Dũng “chim xanh”- trùm giang hồ khiến cha uất ức đến chết

Khoát Nguyễn |

Dũng “chim  xanh”  là  tên  tướng  cướp  khét  tiếng những năm cuối  thế kỷ 20, đầu  thế kỷ 21  tại các tỉnh miền Đông Nam bộ.

Hoàng “lựu đạn”: Đẩy “nợ đời” cho 2 bà vợ và 5 con

Ông trùm giang hồ từng cầm đầu một băng cướp tàn bạo, gieo rắc nỗi kinh hoàng cho những người dân lương thiện. Sau nhiều giai thoại, không ít người đã gọi y là bản sao của tướng cướp cô đơn Điền Khắc Kim. Tuy nhiên, số phận những người thân từng gắn bó với ông trùm Dũng “chim xanh” đang phải sống trong cảnh nghiệt ngã.

Tan nát gia đình

Người trong giang hồ kể lại, Nguyễn Chí Dũng, SN 1966, biệt hiệu Dũng “chim xanh”,  vừa có khả năng bắn súng bằng hai tay bách phát bách trúng, vừa có tài dùng dao kiếm “thần sầu”. Dũng được dân giang hồ tôn sùng cũng bởi một thân võ nghệ hơn người. 10 tuổi, hắn vác dao đuổi chém trọng thương đám thanh niên trong ấp chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ nhặt. Ở võ đường, gã được coi là nhân tài, đệ tử cưng của thầy, có thể nối nghiệp sư phụ xưng hùng xưng bá. Mù quáng đi theo vị võ sĩ xấu xa, Dũng bỏ ngoài tai mọi lời răn dạy làm người lương thiện của cha mẹ. Ước mơ của Dũng sau này là làm đại ca như ông thầy, phải có đàn em, kẻ hầu người hạ. Gia đình Dũng đã quyết định đi kinh tế mới về huyện Hớn Quảng (tỉnh Sông Bé cũ), mục đích là giúp Dũng “chim xanh” đoạn tuyệt với cái võ đường chuyên đẻ ra những tên tội phạm.

Vậy nhưng đến vùng đất mới, Dũng cũng không khiến cha mẹ yên tâm. 14 tuổi, Dũng  lập băng nhóm, dưới trướng có đến vài chục tên đàn em nhí. Để nuôi quân, Dũng phải đi trộm cắp, cướp giật. Những việc làm tội lỗi của con trai không qua mắt được ông Duyên (cha ruột Dũng). Dạo ấy mỗi lần Dũng về nhà, ông lại dốc hết tâm can khuyên nhủ. Nhẹ nhàng không được, ông phải dùng đến cả đòn roi. Nhưng cha càng cố công giáo dục, Dũng lại càng ngang bướng. Sau này vì cha mẹ quản lý gắt gao, hắn bỏ nhà đi biệt tăm, năm thì mười họa mới về thăm mẹ một lần. Bà Lê Thị Vui, mẹ Dũng, trú tại ấp 1, xã Tân Khai, huyện Hớn Quảng, tỉnh Bình Phước, kể lại: “Ngày Dũng bỏ đi, tôi đã khóc thương và mong con đến sưng đôi mắt. Ông nhà tôi cũng day dứt, hối hận vô cùng. Ông ấy vẫn tưởng vì mình đánh đập nên Dũng sinh lòng oán hận. Bởi thế nên sau cái đêm mưa gió nó bỏ đi, ông nhà tôi cũng dừng hết công việc, xuôi ngược tìm con”. Ba năm nặng nề trôi đi, vợ chồng bà Vui thấy dài như một thế kỷ. Còn Dũng thì ngược lại, chẳng hề quan tâm đến nỗi lo lắng của những người thân.

Rời nhà, hắn thấy bản thân chẳng khác nào được “tháo cũi sổ lồng”. Bỏ luôn băng nhóm cướp giật cũ, Dũng mò về võ đường năm xưa tìm sư phụ. Tại đây, Dũng được thầy dạy cho đủ mánh khóe bước chân vào giang hồ. Biệt tài bắn súng bằng hai tay cũng là “vốn liếng” vị võ sĩ này truyền lại cho gã.

Sau này khi trở về nhà, Dũng từng kể cho bà Vui chuyện được sư phụ lo lót cho làm vận động viên và võ sư taekwondo tại Trung tâm thể dục thể thao quận Tân Bình, TP HCM. Khoảng thời gian này, sư phụ Dũng bị tai nạn giao thông và qua đời. Từ đó, võ đường và băng nhóm của vị này cũng sớm tan rã. Rời võ đường, Dũng trở về nhà. Lần đầu gặp con sau hơn ba năm, bà Vui như vỡ òa niềm vui vì thấy Dũng cao lớn, vạm vỡ.

Sinh thời, Dũng luôn khiến mẹ phải sống trong nỗi buồn phiền. Chỉ một thời gian ngắn sau ngày trở về và “chém gió” với cha mẹ, Dũng đã sa chân vào con đường tội lỗi, gieo rắc nỗi kinh hoàng cho người dân lương thiện.

Dũng “chim xanh”- trùm giang hồ khét tiếng một thời.    Ảnh: TL

Phụ tình mẹ, Dũng “chim xanh” khiến cha uất ức đến chết

Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, Nguyễn Chí Dũng chưa bao giờ khiến bà Vui được thanh thản. Gặp người viết, bà Vui tâm sự: “Sinh con ra, tôi cũng mong nó trở thành người tốt, làm điều có ích cho xã hội. 9 đứa con của tôi thì hết 8 đứa biết khắc phục hoàn cảnh, nghe lời cha mẹ. Chỉ duy nhất thằng Dũng, hết bỏ nhà đi bụi rồi lại cướp bóc. Nhiều lần, tôi đã coi nó không phải con mình. Thế nhưng “máu chảy ruột mềm”, tôi vẫn không bỏ được nó”. Bà nhớ lại, chỉ có một lần duy nhất được vui vẻ, hy vọng khi Dũng trở về khoe đang làm diễn viên và cán bộ tại Trung tâm thể thao quận Tân Bình. Lần đó, Dũng còn hứa hẹn khi nào công việc ổn định, sẽ mở một võ đường riêng và đón cha mẹ xuống thành phố phụng dưỡng. Đêm nằm tâm sự với bà Vui, Dũng thủ thỉ: “Từ nhỏ con luôn khiến cha mẹ buồn phiền. Phần đời còn lại của hai người, con sẽ phụng dưỡng, báo đáp công ơn, chuộc hết những lầm lỗi năm xưa”.

Bà Vui kể về đứa con tội lỗi.    Ảnh: Khoát Nguyễn

Nhưng rồi những lời hứa hẹn ấy cũng nhanh chóng bị Dũng ném vào hư không. Năm 1985, bà Vui bàng hoàng nhận được tin Dũng bị CQCA bắt vì đột nhập vào một nhà dân ở quận Thủ Đức, TP HCM trộm tài sản. Thời điểm bị bắt, trên người Dũng còn có một khẩu súng Colt 45 và 7 viên đạn. Lần đầu tiên “xộ khám”, Dũng phải ngồi bóc lịch gần 4 năm. Ở quê nhà biết tin con trai, những hy vọng nhỏ nhoi vừa nhen lên của vợ chồng bà Vui bị dội một gáo nước lạnh. Cũng vì buồn phiền, ông Nguyễn Chí Duyên (cha Dũng) lâm bệnh nặng. Mỗi lần vợ đến bên giường chăm sóc, ông Duyên lại nghẹn ngào tự trách bản thân. Ông luôn nghĩ chuyện năm xưa Dũng bỏ đi là lỗi của mình. Mỗi khi khỏe lại, đôi chân không còn run rẩy, ông lại nằng nặc đòi đi tìm đứa con trai ương bướng về nhà. Nhìn chồng đau bệnh, luôn khắc khoải về Dũng, bà Vui xót xa khuyên: “Mình thương nó nhưng nó lại không chịu hiểu, có đi tìm nữa cũng không thấy. Hai thân già chúng ta phải giữ gìn sức khỏe chứ chẳng trông mong gì được đâu”.

Đến khi Dũng trở về, chưa kịp mừng vui thì cha mẹ hắn phải đón nhận tin xấu. Cú sốc quá lớn khiến ông Duyên không gượng được dậy nữa. Một chiều muộn đầu tháng 2 (tức sau ngày Dũng “xộ khám” chưa đầy ba tháng), ông Duyên lặng lẽ ra đi, mang theo nỗi buồn chất chứa về đứa con tù tội. Bà Vui kể, trước khi mất, chồng còn cố nắm lấy tay bà, giọng thều thào: “Tôi đi trước, các con đành nhờ bà vậy. Mấy đứa lấy chồng, lấy vợ, có cuộc sống ổn định rồi thì không nói, nhưng thằng Dũng là đứa khiến tôi không an tâm. Dũng gây ra tội lỗi gì thì cũng là con của vợ chồng mình. Nó thành ra như vậy lỗi do chúng ta không dưỡng dục đàng hoàng. Tôi đi rồi thì bà nhất định phải kéo nó về nẻo thiện”.

Những nỗi đau chồng chất ập đến khiến bà Vui tưởng chừng không thể trụ vững. Sau một trận ốm liệt giường, bà Vui phải cố gắng lắm mới gượng dậy nổi. Nghĩ đến lời trăng trối của chồng, bà tự hứa sẽ bằng mọi cách kéo Dũng ra khỏi vũng bùn tội lỗi. Bà Vui nhớ lại: “Lúc đó tôi nhẩm tính thời điểm Dũng mãn hạn tù thì cũng bước sang tuổi 23. Tôi nghĩ hay kiếm cho nó một mối, biết đâu khi lập gia đình Dũng sẽ nền tính lại”.

Nghĩ là làm, bà Vui sang nhà hàng xóm lựa lời ướm hỏi cô gái Nguyễn Thị Hiền. Trong ấp, Hiền nổi tiếng là thiếu nữ thùy mị, nết na. Hai gia đình cũng khá rất thân thiết với nhau. Hàng ngày, Hiền thường sang đỡ đần bà Vui những việc vặt trong nhà. Nhiều lần tỉ tê tâm sự, bà Vui ngỏ ý muốn cô làm con dâu. Sau khi đoạn tang chồng, bà đã mang trầu cau sang nhà thưa chuyện với mẹ Hiền, ngỏ ý muốn kết tình thông gia.

Khi chấp nhận trầu cau dạm hỏi của bà Vui, mẹ Hiền cũng hy vọng con rể tương lai sẽ thay đổi sau 4 năm “ăn cơm cân, mặc áo số”. Từ đó mỗi lần đi trại thăm Dũng, bà Vui thường kéo cả Hiền theo. Năm cuối cùng Dũng “chim xanh” thụ án, bà Vui tạo điều kiện cho hai người gặp mặt nhau. Thế nhưng trái với những gì mẹ mong muốn, Dũng một mực từ chối cuộc hôn nhân sắp đặt này. Hiền là người chịu nhiều tổn thương nhất. Cô vừa đau đớn vì Dũng không chấp nhận tình cảm, vừa ê chề khi ngày cưới đã ấn định còn bị hủy bỏ. Dù vẫn còn tình cảm với Dũng nhưng trước sức ép của người thân, cô đành phải đi tìm hạnh phúc khác.

Năm 1989, khi mới ra tù được 5 tháng, Dũng lại vác khẩu súng carbin đi cướp. CA huyện Bình Long, tỉnh Sông Bé (cũ, nay là tỉnh Bình Phước và Bình Dương) bắt về hành vi cướp tài sản. Dũng phải thụ án 24 tháng tù tại trại Bến Lớn, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương, khiến bà Vui gần như tuyệt vọng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại