Ngày 7/1, ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Ban Chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng, lại lặng lẽ đến theo dõi phiên tòa xét xử vụ án Dương Tự Trọng (em trai Dương Chí Dũng) cùng 6 đồng phạm về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái pháp luật”.
Được biết, phòng theo dõi qua truyền hình là dành cho các cơ quan chức năng, cán bộ, lãnh đạo tòa án vì nó được bố trí cùng khu vực phòng tác nghiệp, đưa tin về phiên tòa của phóng viên báo chí.
Tuy nhiên, khi phiên tòa được tiến hành thì phòng truyền hình chỉ có Trưởng Ban Nội chính TƯ lặng lẽ ngồi theo dõi phiên xử.
Ông Nguyễn Bá Thanh đến tham dự vụ xét xử Dương Tự Trọng.
Trước đó, trong phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch Vinalines Dương Chí Dũng và các đồng phạm tại ngày 14/12, Trưởng Ban Nội chính TƯ cũng âm thầm một mình đến TANDHà Nội tham dự.
Trong phiên tòa xét xử Dương Chí Dũng, ông Nguyễn Bá Thanh đến khá sớm. Khi các phòng theo dõi phiên xử qua tivi còn chưa được mở, ông Thanh xuống xe ở cửa vào khu nhà hành chính của tòa, một mình đi thẳng vào khu vực phòng bố trí theo dõi phiên xử Dương Chí Dũng.
Nhiều cán bộ tòa án cũng khá bất ngờ vì ông Thanh đến sớm, khi đó mới thông báo để nhân viên phục vụ mở cửa những căn phòng đã niêm phong lại sau buổi làm việc chiều hôm trước.
Nhưng Trưởng Ban Nội chính TƯ chỉ theo dõi phiên xử đến khoảng 10h thì rời tòa.
Vụ án của Dương Chí Dũng và đồng phạm tại Vinalines là một trong 10 đại án tham nhũng mà Ban Nội chính TƯ, Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng TƯ đưa vào diện giám sát đặc biệt.
Dương Tự Trọng tại phiên xét xử ngày 7/1.
Còn vụ án “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài” của Dương Tự Trọng và các đồng phạm không được xếp vào án tham nhũng nhưng cũng liên quan đến một cán bộ cấp cao trong ngành công an, thể hiện mối quan hệ phức tạp giữa lực lượng bảo vệ pháp luật với mạng lưới các đối tượng trong xã hội “ngầm”.
Trước đó, ngày 2/12, khi nói về Luật chống bao che tham nhũng, ông Nguyễn Bá Thanh cho rằng: “Nghị quyết của Đảng về phòng, chống tham nhũng đã rõ rồi, vấn đề còn lại là phải làm. Vừa chống nhưng vừa phòng tham nhũng. Chống thì phải chống nhưng còn phải phòng nữa. Ngay cả một số dịch vụ công cũng xảy ra tham nhũng, thậm chí trong bệnh viện cũng xảy ra. Có điều là nơi nhiều, nơi ít, quy mô khác nhau thôi".
Vào tháng 9/2013, trong buổi tiếp xúc cử tri hai quận Hải Châu, Sơn Trà - Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh cũng bày tỏ: "Muốn làm nhanh những vụ án tham nhũng, nhưng làm chưa xong vụ này đã lại phát hiện ra vụ khác".
Ông Thanh chia sẻ: "Việc xử lý các vụ án tham nhũng cực kỳ khó khăn, cần phải thận trọng. Quá trình điều tra, khởi tố cần phải chính xác đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm và không làm oan sai. Chính vì vậy các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải có thời gian".
Một điều khó khăn khác vô cùng nhạy cảm, đó là đối tượng tham nhũng liên quan đến người có chức, có quyền. Thậm chí nhiều vụ còn có yếu tố nước ngoài nên quá trình điều tra xác minh gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, dù có khó khăn vẫn phải điều tra làm rõ và đưa ra xét xử nghiêm minh.
Bày tỏ rõ quan điểm của Ban nội chính TƯ, ngày 12/12, trước phiên xét xử phúc thẩm vụ án Dương Chí Dũng, ông Phạm Anh Tuấn - Phó Trưởng ban Nội chính T.Ư nhấn mạnh: “Nếu như trước đây, mức án tham nhũng thường bị cho là nhẹ, thậm chí cho hưởng án treo nhiều vì căn cứ vào người phạm tội có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu. Tuy nhiên, với loại tội phạm này trong tình hình tham nhũng hiện nay, một mặt phải đáp ứng yêu cầu pháp lý, nhưng cũng phải đáp ứng cả yêu cầu chính trị, đòi hỏi của xã hội, vì vậy phải xử đủ nghiêm để răn đe”.