Chặt tay cướp SH: Chém nhiều người tội nhẹ hơn chém một người?

Dù băng cướp Hồ Duy Trúc chém rất nhiều người nhưng do không có nạn nhân nào bị thương tích từ 61% trở lên hoặc chết nên tòa không thể xử Trúc mức án tử hình.

Tình tiết "gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng", theo hướng dẫn của pháp luật là gây ảnh hưởng xấu về an ninh, trật tự, an toàn xã hội… thì không cần phải gây thương tích 61% trở lên cho nạn nhân, không cần phải chiếm đoạt tài sản từ 500 triệu trở lên… vẫn có khả năng bị tử hình.

Cướp “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”

Mới đây, Tòa án nhân dân TP.HCM xử sơ thẩm tuyên phạt án tử hình đối với bị cáo Hồ Duy Trúc về tội cướp tài sản. Theo đó, Trúc cầm đầu một băng cướp, gây ra 15 vụ cướp trong một thời gian ngắn, gây thương tích cho các nạn nhân từ 2% đến 47%. Bọn chúng đã cướp được 15 chiếc xe máy và nhiều tài sản khác, trị giá 610 triệu đồng.

Vấn đề đặt ra là Khoản 4 Điều 133 Bộ luật Hình sự về tội cướp tài sản quy định:

"Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người;

b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên;

c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng". 

Như vậy, dù băng cướp Hồ Duy Trúc chém rất nhiều người nhưng do không có nạn nhân nào bị thương tích từ 61% trở lên hoặc chết nên tòa không thể xử Trúc mức án tử hình theo Điểm a Khoản 4 Điều 133 được.

Chính vì tình tiết “chiếm đoạt tài sản có giá trị 500 triệu đồng trở lên” thì tòa mới có cơ sở tuyên án tử hình với Trúc, cao hơn mức đề nghị của viện kiểm sát là án tù chung thân. Có thể nói đây là lần đầu tiên, tòa tuyên án tử hình với tội cướp dù không có hậu quả làm chết người.

Trước tình hình nạn cướp diễn ra nhiều như hiện nay, đặc biệt là ở các đô thị lớn, gây hoang mang, bất ổn tâm lý cho người dân, mức án trên được dư luận đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, có tình huống đặt ra: nếu có một băng cướp khác, cũng gây ra nhiều vụ cướp tàn bạo, nhưng đều không gây thương tích 61% trở lên và tổng giá trị tài sản chiếm đoạt cũng không tới 500 triệu đồng thì liệu các tòa án có tuyên án tử cho băng cướp được không?

Theo luật sư Lê Quang Y, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai, tại Điểm c Khoản 4 Điều 133 Bộ luật Hình sự quy định “cướp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” thì vẫn có khả năng chịu án tử hình.

Vậy hiểu thế nào là "gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng"? Theo hướng dẫn của Thông tư liên tịch 02 năm 2001 của Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, ghi rõ: “Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng xấu về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tùy vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng”.

Xét tội theo cảm tính?

Như vậy, khi không hội đủ các yếu tố định lượng như gây thương tích từ 61% trở lên, chiếm đoạt tài sản từ 500 triệu trở lên thì tòa có quyền áp tội theo… cảm tính.

“Như vậy, có những vụ cướp tính chất, mức độ… tương tự nhau nhưng tòa này sẽ cho là chỉ gây hậu quả nghiêm trọng (cao nhất 7 năm tù), rất nghiêm trọng (khung hình phạt tới 15 năm tù), còn tòa khác thì cho là đặc biệt nghiêm trọng và “quất” án tử hình. Điều đó là không công bằng với các bị cáo vì pháp luật phải được hiểu một cách thống nhất và đơn nghĩa chứ không thể hiểu đa nghĩa. Cạnh đó, thông tư này ban hành cũng đã 12 năm, bối cảnh xã hội lúc đó và bây giờ đã khác nhau… nên cần phải sửa lại theo hướng giải thích rõ thế nào là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng chứ không thể “tùy vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá”, làm vậy là cảm tính”, luật sư Y nói.

Về yếu tố định lượng “chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên”, luật sư Y cho rằng con số trên đã lỗi thời.

“Bộ luật Hình sự được ban hành năm 1999, tới nay đã 14 năm trôi qua. Cách đây 14 năm, con số 500 triệu là đặc biệt lớn. Còn bây giờ, 500 triệu tuy vẫn lớn nhưng không có giá trị cao như trước. Vậy áp con số từ nhiều năm trước để luận tội vào thời điểm này, liệu có còn phù hợp? Vàng từ đó tới nay đã tăng gấp nhiều lần, sao lại vẫn định lượng bằng con số cũ? Tất nhiên luật do Quốc hội ban hành thì chỉ Quốc hội mới có quyền sửa đổi, nhưng với bối cảnh vật giá tăng cao như hiện nay thì cần phải sửa luật cho phù hợp”, luật sư Y nhấn mạnh.

Luật sư Lê Quang Y nhận định, đành rằng hành vi cướp tài sản là không thể chấp nhận, bị cả xã hội lên án, nhưng bị cáo Trúc mới chỉ 20 tuổi, nhận thức xã hội cũng còn non kém… thì cũng nên cho bị cáo một con đường sống để cải tạo.

“Hành vi bị cáo Trúc dùng mã tấu chém đứt tay chị Thúy, gây thương tích 47% là dã man nhưng tôi cho rằng ít nhiều còn chút nhân ái. Chứ nếu Trúc quyết chiếm đoạt tài sản một cách nhanh chóng thì có lẽ Trúc đã chém thẳng vào vai chứ không chém vào tay. Con người là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội. Khi nạn cướp diễn ra nhan nhản như hiện nay thì trách nhiệm của gia đình, xã hội để ở đâu?

Đành rằng tội ác phải bị trừng phạt nhưng quan trọng hơn là xã hội cũng phải có phần trách nhiệm khi tạo ra những sản phẩm máu lạnh, quái thai… chứ? Hơn nữa Trúc mới chỉ 20 tuổi, cái tuổi nhận thức xã hội chưa được thấu đáo. Do đó tôi nghĩ nên tuyên mức án chung thân là vừa để bị cáo còn có cơ hội sửa chữa sai lầm”, luật sư Y phát biểu.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại