Trước đó, ngày 5/1/2014, Đội 5 phòng Cảnh sát Hình sự (PC45, Công an Hà Nội) cho biết đã bắt khẩn cấp và tạm giữ hình sự với Phạm Hồng Sơn (SN 1980, HKTT Hà Lầm, TP Hạ Long, Quảng Ninh) hiện sống tại số 1, ngõ 160, Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chỉ trong một thời gian ngắn, bằng thủ đoạn giống nhau, Sơn đã gây ra 8 vụ lừa đảo chủ yếu là xe máy và điện thoại đắt tiền trên địa bàn Hà Nội.
Manh mối về gã “nhiếp ảnh gia”
Khoảng tháng 8/2013, theo nguồn tin từ quần chúng nhân dân, trên địa bàn Hà Nội xảy ra nhiều vụ bị lừa đảo một cách trắng trợn và tinh vi, thủ phạm chủ yếu nhằm vào các cô gái trẻ đi xe máy đắt tiền, dùng điện thoại Iphone5, các vụ bị lừa trên đều diễn ra với một “kịch bản” tương tự. Chỉ có điều đối tượng thường khai man tên tuổi, thay đổi địa chỉ gây án, thậm chí đối tượng gây án còn tìm cách thay đổi “diện mạo”, và luôn giới thiệu mình là một nhiếp ảnh gia chuyên chụp ảnh cho nhiều người mẫu nổi tiếng, có khả năng lăng xê cho các cô gái mới lớn nhanh chóng trở thành người mẫu.
Vụ việc cụ thể diễn ra vào khoảng 9h ngày 8/10/2013, khi đang đi trên đường Phố Huế (Hà Nội), Sơn bắt gặp chị Lê Minh T (SN 1992, trú tại Đống Đa, Hà Nội) đang điều khiển chiếc xe máy Vespa LX đi phía trước. Thấy chị T. có xe đắt tiền và điện thoại Iphone 5 nên Sơn quyết định đưa vào tầm ngắm.
Đối tượng tiến lên đi song song với chị T. rồi “bâng quơ” tự giới thiệu mình là Tùng làm việc tại ảnh viện Juliet. Sơn khen chị T đẹp rồi ngỏ lời nhờ chị này làm người mẫu cho bộ ảnh mới của anh ta. Chị T. không mảy may nghi ngờ vì gã trai này có vẻ rất sành điệu, cũng có dáng của một nghiếp ảnh thực sự nên nở nụ cười với Sơn, chỉ cần có thế là Sơn dễ dàng xin được số điện thoại của chị T.
Đến khoảng 10h ngày 9/10/2013 Sơn hẹn gặp chị T tại phố Bà Triệu. Khi chị T. đi đến phố Đoàn Trần Nghiệp, Sơn đi bộ ra gặp T. rồi giả vờ nói: “Ảnh viện của anh ở tầng 8, để anh chở em đưa xe máy vào hầm gửi”. Sơn lên xe máy và chở T. đến tầng hầm gửi xe của tòa nhà Vincom, Bà Triệu.
Trên đường đi Sơn hỏi mượn chị chiếc điện thoại Iphone 5 rồi giả vờ bấm số gọi điện. Đến trước cổng hầm gửi xe, có chìa khóa chiếc xe Vespa LX cùng với chiếc điện Iphone5 đang sẵn trên tay, Sơn đưa xe xuống hầm gửi nhưng lại theo cửa ra rồi tẩu thoát. Phải mất một lúc lâu chị T. không thể liên lạc được với gã mới nhận ra mình đã bị lừa.
Xác định đây là một loại hình tội phạm không phải mới, nhưng rất ảnh hưởng đến đời sống, tâm lý người dân và ANTT trên địa bàn. Một chuyên án mang tên 039P được Đội 5, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội được xác lập.
Theo Trung tá Lê Kim Đồng, đội phó Đội 5, phòng PC45 Công an Hà Nội, để phá án thành công, những đơn vị nghiệp vụ nằm trong danh sách như Công an quận Ba Đình, Công an quận Hai Bà Trưng, ngoài ra lãnh đạo cũng đã huy động thêm gần 50 cán bộ chiến sỹ thuộc Tổ công tác Đặc biệt 142/CAHN: “Đây là thành quả của cả Đội 5 phòng PC 45, trong đó có sự phối hợp với Tổ công tác đặc biệt 142, Công an quận Ba Đình và Công an quận Hai Bà Trưng”. Trung tá Đồng khẳng định.
Theo nhận định của chuyên án, để lừa được xe đắt tiền và chuyên nhằm vào các cô gái trẻ, đẹp, gia đình có điều kiện, thì gã trai “lơ” gắn mác nhiếp ảnh gia kia nhất định phải có thân hình “tương đối” điển trai và sành điệu. Trong số những đối tượng đã đưa vào tầm ngắm, Sơn là đối tượng được liệt kê ưu tiên hàng đầu.
"Siêu lừa" Phạm Hồng Sơn đã bị bắt
Sa lưới trinh sát vì đi đánh ghen
Quá trình theo dõi, các trinh sát phát hiện hàng ngày Sơn ăn mặc bảnh bao, sành điệu, đeo kính đen và khoác trên người chiếc túi da thời trang, dáng dấp một người “nghệ sỹ”, gã điều khiển chiếc xe SH mầu trắng không đeo biển kiểm soát lượn lờ khắp các phố lớn trong khu vực quận Hai Bà Trưng và quận Ba Đình (điều này phù hợp với lời khai bị hại) để “săn” các cô gái hợp với “gu” của gã.
Mỗi khi tăm tia được cô gái nào đi xe đắt tiền như SH, LX, có nhan sắc và dùng điện thoại Iphone là Sơn tiến lên đi song song, giả vờ buông lời hỏi đường để làm quen. Tuy nhiên cứ mỗi “con mồi” sau khi xin được số điện thoại, Sơn lại thay đổi số, các địa điểm Sơn hẹn hò với “con mồi” cũng hoàn toàn khác nhau nên có phần khó khăn cho việc trinh sát của các cán bộ.
Các trinh sát lại phát hiện ra hắn có một cô “bồ” rất lăng nhăng. Kể từ đó một mũi trinh sát chuyên tập trung vào “cơ sở” này. Chính vì thói “lăng nhăng” của cô “bồ” đó khiến Sơn đôi khi đứng ngồi cũng không yên. Theo tính toán của ban chuyên án, để câu nhử được Sơn xuất hiện thì đây có thể là một thông tin quý giá.
Tối ngày 1/1/2014, (sau gần 3 tháng tập trung theo dõi) nguồn tin từ trinh sát báo về, tại một quán cà phê nằm trên đường Trần Huy Liệu, thuộc địa bàn quận Ba Đình, “bồ” của hắn đang “tâm sự” cùng một nam thanh niên to cao, vạm vỡ. Nhận định rất có thể có thể Sơn sẽ đến quán này vì hắn hay ghen tuông nên cũng đang theo dõi bồ của hắn “ngoại tình”. Khoảng gần 22 giờ tối cùng ngày, khi Sơn vừa bước vào quán thì các trinh sát ập vào bắt giữ. Tuy nhiên, cả gã cùng bồ đều không thể hiểu được rằng đó là cả một kế hoạch mà chuyên án đã vạch sẵn nên bị “mắc mưu”.
Trung sỹ Trần Hoàng Huy, cán bộ Đội 5 Phòng CSHS là người trực tiếp tham gia phá án kể lại: “Khi các trinh sát ập vào bắt giữ trước sự ngỡ ngàng của Sơn cùng cô bồ, gã này tỏ ra rất gan lỳ, có kiến thức hiểu biết và cãi lý rồi chối quanh”.
Trước nhiều chứng cứ “tâm phục, khẩu phục”, Phạm Hồng Sơn phải cho tay vào còng đi theo các cán bộ cảnh sát hình sự về trụ sở mang tên khét tiếng “số 07 Thiền Quang”.
Tại cơ quan công an, Sơn đã thừa nhận và khai báo các hành vi phạm tội của mình. Sơn khai nhận mỗi khi lừa được xe máy và điện thoại hắn thường đem bán với giá rẻ. Điện thoại thường bán từ 8 đến 10 triệu đồng, xe máy Sơn bán từ 15 đến 50 triệu đồng. Đối tượng Sơn khai thêm, có vụ lừa đảo được xe máy, Sơn mang về tận Quảng Ninh và đem lên Thái Nguyên để tiêu thụ, nhằm gây khó khăn cho quá trình điều tra.
Hiện tại, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Thành phố Hà Nội đang cử các cán bộ chiến sỹ đi các tỉnh để thu hồi tang vật theo lời khai của gã.