Bài cuối: Khi nào mới đưa shisha vào danh mục cấm?

AN HÒA - LONG ĐỈNH |

Việc nhiều bạn trẻ kéo nhau đi hút shisha khiến dư luận và nhiều bậc phụ huynh vô cùng lo lắng. Không ít người đã lầm tưởng về sự vô hại của loại độc “dược” này, mà vô tình quên đi... tử thần. Đối với các bạn trẻ, cứ nghĩ hút chơi, hút thử, hút một vài lần sẽ không sao. Nhưng không ít bạn từ thử một lần cho biết rồi dần dà trở thành thói quen, nghiện lúc nào không hay.

>>>  Thiêu thân với khói shisha- Bài 2: Đêm hoang lạnh

>>>  Bài 1: Hút shisha: Sành... ít, điệu... nhiều

CÁI CHẾT ĐƯỢC BÁO TRƯỚC

Theo một bác sĩ của Bệnh viện Tâm thần TP.Hồ Chí Minh, nếu chỉ hút shisha không thì tác hại sẽ không quá lớn. Nhưng thông thường, đã là “dân chơi” hút shisha thì họ bỏ vào mỗi bình hút thêm các chất khác như heroin, rượu... để tăng độ “phê”.

Chính những chất này cộng với shisha gây ra tác hại khôn lường. Bên cạnh đó, việc nhiều người dùng chung một ống hút shisha rất dễ lây lan các bệnh dịch qua đường hô hấp, thậm chí là viêm gan siêu vi A, C.

Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và Hội Ung thư Hoa Kỳ đã chứng minh rằng, hơi nước do shisha tạo ra làm cho khói bớt khó chịu và gây cảm giác an toàn giả tạo.

Mỗi lượt hút shisha thường kéo dài hơn 40 phút, nên một người có thể hít nhiều gấp 100 đến 200 lượng khói và nhiều hơn 70% lượng nicotine so với hút một điếu thuốc lá.

Một nghiên cứu vào năm 2005 cũng cho thấy, người hút shisha có nguy cơ mắc bệnh răng miệng và ung thư phổi gấp năm lần người không hút.

Các bác sĩ cho biết, trong shisha có nhiều chất độc có khả năng gây ung thư và các bệnh về hô hấp, thần kinh, tim mạch..., do đó người hút shisha dễ mắc ung thư phổi và bệnh răng miệng gấp nhiều lần người không hút.

Chuyên gia tâm lý Lê Khanh

Chuyên gia tâm lý Lê Khanh (Phó giám đốc trung tâm Rồng Việt, TP.Vũng Tàu) cho biết: “Đến nay, ngoài tình trạng hút thuốc lá đã trở nên quá phổ biến, thì một thú vui khác là loại hình hút shisha đã trở thành một trào lưu mới trong giới trẻ.

Không chỉ thanh niên mà việc hút shisha đã tràn vào giới tuổi teen, thậm chí nhiều cô gái trẻ cũng hào hứng tham gia. Với chi phí không cao, mỗi lần hút shisha kéo dài đến gần một giờ nên nhiều thanh thiếu niên thường tụ tập bạn bè và cùng ngồi hút suốt buổi bên cây đèn thuốc.

Bên cạnh các quán nước quảng cáo và bán shisha ngay trên thực đơn, thì hiện nay việc mua bán shisha trên các trang mạng xã hội cũng sôi động không kém.

Lướt qua các trang mạng như facebook, chúng ta thấy có nhiều diễn đàn mua sắm được mở ra để quảng cáo việc mua bán, thậm chí còn lập hẳn trang Hội những người thích hút shisha.

Trước thực trạng trên, cần có những hình thức tuyên truyền vận động sâu rộng đến các em học sinh, lồng ghép vào trong các hoạt động ngoại khóa, các buổi sinh hoạt rèn luyện kỹ năng sống.

Từ đó khơi gợi được ý thức của giới trẻ về giá trị bản thân, biết rõ các nguy hiểm về sức khỏe do khói shisha mang lại”.

KHÓ CẤM?

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.Hồ Chí Minh cho rằng: “Theo quy định tại khoản 1, điều 2, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012, thì thuốc lá được định nghĩa là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác.

Trong khi đó, shisha có thành phần chủ yếu là mật ong, lá và rễ cây được ướp hương các loại trái cây như nho, cam, táo, dâu...

Do shisha không được chiết xuất từ thuốc lá, nên chúng ta không thể áp dụng các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá trong trường hợp này.

Shisha cũng không chứa chất kích thích, không phải là ma túy nên không nằm trong danh mục các chất bị cấm sử dụng. Pháp luật hiện nay cũng chưa có quy định nào về việc xử lý người kinh doanh, sử dụng shisha”.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu

Theo luật sư Hậu, dưới góc độ pháp luật, hiện nay chúng ta chưa thể xử lý việc kinh doanh và sử dụng shisha, vì chưa có bất cứ quy định pháp luật nào điều chỉnh vấn đề này.

Tuy nhiên, với những tác hại không tốt từ việc sử dụng shisha gây ra cho sức khỏe con người, nhà nước có thể xem xét để bổ sung shisha vào danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh hoặc danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện.

Tương tự như thuốc lá, nhà nước cần có những quy định kiểm soát hoạt động mua bán, sử dụng shisha như: nghiêm cấm người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán shisha; sử dụng người chưa đủ 18 tuổi để mua bán shisha; bán, cung cấp shisha cho người chưa đủ 18 tuổi; quảng cáo, khuyến mãi, tài trợ, tiếp thị shisha; việc vận động, ép buộc người khác sử dụng shisha...

Bên cạnh đó, cần nâng cao công tác tuyên truyền, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị để phổ biến  đến mọi người dân, đặc biệt là tầng lớp học sinh, sinh viên về tác hại của shisha.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp lợi dụng việc sử dụng shisha để trá hình cho việc sử dụng các chất ma túy như ma túy “đá”, ma túy tổng hợp...

Một cán bộ công an phòng chống ma túy cũng cho biết, shisha là hương liệu thảo mộc không chứa chất kích thích, không phải ma túy nên khó cấm sử dụng.

Trước tác hại của shisha, UBND TPHCM đã từng kiến nghị Bộ Y tế nghiên cứu đưa thuốc shisha vào danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh.

Thế nhưng, rất khó để đưa shisha vào nhóm cấm như ma túy, bởi cho đến nay ngành y tế vẫn chưa xác định rõ ràng nên cho shisha vào nhóm ma túy tổng hợp hay chỉ là những chất gây kích thích.

Theo chúng tôi, loại hình hút shisha đang biến tướng khi nhiều kẻ đã trộn ma túy “đá” vào đó để hút cho phê. Điều này rất cần được đưa vào nhóm cấm kinh doanh.

---

Đón đọc hàng loạt các vụ án dài kỳ ấn tượng, đặc sắc nhất tại chuyên mục  KỲ ÁN

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại