Huyệt mộ cho người vợ xấu số- Kỳ cuối: Nước mắt người ở lại

HẢI VĂN - NGỌC HUY |

“Gia đình tụi em chẳng ai muốn chuyện này xảy ra, cũng không ai muốn làm gì rắc rối thêm nữa. Nhưng những ngày qua, em có đọc trên một số tờ báo và biết rằng nhiều chuyện ba khai với cơ quan chức năng không đúng sự thật. Ba khai oan cho mẹ là gia đình em không chịu. Mẹ chết đã oan uổng rồi, nhưng ba khai như vậy, vô tình người ta cũng có cái nhìn không mấy thiện cảm về mẹ em” - em Phan Minh Lâm (con trai đầu của chị Phạm Thị Lan) bức xúc khi tiếp xúc với chúng tôi vào ngày 19-3-2015 tại nhà ông bà ngoại Lâm.

Vụ giết người chấn động ở Long An: Huyệt mộ cho người vợ xấu số

Huyệt mộ cho người vợ xấu số - kỳ 2: Chuyện chưa kể về người chồng vũ phu

Huyệt mộ cho người vợ xấu số - kỳ 3: Rùng mình với lời khai của hung thủ

Hôm chúng tôi đến cũng là lúc mọi người trong gia đình cụ Tràm đang làm cơm cúng cho chị Lan, ngoài vườn cách nhà chưa đầy chục mét hai người thợ hồ cũng khẩn trương hoàn tất ngôi mộ của chị.

Mở đầu câu chuyện là cảm giác của Lâm khi nghe tin mẹ mất tích và bị sát hại, Lâm kể: “Hôm mẹ em mất tích, mọi người ai cũng nghĩ, với bản tính luôn chăm lo cho gia đình của mẹ thì mẹ không thể bỏ đi lâu mà không nói tiếng nào được.

Bình thường, trong vòng một buổi, mẹ em đi làm mà không về ăn cơm thì sẽ gọi điện thoại báo cho tụi em biết rồi. Nếu có đi chơi đâu xa, mẹ cũng chưa từng đi quá hai ngày.

Do đó, hôm mẹ mất tích mà không để lại một lời nhắn cho tụi em biết, mười người trong nhà thì hết chín người đoán trước mẹ em sẽ gặp chuyện không hay rồi, nhưng không ngờ... Tụi em không bị sốc nhưng rất buồn và giận ba em lắm.

Lúc ấy em có nghi ba em sẽ làm chuyện bất thường đối với mẹ. Em cũng nghi là có khi ba chôn mẹ ở bên nhà, nhưng em không có cơ sở. Tại vì nếu lỡ đâu không trúng, ba em sẽ có ác cảm với em vì là con mà lại đi nghi ngờ ba nên em thôi...”.

Dù sự việc trôi qua đã nhiều ngày nhưng cụ Rỡi, cụ Tràm vẫn bần thần

Theo Lâm, gia đình mình không thuộc nhà có của ăn của để. Dù phải thường xuyên chứng kiến cảnh cãi vã, ba đánh mẹ, nhưng đối với anh em Lâm vẫn không ác cảm, ghét bỏ gì cha mình. “Ổng gọi tụi em phụ việc gì, tụi em đều giúp ổng cả.

Gần đây, ba em va quẹt xe với người ta. Lúc ấy em còn đi học nghề. Ba em điện thoại bảo bị té xe thì tụi em cũng chạy về liền.

Tụi em đều thương ba, thương mẹ, không ghét bỏ ai, nhưng tụi em rất buồn khi chứng kiến cảnh ba đánh mẹ như cơm bữa” - đứa em kế Lâm nói thêm vào.

Trải qua một ngày, mẹ mất, cha bị bắt giam, nhà giờ chỉ còn ba anh em với ông bà ngoại đã ngoài 80 chăm sóc lẫn nhau, thật sự là một cơn ác mộng với ba đứa con còn quá trẻ. Tội nhất là đứa em gái út của Lâm.

“Hay tin mẹ mất, con bé bị sốc nặng. Suốt mấy ngày liền nó không ăn, không uống gì, thấy thương lắm. Nhờ thầy cô, bạn bè động viên, mấy hôm rày nó cũng đỡ hơn.

Năm nay nó lên lớp 11, giờ tụi em phải cố gắng làm cho em đi học đến lúc nào em nó không muốn học nữa thì thôi. Trên nó còn đứa em trai đang làm công nhân ở quận 12 trên thành phố, công việc cũng bấp bênh lắm.

Lúc khó khăn, ông bà ngoại bảo bọc, lấy tiền lương nuôi nấng anh em tụi em, giờ ông bà ngoại già, tụi em cũng phải có trách nhiệm chăm nom, nuôi nấng ông bà ngoại” - những giọt nước mắt bắt đầu chảy trên gò má đứa con cả của người mẹ xấu số khi nhìn phần còn lại của gia đình mình.

Theo Lâm và người nhà, sau khi án mạng xảy ra, một số tờ báo đã thông tin không chính xác về mẹ mình. “Ba em nói mẹ em đòi ly hôn là không đúng. Bởi vì nhiều lần các dì bảo mẹ bị ba mắng chửi, đánh đập nhiều quá nên ly hôn đi, nhưng mẹ không chịu.

Mẹ mới chịu ly thân khoảng hai năm trở lại đây thôi. Ba kêu mẹ nói chuyện với ông bà ngoại hủy tờ di chúc, không cho ba đứng tên trong tài sản, cũng không đúng. Vì tờ di chúc không bị hủy.

Do ba đánh đập, chửi bới mẹ, hỗn láo với ông bà ngoại nên có lần ông bà ngoại muốn gạch tên ba khỏi di chúc, nhưng mẹ năn nỉ ông bà ngoại vẫn để tên ba lại.

Ba nói là mẹ đi tưới ớt xong thì ghé nhà ba để nói chuyện trả nợ, em chắc chắn là mẹ không tự ý qua, bởi vì mẹ rất sợ ra nhà ba. Ba nói chuyện, ba với mẹ cãi nhau về chuyện ai trả nợ 100 triệu đồng, cũng không đúng.

Bởi vì hôm bữa sau Tết, lúc chú út em lên đòi nợ thì có anh em tụi em. Trong giấy hẹn trả nợ ghi rằng 15 tây tháng 2 vừa rồi sẽ trả nợ cho chú út. Tuy nhiên, ngày 13 tây, người ta chồng tiền bán nhà nên ba mẹ gọi chú út lên trả luôn.

Ngoài ra, ai trả cho ai thì hôm đó mọi người đã quyết định rồi, do đó ba nói mẹ em tới nhà ba để nói chuyện nợ nần như vầy, em nghĩ là không có”.

Cùng bức xúc với cháu ngoại, cụ Tràm cho biết: “Tao lớn tuổi, cái gì hổng biết thì tao ngồi tao nghe. Bên ấp họ nói với mấy ông nhà báo là gia đình đang lộn xộn, muốn hỏi chuyện gì thì đến ủy ban xã, họp với ủy ban xã, xã giới thiệu lên ấp, ấp dẫn tới đây làm việc thì nói.

Mấy ổng dặn nhà báo đến mà không có cán bộ ấp đi theo thì đừng nói. Tao cũng không hiểu mấy ông nhà báo viết kiểu gì nữa. Viết về nhà tao mà không đến nhà tao hỏi, toàn đi hỏi người dưng, họ nói nhiều cái đâu có trúng.

Con Lan nó đâu có vậy mà báo chí thêu dệt thêm, tội nghiệp cho nó và các con của nó. Ngọc nó lột sợi dây của con nhỏ còn đôi bông tai vẫn để nguyên”.

Trả lời câu hỏi cuối của chúng tôi, Lâm chống tay lên cằm, mặt trầm ngâm: “Em nghĩ chắc chắn sẽ ra tòa. Thương ba thì cũng thương, nhưng để xem ba có ăn năn hối cải, ba có thật lòng hay không.

Nhiều lần ba năn nỉ mẹ quay về với ba, trong khi đó ba không yêu thương gì mẹ, lại còn chửi mắng, đánh đập mẹ và nghe mẹ kể là ba có bồ, như vậy ba đâu có thật lòng. Ba muốn mẹ quay về, nhưng tiền nợ người ta tới đòi, ba nói ba không biết.

Vậy thì làm sao nói ba thật lòng muốn quay lại được? Em không tìm cách để ba em nặng tội thêm, cũng không thể làm giảm tội của ba em được, em mong muốn ba hãy ăn năn hối cải để linh hồn mẹ không bị oan ức và nhận sự khoan hồng của pháp luật để sớm trở về.

Dù sao đi nữa, tình phụ tử là tình cảm thiêng liêng chẳng có gì có thể thay thế được”.

---

Đón đọc hàng loạt các vụ án dài kỳ ấn tượng, đặc sắc nhất tại chuyên mục KỲ ÁN

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại