Vụ xét xử Dương Chí Dũng cùng 9 đồng phạm trong vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả ngiêm trọng và tham ô tài sản xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) diễn ra đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận.
Tuy nhiên, một vấn đề cũng khiến dư luận hết sức quan tâm là số phận của ụ nổi số 83M đã được đưa về Việt Nam.
Ụ nổi số 83M được sản xuất từ năm 1965 bị hư hỏng nhiều, không còn hoạt động và đã bị Đăng kiểm Nga dừng phân cấp từ năm 2006. Công ty Nakhodka, Liên bang Nga là chủ sở hữu đưa ra giá để đàm phán là dưới 5 triệu USD.
Tuy nhiên, ngày 04/10/2007, Mai Văn Phúc vẫn ký tờ trình đề nghị mua ụ nổi 83M của công ty AP – Singapore (công ty môi giới) với giá 9 triệu USD và chi phí sửa chữa tại Nga, lai dắt về Việt Nam là 5,136 triệu USD.
Tuy nhiên, sau đó, Vinalines đã 2 lần điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án. Lần thứ nhất là nâng từ mức 14,136 triệu USD lên 19,5 triệu USD khi chuyển sang phương án vận chuyển ụ nổi bằng tàu nâng nặng, tổ chức sửa chữa tại Nhà máy sửa chữa tàu biển Huyndai – Vinashin (Nha Trang). Lần điều chỉnh tổng mức dự án lần thứ hai là khi đã đưa ụ nổi về Việt Nam, do chi phí sửa chữa quá cao nên đã phát sinh thêm 7 triệu USD nữa.
Phát biểu tại phiên xét xử, đại diện của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cho biết: Hiện, ụ nổi 83M đang được neo đậu ở cảng Gò Dầu, Long An với tư cách là thuê địa điểm.
Theo vị đại diện này, các chi phí cho ụ nổi hiện nay gồm việc trông coi và thuê bến hết khoảng 1tỷ/tháng. Tuy nhiên, vị đại diện của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam này không nhớ tổng chi phí đã phải bỏ ra cho ụ nổi 83M kể từ khi thiết bị này được đưa về Việt Nam.
Khi được HĐXX hỏi về việc hoạt động của ụ nổi này, vị đại diện Vinalines cho biết: Từ khi ụ nổi về Việt Nam, cho đến nay vẫn chưa hoạt động được và đã phải sửa chữa. Số tiền để sửa chữa ụ nổi là của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam chi trả.
Trước câu hỏi về phương án xử lý thiết bị này, vị đại diện Vinalines cho biết: Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam đã báo cáo với Bộ GTVT. Về phương án sửa chữa để sử dụng, đến giờ phút này đã không khả thi và đã xin phép thanh lý để giảm thiểu thiệt hại nhưng chưa được đồng ý với lý do phục vụ công tác điều tra.
Với lý do liên tục tăng tổng mức đầu tư dự án mua ụ nổi nên ngày 3/10/2008, Dương Chí Dũng đã ký quyết định nâng mức đầu tư Dự án xây dựng Nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam từ 3.854 tỷ đồng lên 6.498 tỷ đồng.
Và thông qua việc mua ụ nổi 83M trái quy định của Nhà nước, sau khi thanh toán 9 triệu USD cho công ty AP, Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hải Sơn và Trần Hữu Chiều tham ô 1,666 triệu USD là số tiền mua ụ nổi 83M đã thanh toán được công ty AP - Singapore chuyển lại Việt Nam. Với các lý do trên, Dương Chí Dũng và các bị cáo đã phải hầu tòa.