Cô gái trẻ muốn cưới tử tội Hồ Duy Trúc liệu có được toại nguyện?

Ôm con đến tòa trong ngày xử án người yêu vì tội cướp, cô gái trẻ Nguyễn Thu Hằng muốn được kết hôn với tử tội Hồ Duy Trúc.

Lí do cô gái này mong mỏi là danh chính ngôn thuận vợ chồng với Trúc. Mặt khác, cô có nguyện vọng đứa con mình có cha trong các thủ tục hành chính về nhân thân.

Mới đây, tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM cũng đã nhận đơn của một phụ nữ ở quận 7, muốn được kết hôn với một tử tội trong vụ án của Công ty cho thuê tài chính (ALC2).

Các chuyên gia nhận định đây là một trường hợp chưa từng có tiền lệ trong lịch sử tố tụng Việt Nam. Lãnh đạo sở Tư pháp TP.HCM nói sẽ tạo mọi điều kiện. Trong khi đó, các luật sư tỏ ra khá e dè.

Trao đổi với phóng viên về trường hợp cô gái Nguyễn Thu Hằng muốn kết hôn với tử tội tướng cướp Hồ Duy Trúc, một luật sư thuộc đoàn luật sư TP.HCM đề nghị không nêu tên cho biết: “Luật không cấm người bị tuyên tử hình kết hôn. Cái khó là làm thế nào để trích xuất tử tù đang bị biệt giam đến xã, phường để làm thủ tục?”

Luật sư này cho biết thêm, theo nghị định 58/2005, người đăng kí kết hôn phải có mặt cả vợ lẫn chồng rồi cùng kí giấy chứng nhận kết hôn trước mặt chủ tịch UBND phường, xã.

Đồng tình quan điểm trên, luật gia Huy Giang, Hội luật gia TP.HCM cho biết thêm, các cơ quan tố tụng nên tạo điều kiện để tử tội cũng được kết hôn theo nguyện vọng.

Luật gia Huy Giang đề xuất, để tránh những tình huống phát sinh, tử tù nên được nhận hồ sơ kết hôn, kí giấy chứng nhận kết hôn ở ngay trại giam. Điều này thể hiện tính nhân đạo của pháp luật Việt Nam.

Trái với các nhận định trên, luật sư Lê Quang Vũ, Văn phòng luật sư Người Nghèo so sánh: Vụ án người bị tuyên tử hình ở Công ty cho thuê tài chính chỉ mới xử sơ thẩm. Như vậy, ông Đặng Văn Hai vẫn còn tư cách công dân.

Trong khi đó, vụ án của Hồ Duy Trúc, bị cáo này đã bị xử phúc thẩm. Ngay sau khi tòa tuyên án thì bản án đã có hiệu lực pháp luật. Bị án Hồ Duy Trúc đã không còn quyền công dân nữa.

Theo các quy định hiện nay, người đăng kí kết hôn phải là công dân có đầy đủ các quyền của mình. Trúc đã không còn quyền đó nữa, nên rất khó để bị án này được cấp giấy chứng nhận kết hôn với người yêu của mình.

Về đứa con của Trúc muốn được nhận cha, theo luật sư Vũ cũng không đơn giản. Bởi lẽ, cô gái Nguyễn Thu Hằng phải chứng minh được đứa bé là con của Trúc. Lúc này Trúc đang bị biệt giam, bị tước quyền công dân nên khó làm thủ tục kết hôn hoặc nhận cha cho con.

“Pháp luật tính đến các tình huống như trên vì việc nhận cha cho con có thể phát sinh các tình huống pháp lí khác như thừa kế chẳng hạn”, Luật sư Vũ nói.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại