Sư dởm lừa đảo 18 vụ chiếm đoạt hơn 400 triệu đồng

An Quỳnh |

Như Báo CAND đã đưa tin, Công an quận Đống Đa, Hà Nội đang tạm giữ hai đối tượng Võ Thị Quỳnh (34 tuổi) và Trần Kim Thành (36 tuổi), đều trú tại huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An để điều tra làm rõ hành vi giả danh nhà sư đi quyên góp tiền đúc tượng Phật.

Sau khi thông tin được đăng tải, đã có nhiều bị hại lên tiếng, trình báo vụ việc với cơ quan điều tra. Quá trình xác minh thông tin, hiện đã làm rõ 18 vụ lừa đảo do Quỳnh và Thành thực hiện, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi.

Đi học cho giống sư

Trung uý Nguyễn Sơn Hà, cán bộ Đội Điều tra tổng hợp Công an quận Đống Đa cho biết, trước khi “hành nghề”, các đối tượng được qua một “lớp” đào tạo về cách làm nhà sư, hành động cử chỉ sao cho giống nhà sư nhất.

Bên cạnh đó là cách nói chuyện thuyết phục, đánh trúng tâm lý, hoàn cảnh người dân như trong nhà có người ốm đau, có người chết, từng tham gia chiến tranh, hay bỏ con…

Độ tuổi bị hại chúng nhắm đến là người từ 60-80 tuổi, vì thế họ thường bị dao động, hoang mang, lo lắng… Sau “khoá đào tạo”, các “thực tập sinh” được đi theo những người đã “làm sư” chuyên nghiệp, có thâm niên để học hỏi kinh nghiệm.

Để việc đóng giả nhà sư và phật tử thành công, Quỳnh và Thành đã đến ngôi chùa ở Nam Định, gặp sư trụ trì để tìm hiểu các thông tin về ngôi chùa, cũng như quy trình, quy cách làm lễ an vị phật, hô thần nhập tượng, cầu an cầu siêu…

Sau đó Quỳnh và Thành về nhà nung nấu, bàn bạc kế hoạch và luyện tập, diễn đi diễn lại sao cho giống hình ảnh một nhà sư đi vận động, thuyết phục người dân làm lễ, có phật tử đi cùng…

Thành là đối tượng có hai tiền án về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cũng bằng thủ đoạn giả sư đi lừa tiền. Năm 2010 Thành bị Công an TP. Điện Biên Phủ bắt, bị xử phạt 6 tháng tù treo; năm 2011 bị Công an huyện Gia Lâm bắt, bị xử phạt 12 tháng tù giam.

Giả sư để lừa đảo

Theo Đại uý Phan Anh Tú, Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp Công an quận Đống Đa, đơn vị đã đấu tranh làm rõ 18 vụ lừa đảo trên địa bàn Hà Nội, với tổng số tiền lừa được ước tính hơn 400 triệu đồng.


Thư ngỏ các đối tượng tự soạn để lừa đảo (ảnh trên). Trang phục nhà sư và phật tử các đối tượng sử dụng.

Thư ngỏ các đối tượng tự soạn để lừa đảo (ảnh trên). Trang phục nhà sư và phật tử các đối tượng sử dụng.

Vị trí hoạt động của các đối tượng thường là các đền chùa, miếu.

Chúng trà trộn, lân la thăm gặp những phật tử đi lễ chùa, sau đó dò hỏi các thông tin về quê quán, địa chỉ, trong gia đình có người mất hay bị bệnh tật gì không, trước đây có bỏ con không, đi chùa vì lý do gì…

Sau đó lợi dụng tâm lý, hoàn cảnh gia đình của họ các đối tượng đến nhà xem tay, xem tướng số rồi “phán”, yêu cầu họ phải làm lễ dâng sao giải hạn, phả độ gia tiên… để con cái bị bỏ được siêu thoát, gia sự bình an.

Các đối tượng cũng để ý xem các bị hại đã từng công đức tượng Phật nào cho chùa nào, rồi “tư vấn” họ cung tiến thêm các tượng để gia đình được bình an, may mắn. Giá cả mỗi pho tượng từ 10 – 100 triệu đồng, tuỳ hình thức, kích cỡ…

Ngoài ra Quỳnh và Thành còn yêu cầu các phật tử đúc chuông, với lời giải thích, nếu ai đúc chuông sẽ được khắc tên bên trong chuông.

Mỗi sáng Phật tỉnh dậy, các nhà sư đánh chuông thì Phật sẽ nghe thấy tên họ và chứng giám, phù hộ độ trì cho họ không bị bệnh tật, làm ăn thuận lợi…

Sau khi bị hại tin tưởng đưa tiền, các đối tượng hẹn họ khi làm lễ xong sẽ mời họ đến chùa Quan Âm ở Nam Định để chứng kiến. Tuy nhiên đây là ngôi chùa không có thật. Thực chất khi lừa được người này xong chúng lại đi tìm “con mồi” khác.

Đối với những người tin, một thời gian sau chúng lại lấy lý do bàn thờ bị sập, thiếu áo cà sa, bận đi dự lễ… để yêu cầu người dân cung cấp thêm tiền và chiếm đoạt thêm.

Đối với những bị hại nghi ngờ, chúng lập tức cắt đứt liên lạc. Điển hình là vụ việc chị N.T.T và chị H.T.V ở Hoàng Mai, Hà Nội đã bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt số tiền 94 triệu đồng để đúc tượng và làm lễ.

Quá thời gian được hẹn, tượng không thấy đâu mà “nhà sư” thì bặt vô âm tín họ, mới sinh nghi và làm đơn trình báo…

Cơ quan Công an cũng lưu ý, đối với những người dân có tâm muốn công đức cho nhà chùa thì cần tìm đến các ngôi chùa hoặc các cơ sở có uy tín để trực tiếp công đức để tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Ngoài ra khi người dân phát hiện các đối tượng có biểu hiệu nghi vấn thì cần lập tức báo cho cơ quan chức năng để phối hợp điều tra, xác minh làm rõ.

Hiện Công an quận Đống đa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối vối hai đối tượng Võ Thị Quỳnh, Trần Kim Thành về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại