Người thân “vui chẳng tày gang”
Trong khoảng thời gian từ năm 1997 đến năm 2001, Dũng đã gây ra hàng chục vụ cướp. Suốt quãng thời gian đó, Dũng “chim xanh” trở thành nỗi sợ hãi của người dân. Sau những phi vụ táo tợn, Dũng từng muốn rửa tay gác kiếm. Nhưng vì đồng tiền, vì những cám dỗ, Dũng đã không thể rút chân khỏi vũng bùn tội lỗi.
Nhắc đến Dũng, đứa con gây ra nghiệp chướng cho xã hội, nước mắt bà Lê Thị Vui, mẹ Dũng, trú tại ấp 1, xã Tân Khai, huyện Hớn Quảng, tỉnh Bình Phước, lặng lẽ chảy dài trên gò má khô khốc. Trong ký ức của người mẹ bất hạnh, khoảng thời gian Dũng cố gắng sống làm người tử tế vẫn còn rất sống động. Bà kể, dạo ấy mỗi lần nghe tin con trai ra tù vào khám, lòng bà lại thấy tan nát. Bà từng có ý định tìm vợ cho Dũng nhưng bị hắn khước từ.
Bỗng dưng một ngày, Dũng dẫn theo cô gái tên Thảo về ra mắt bà Vui. Theo lời Dũng kể thì những ngày lang bạt, hắn làm quen rồi đem lòng yêu Nguyễn Thị Ngọc Thảo. Không lâu sau, Dũng xin phép mẹ cho làm đám cưới. Bà Vui kể: “Ba lần mai mối trước, tôi vội vàng ép nó cưới bao nhiêu thì giờ lại muốn mọi chuyện chậm lại bấy nhiêu. Lần đầu gặp Thảo, tôi đã không ưng cô gái này. Thằng Dũng khoe bạn gái nó sinh ra trong gia đình cơ bản, được ăn học đàng hoàng. Nhưng qua cung cách cư xử, ăn mặc của Thảo, tôi không tin nó là con nhà tử tế, lại càng không dám nghĩ nó sẽ trở thành vợ hiền, dâu thảo”. Giữa năm 1993, đám cưới của Dũng “chim xanh” được tổ chức. Bà Vui cũng chỉ biết hy vọng Thảo và Dũng sẽ sống hạnh phúc. Hơn thế, con trai bà sau khi có vợ sẽ dừng bước giang hồ, làm người tử tế.
Thế nhưng, trên hành trình tội ác của Dũng “chim xanh” sau này, Thảo luôn song hành cùng chồng. Không những không ngăn cản chồng phạm tội, Thảo còn bao che, cổ súy Dũng dấn sâu hơn vào con đường tội lỗi. Những đồng tiền nhơ nhớp Dũng cướp Thảo mặc sức hưởng thụ. Cũng chính vì cô vợ này, ý định quay đầu làm người lương thiện của Dũng bị phá sản.
Lấy nhau được một năm thì Dũng lên chức bố. Thời gian này, tính nết Dũng thay đổi hoàn toàn. Chẳng những không tụ tập cướp bóc, ông trùm này còn biết quan tâm đến người thân trong gia đình. Thấy Dũng thay đổi, bà Vui vô cùng hạnh phúc. Bà đinh ninh lời hứa năm xưa với người chồng đã khuất sẽ được thực hiện. Đó cũng là chuỗi ngày tháng, bà cảm thấy lòng thanh thản và vui vẻ.
Nhưng hành trình hòa nhập cộng đồng của một tướng cướp khét tiếng không đơn giản. Dũng bị người dân địa phương, anh em bạn bè xa lánh, nghi kỵ. Sau cảm giác tự ti, mặc cảm, hắn càng khao khát làm giàu, để chứng minh cho mọi người thấy tính cách giang hồ đã thật sự thay đổi. Tuy nhiên, việc làm ăn của Dũng gặp nhiều thua lỗ, thất bại.
Người mẹ quyết từ mặt đứa con trai tội lỗi
Việc kinh doanh cây cảnh bị thua lỗ, Dũng không hề chia sẻ với mẹ. Sau khi bị đàn em và vợ lôi kéo, gã âm thầm trở lại con đường trộm cướp, với hy vọng lấy lại những gì đã mất. Cuối năm 1995, trong một phi vụ trộm xe máy bị phát hiện, Dũng bị CQCA truy nã toàn quốc. Thời gian Dũng sống chui lủi, trốn tránh cơ quan chức năng, người thân trong gia đình phải giấu bà Vui. Vì tưởng con trai đi làm ăn xa nên Tết năm ấy, bà vẫn gói bánh tét, sắm cành mai rồi âm thầm đợi cửa mong ngóng. Nhưng giao thừa qua rồi suốt ba ngày Tết, hình bóng Dũng vẫn bặt tăm.
Mãi đến cuối tháng 2-1996, Dũng mới bí mật mò về nhà. Nhìn bộ dạng tả tơi của con trai, linh tính mách bảo bà Vui đã có chuyện không hay. Dẫu vậy, bà vẫn lặng lẽ đi chuẩn bị cho bữa cơm đoàn tụ. Nhưng chính trong bữa tối hôm ấy, lực lượng CA bất ngờ ập vào. Nghe các đồng chí CA đọc lệnh bắt Dũng, bà buông rơi chén cơm trên tay ngất xỉu.
Lần thứ 3 “xộ khám”, Dũng phải thụ án 18 tháng tù. Sau bao hy vọng rồi thất vọng, người mẹ già lại bắt đầu hành trình thăm nuôi đứa con bất hảo. Để có tiền trang trải nợ nần cho Dũng, bà phải rao bán ngôi nhà hiện đang ở. Rất may là sau đó, người đến mua trả giá không hợp lý nên ngôi nhà đến giờ vẫn được giữ lại. Khi Dũng mãn hạn tù, bà lại đến tận cổng trại đón con.
Sau ngày ra trại, Dũng không chịu về với mẹ mà đón vợ lên Sài Gòn. Trước khi chia tay, Dũng còn cẩn thận dặn bà Vui: “Mẹ đừng có bán nhà và cũng không phải lo cho con. Căn nhà ấy phải giữ làm chỗ thờ tự cha. Vợ chồng con còn trẻ, còn cơ hội làm lại. Con sẽ xuống TP làm ăn mấy năm là ổn thôi”. Sau này, bà Vui cũng chỉ tình cờ biết con trai không hề buôn bán mà đã trở thành tướng cướp khét tiếng, kẻ gây ra hàng loạt vụ trọng án trên địa bàn hai tỉnh Bình Dương, Bình Phước.
“Hôm đó giữa đêm khuya, tôi đang ngủ say thì Dũng về gọi cửa. Đi cùng với nó, tôi thấy một người đàn ông lạ mặt. Biết tôi thắc mắc, Dũng giới thiệu cậu ta tên Đỉnh, là em đi buôn cùng. Vừa vào trong nhà, Dũng vội kéo ngay một cái bao tải giấu lên gác”, bà Vui kể. Dù rất nghi ngờ, bà vẫn không hỏi mà lặng lẽ ra sau nhà hâm lại cơm cho Dũng và Đỉnh ăn. Đến khi hai gã ngủ say, bà âm thầm trèo lên gác và mở bao tải ra xem xét.
Khi nút thắt bung ra, bà Vui choáng váng khi nhìn thấy khẩu súng cạc bin lạnh ngắt và một bọc đầy ắp tiền, vàng, dây chuyền và giấy tờ. Trong giây phút thẫn thờ, bà buông tay làm rơi khẩu súng xuống đất. Vừa nghe tiếng động, Dũng giật mình tỉnh dậy lao lên gác nhặt lại khẩu súng rồi phân bua: “Đồ của con sao mẹ động vào làm gì”. Trấn tĩnh lại, bà nghiêm giọng: “Con mang theo súng để làm gì? Chẳng phải con nói với mẹ là con đi buôn thuốc lá sao?”. Vừa hỏi con, nước mắt bà đã ứa ra. Câu trả lời “tỉnh bơ” sau đó của Dũng: “Cái thời người khôn của khó này, đi buôn con không nuôi được gia đình” khiến bà hiểu ra tất cả.
Khi Dũng cầm tiền dúi vào tay, bà ném thẳng xuống đất và nói dứt khoát: “Tao thà chết đói còn hơn sống bằng những đồng tiền bẩn thỉu này. Mày cút ngay ra khỏi nhà tao. Từ nay, tao coi như không có đứa con này”. Nói ra những lời cay nghiệt ấy, lòng bà như tan nát. Với bà, hy vọng cuối cùng về con đường hoàn lương của Dũng đã tắt ngấm. Lúc ấy, bà cố tỏ ra cứng rắn, đuổi Dũng đi mà lòng vẫn mong con ở lại. Giá Dũng quỳ ngối xuống van xin bà tha thứ và hứa sẽ từ bỏ con đường bất lương ấy thì bà chắc chắn sẽ rộng lòng.
Không chỉ khiến cha uất ức đến chết, mẹ phải từ mặt, Dũng còn làm liên lụy đến vợ và hai người con khác của bà Vui phải dính vào lao lý vì tội che giấu tội phạm. Chứng kiến người thân vướng vào tù tội, Dũng mới thấy ân hận nhưng đã quá muộn.
Thời gian trôi qua nhanh, thấm thoát 10 năm kể từ ngày Dũng “xanh cỏ”. Khu vườn trong gia đình luôn rợp bóng mát, với những tạo tác bon sai ẩn chứa sau đó nhiều triết lý nhân sinh. Ngày Dũng ra đi, bà đã trách giận Thảo, nhất quyết không chịu thừa nhận cô con dâu gián tiếp hại chồng. Nhưng thời gian giúp chữa lành vết thương, sợi dây gắn kết từ những đứa trẻ cũng khiến nỗi oán trách phai dần. Cũng may, những đứa con của Dũng không đi theo vết xe đổ của cha. Đến giờ, chúng cũng dần trưởng thành và trở thành người lương thiện, sống có ích cho xã hội.
“Khai tử” băng cướp khét tiếng
Giữa năm 2004, tòa án hai cấp sơ và phúc thẩm TP HCM tuyên phạt Nguyễn Chí Dũng (biệt danh Dũng “chim xanh”) mức án tử hình về các tội: Hiếp dâm trẻ em, cướp tài sản, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng... 13 đàn em của Dũng bị tuyên phạt mức án từ tù treo đến 12 năm tù giam. Băng cướp tàn bạo khét tiếng Đông Nam bộ và tướng cướp gan lì, ma mãnh nổi tiếng với nhiều giai thoại chính thức bị khai tử.