Vụ 3 công an trấn lột gái mại dâm: Tranh luận nảy lửa

Sáng nay (20-3), TAND TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn tiếp tục xét xử nhóm “cưỡng đoạt tài sản” gái mại dâm. Phần lớn phiên tranh tụng được diễn ra giữa công tố viên và luật sư, để làm rõ hành vi phạm tội.

“Lỗ hổng” từ khâu điều tra?

Đại diện VKS TP Lạng Sơn, ông Nguyễn Tuấn Anh, giữ quyền công tố tại toà, đọc “Bản kết luận”, nêu rõ: Bằng các chứng cứ thu thập được của bị hại, người làm chứng và các bị cáo, khẳng định: Các bị cáo: Nguỵ Văn Hùng, Hoàng Văn Trường, Triệu Văn Hiếu (đều là công an TP Lạng Sơn) và Hứa Viết Tú, phạm vào tội “cưỡng đoạt tài sản”, theo khoản 1, điều 135 BLHS, là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Phiên toà thu hút sự chú ý của dư luận.

Bằng các tài liệu điều tra và thẩm vấn tại toà, khẳng định, các bị cáo trên đã 2 lần dùng thủ đoạn, bắt quả tang mua bán dâm, để “trấn lột” của 2 người bi hại là gái mại dâm, số lượng lớn tiền và vàng; tổng cộng là trên 16 triệu đồng.

Riêng đối với hành vi “bắt bạc” xảy ra tại bến xe phía Bắc Lạng Sơn, VKS rút một phần quyết định truy tố; vì cơ quan điều tra không thể triệu tập các bị hại. Họ là những người lái xe miền Nam, không xác định rõ địa chỉ. Công tố cho hay, việc này, không ảnh hưởng đến việc quy kết tội danh đối với các bị cáo.

Các bị cáo công an tiếp tục phản cung.

Công tố viên cho rằng, hành vi của các bị cáo nguyên là sỹ quan công an đã ảnh hưởng đến uy tín của ngành.

Các bị cáo là người có năng lực, nhận thức; bản thân là đảng viên (đã bị đình chỉ sinh hoạt đảng- PV), nhưng vì lợi ích tầm thường đã phạm tội nghiêm trọng, nên cần phải xét xử một cách công minh, đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa chung.

Từ những nhận định trên, VKS đề nghị các mức án: Bị cáo Tú, Trường (mỗi người từ 15 đến 18 tháng tù); bị cáo Hiếu, Hùng (mỗi người từ 12 đến 15 tháng tù).

Một người áo vàng tha hồ trao đổi với bị cáo. 

Đáp lại, Luật sư Hoàng Thị Kim Khánh (bào chữa cho bị cáo Hiếu và Hùng), cho rằng: Các bị cáo này bị cáo buộc tội không đủ cơ sở, ví như, sự việc phạm tội tại nhà nghỉ Thùy Liên, các cơ quan tố tụng đã không xác định được thời gian phạm tội cụ thể (ngày, giờ- PV). Các lời khai của nhân chứng và bị hại mẫu thuẫn nhau.

Tự bào chữa cho mình, các bị cáo Hùng, Trường, Hiếu, cũng nêu những vấn đề chưa rõ như luật sư đã trình bày. Họ kêu oan, đòi hỏi các tất cả người bị hại phải có mặt tại toà để “đối chứng”.

Đại diện VKS giải đáp, những vấn đề luật sư nêu ra, cho rằng: Trong một vụ án, không thể yêu cầu các lời khai đều giống nhau. Quan trọng là các chứng cứ của người bị hại, bị cáo và nhân chứng, đã khớp nhau, thể hiện được bản chất của vụ việc.

Vấn đề thời gian không xác định cụ thể của vụ án xảy ra tại nhà nghỉ Kim Liên, công tố viên cho rằng, do thời gian quá lâu, nhiều giai đoạn gọi hỏi với số lượng người đông, nên không thể xác định chính xác được. “Con người là sinh học, chứ không phải là máy móc, tuy chỉ nói thời gian là khoảng cuối tháng 3-2012 là đủ, không làm lệch đi bản chất sự việc”. Công tố Tuấn Anh nói.

Nhiều người dự phiên toà, nhận định rằng, đây chính là “lỗ hổng” trong giai đoạn điều tra ban đầu của công an tỉnh Lạng Sơn.

Nóng phiên toà

Có thể nói, phần xét hỏi, tự bào chữa của bị cáo Tú được chú ý hơn cả. Không chỉ trả lời rõ ràng, khúc triết, bị cáo còn chỉ dẫn các vụ việc rất chi tiết, thành khẩn. Bị cáo Tú nhận tội đã cùng nhóm công an tiến hành cưỡng đoạt tài sản như cáo trạng đã quy kết.

Chỉ mong rằng, HĐXX xem xét, giảm nhẹ hình phạt, vì bị cáo không nhận thức đầy đủ, nên khi bị xui khiến đã tích cực “giúp các anh công an”, mà bây giờ lĩnh tội nặng.

Người nhà tha hồ gặp bị cáo, mà không có sự cho phép của HĐXX.

Bị hại Vy Thị Ng, ra toà hôm nay, cũng khẳng định các bị cáo chiếm đoạt tiền và vàng của mình là đúng sự thật, yêu cầu những người này phải hoàn trả cho cô. Ng cho rằng, mức án mà VKS đề nghị đối với bị cáo Trường và Hiếu là quá nhẹ, không tương xứng với hành vi phạm tội.

Phiên toà thu hút số lượng lớn người đến dự.

Phiên toà xét xử thu hút sự chú ý của dư luận, cán bộ và nhân dân trong vùng. Rất đông người đến dự, trong đó có người thân của các bị cáo. Hội trường, nơi diễn ra phiên xét xử chật cứng người. Nhiều lúc xuất hiện sự lộn xộn, mất trật tự, thậm chí có lời đe doạ đối với người bị hại, làm cho họ rất sợ.

Ngay buổi sáng hôm nay (20-3), nhiều người có hành vi thiếu văn hoá, mạt sát, chửi bới các phóng viên báo chí. Trong phần tranh tụng, khi luật sư có phần trình bày có lợi cho bị cáo, lập tức có tiếng vỗ tay, hoan hô ầm ĩ. Một cán bộ làm công tác tư pháp tại địa phương xác nhận, đã cho lực lượng chức năng để làm công tác bảo vệ các bị hại và nhân chứng vì họ rất lo ngại đến nhân phẩm và tính mạng của mình.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại