Gần 3 tỷ đồng tịch thu được trả lại cho chủ nhân

Nguyễn Xuân Quang Huy |

Gần 3 tỷ đồng bị tịch thu khi ông Trần Công Thanh mang qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất vào Việt Nam được trả lại trong phiên toà phúc thẩm diễn ra sáng nay tại TP. Hồ Chí Minh.

Ông Thanh bị bắt tại cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất trước đây, khi bị phát hiện trong hành lý gửi của ông có 160.000 USD mang về Việt Nam mà không khai báo.

Tại phiên sơ thẩm, bị cáo Trần Công Thanh bị xử 2 năm 6 tháng tù giam, tịch thu 160.000 USD khi người này mang từ nước ngoài về.

Phiên phúc thẩm hôm nay, tội danh của bị cáo vẫn không đổi so với phiên sơ thẩm: “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” (Điều 154, BLHS), nhưng kết quả phiên toà thay đổi rất nhiều.

Bị cáo Thanh được xử từ án tù giam sang tù treo. Số tiền của những người thân mà bị cáo cầm về sau khi bị tịch thu cũng được trả lại, với tổng là 123.000 USD (gần 3 tỷ đồng).

Riêng số tiền của bị cáo trong tổng số tiền 160.000 USD bị toà tịch thu trong phiên sơ thẩm, vẫn bị tịch thu.

Toà lập luận trong bản án: số tiền người thân gửi cho bị cáo Thanh, những người gửi không biết Thanh về mà không khai báo mà gửi đơn thuần. Nên số tiền đó phải trả lại cho những người gửi.

Hành vi của bị cáo Thanh được xác định là sai do không hiểu biết pháp luật.

Theo hồ sơ, ngày 30-8-2013, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất kiểm tra hành lý ký gửi của Thanh và phát hiện số tiền 160.000 USD không làm thủ tục khai báo hải quan khi nhập cảnh từ Philippines về Việt Nam.

Ông Thanh khai khi nhập cảnh vào Việt Nam có mang theo 165.000 USD nhưng tiếp viên hàng không không phát tờ khai về việc khai báo hải quan nên Thanh không khai báo.

Cho rằng việc thông báo quy định giới hạn tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí... đối với hành khách khi nhập cảnh được thông báo niêm yết rộng rãi tại cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, các cơ quan tố tụng đã không chấp nhận lời khai này.

Vào tháng 3-2015, tòa đã từng mở phiên xử và trả hồ sơ điều tra bổ sung nhằm làm rõ nguồn gốc số tiền trong vụ án này. Sau đó luật sư của bị cáo có kiến nghị gửi HĐXX đề nghị miễn trách nhiệm hình sự và trả lại số tiền cho bị cáo.

Luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn LS TP. Hồ Chí Minh), người bào chữa cho bị cáo Thanh tại phiên phúc thẩm lập luận: Tội danh quy định tại Đ.154 phải là hành động cố ý, trong khi hành vi mà bị cá Thanh thực hiện xuất phát từ lỗi vô ý

Bên cạnh đó, LS. Công cũng lập luận: Quyền sở hữu một phần trong số tiền bị tạm giữ là của anh, chị, vợ bị cáo Thanh.

Một vấn đề quan trọng khác mà vị luật sư này chỉ ra, là vấn đề tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm: Điều154 không quy định phải áp dụng biện pháp tư pháp tịch thu tiền là vật chứng của loại tội danh này.

Vì vậy, LS. Công đề nghị HĐXX tuyên trả lại số tiền hiện đang tạm giữ của bị cáo Thanh là 160.000 USD.

Cùng với các tình tiết giảm nhẹ: Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn; Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; Phạm tội do lạc hậu…

Hội đồng xét xử cùng đồng quan điểm với LS. Công và đi đến mức án phúc thẩm như trên.

Các chuyên gia pháp lý cho rằng, vụ án này cũng là bài học kinh nghiệm cho những người mang tiền trực tiếp từ nước ngoài về Việt Nam.

 

 

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại