, Chi cục Hải quan Vân Phong có tiếp nhận hồ sơ nhập khẩu gồm hợp đồng mua bán, hóa đơn thương mại. Tuy nhiên, khi kiểm tra thực tế, ụ nổi này đã cũ, han rỉ, hư hỏng nhiều, máy phát điện không hoạt động, không đủ điều kiện nhập khẩu nhưng Lê Ngọc Triện, cán bộ hải quan vẫn báo cáo đề nghị Huỳnh Hữu Đức, Phó chi cục Vân Phong cho thông quan. Ông Đức biết ụ nổi không đủ điều kiện vẫn ký cho thông quan…

Sau khi trừ các khoản Vinalines nộp cho ngân sách nhà nước, thuế nhập khẩu, VAT, phạt do nộp chậm thuế, chi phí vận chuyển… tổng thiệt hại do sai phạm mua ụ nổi là gần 337 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra kết luận, do hàng loạt các sai phạm trên của Vinalines nên dự án nhà máy sửa chữa tàu không đạt được mục tiêu đề ra, phải bỏ dở giữa chừng, ụ nổi không thể đưa vào khai thác sử dụng, tình trạng hiện nay của ụ nổi là đống sắt thép gỉ, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Dù Vinalines có văn bản đề xuất Bộ GTVT bán thanh lý ụ nổi trên nhưng đến nay chưa có đối tác nào chào mua.

Về hành vi tham ô hơn 1,6 triệu USD, qua báo cáo của Chiểu, Sơn, Mai Văn Khang, ông Dũng và Phúc biết rõ ụ nổi trên được chào bán dưới 5 triệu USD nhưng vẫn chấp thuận mua với giá 9 triệu USD.

Trong vụ mua bán trên, xác minh tại công ty AP, Singapore, cho thấy, có sự ăn chia được các bên thỏa thuận trước thời điểm Vinalines khảo sát và ký hợp đồng. Công ty Phú Hà (công ty này do em gái ông Sơn là Trần Thị Hải Hà làm giám đốc), mặc dù không thực hiện bất kỳ công việc gì liên quan đến ụ nổi nhưng vẫn được nhận hơn 1,6 triệu USD từ công ty AP. Số tiền này sau đó được quy đổi ra hơn 28 tỷ đồng và ông Sơn đã nhận đủ bằng tiền mặt và chuyển khoản. Ông Sơn khai, chỉ nhận được hơn 8 tỷ đồng, còn 20 tỷ ông Dũng và Phúc chia nhau. Ông Sơn cũng khai có biếu ông Chiểu 340 triệu đồng.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại