Kỳ 1: kẻ mồ côi sa chân vào giới giang hồ

Châu Anh |

Từ khi còn nhỏ, Sang “sầu” đã tuyên bố: “Ở vùng biên này, chỉ đứng trên đầu kẻ khác mới sống được…”. Với suy nghĩ đó, Sang bỏ học theo đám du côn vùng biên gây rối khắp nơi. Dù chỉ là một cậu bé nhưng Sang luôn là kẻ lì lợm nhất, sẵn sàng rút dao gây án bất cứ khi nào.

Mới 5 tuổi, Trình Kim Sang (Sang “sầu”), SN 1979, trú tại khu vực Châu Thới 3, phường Châu Phú B, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang đã trải qua nhiều sóng gió. Do lao động quá sức, cha Sang- ông Trình Kinh Sinh mắc phải bạo bệnh, qua đời.

Cha mất sớm, Sang phải nghỉ học theo mẹ đi khắp nơi làm lụng kiếm ăn. Cũng trong thời gian này, phần vì đau buồn trước cái chết của chồng, phần vì phải lao động vất vả nên mẹ của Sang mắc phải bệnh lao phổi.

Sang một lần nữa tận mắt chứng kiến cảnh mẹ ra đi trong đau đớn. Nỗi đau quá lớn đến dồn dập trong khoảng thời gian ngắn khiến một cậu bé như Sang chỉ biết khóc thét đòi cha, mẹ mỗi đêm tỉnh giấc.

Ngôi nhà hiện nay của Sang.     Ảnh: Châu Anh

Vì thương Sang mồ côi, bà Trình Kim Hoa, SN 1938, trú tại phường Núi Sam, TP Châu Đốc, đã mở rộng vòng tay đón cậu về nhà nuôi dưỡng và bà luôn phải đóng vai cả cha và mẹ để dưỡng dục Sang, lo cho cậu từng bữa ăn, giấc ngủ, cho Sang được cùng bạn bè đồng trang lứa cắp sách tới trường.

Mọi người nhìn vào ai cũng mừng cho Sang và có chút hy vọng, mong rằng cuộc đời Sang sẽ sáng sủa, tốt đẹp hơn.

Bà Hoa chia sẻ: Ngày ấy, cha mẹ Sang lần lượt qua đời chỉ trong một thời ngắn nên những ngày đầu khi đón Sang về chung sống, nó gần như người mất hồn, miệng lúc nào cũng chỉ lẩm bẩm nhắc tên cha mẹ.

Vì thương cháu, tôi chạy vạy khắp nơi mong tìm được cách giúp đỡ cho Sang nhưng đều vô ích.

“Ngày đưa nó tới trường, tôi chỉ nuôi trong lòng một hy vọng rằng mai này nó sẽ không phải sống trong cảnh cơ cực như cha mẹ nữa nhưng không ngờ…”, bà Hoa buồn bã nói.

Bà Thế trao đổi với PV.     Ảnh: Châu Anh

Từ ngày cha mất, gương mặt Sang luôn nặng trĩu, không bao giờ nở nụ cười. Sau mỗi giờ đi học, Sang thường giam mình trong căn nhà của cô ruột ngồi nhìn di ảnh của cha mẹ. Nhìn Sang như vậy, bà Hoa lo lắng, cho rằng Sang mắc bệnh trầm cảm.

Chính vì thế, bà Hoa thường dắt Sang đi khắp khu vực núi Sam, chùa Bà Chúa Xứ hay qua vùng biên giới xem đá gà để cậu khuây khỏa.

Nhưng bà Hoa đâu ngờ được rằng, đứa cháu bà hết mực yêu thương lại có ngày trở thành kẻ coi trời bằng vung, thâu tóm toàn bộ thế giời ngầm nơi đây.

Vì không muốn làm phật lòng cô ruột nên Sang hàng ngày vẫn cắp sách tới trường, nhưng thay vì học lấy những kiến thức, cậu luôn gây chuyện đánh nhau với các bạn trong trường.

Khi vừa học xong lớp 8, Sang bị buộc thôi học vì “lỡ tay” đánh bạn vỡ đầu. Vừa phải nghỉ học, lại vừa bị những lời trách mắng của cô khiến Sang buồn bã bỏ nhà đi bụi.

Cũng trong những ngày này, Sang làm thân với rất nhiều thanh niên có số má trong vùng. Để rồi khi nghe được những lời có cánh của những kẻ bất cần đời kia, Sang đã theo họ qua vùng biên giới với Campuchia làm việc cho các trường gà.

Sang “sầu” tại CQCA.     Ảnh: Châu Anh

Bà Hoa cho biết, ngày biết Sang bị đuổi học, bà phải chạy đôn đáo khắp nơi để xin cho Sang được đi học. Nhưng lúc này, chính Sang một mực không chịu cắp sách tới trường mà chỉ muốn qua biên giới.

“Nhìn nó bỏ học, tôi đã năn nỉ đủ đường nhưng đều vô tác dụng. Cũng chính vì lo Sang hư hỏng, tôi đã liên tục trách mắng, mong nó sẽ hiểu. Thế nhưng vừa nghỉ học, Sang đã bỏ ra khỏi nhà, bắt đầu cuộc sống du thủ du thực của mình”, bà Hoa chua chát nói.

Ban đầu vì tuổi còn nhỏ, Sang được giao duy nhất nhiệm vụ cảnh giới. Nhiều lần, vì ham xem những con bạc sát phạt khiến Sang bỏ vị trí của mình. Và mỗi lần như vậy, Sang lại bị đám bảo kê nơi đây dạy cho bài học nhừ tử.

Thời gian qua đi, Sang cũng ngày một lì lợm và  nhất là bản tính liều lĩnh, bất cần đời. Chính vì vậy, Sang đã lấy được lòng những ông chủ trường gà nơi đây và trở thành cánh tay đắc lực của họ.

Được ông chủ tin tưởng, lại được nhiều người gọi là anh hai khiến Sang ngày càng trở nên lạnh lùng và sẵn sàng ra tay với bất cứ kẻ nào dám coi thường mình.

Cũng vì máu liều mà không ít những tay giang hồ khác nể phục, nhiều tay chơi từ khắp nơi đã về núp dưới trướng làm đàn em cho Sang.

Khi được các ông chủ giao phó việc quản lý trường gà nơi vùng biên giới, Sang đã từng bước lấy số bằng cách ra tay xử lý với bất cứ kẻ nào hay băng nhóm nào bất tuân hoặc có ý định gây rối tại trường gà.

Theo nhiều người dân sống tại TP Châu Đốc, nhiều lần họ đã chứng kiến cảnh Sang hung hăng cầm dao đi khắp nơi gây rối và thách thức tất cả các băng nhóm trên địa bàn.

Vì thói coi trời bằng vung ấy, không ít lần Sang phải chịu cảnh đổ máu và bị Cơ quan chức năng xử lý.

Theo bà Hoa, những ngày ấy, nhiều lần Sang bị các nhóm giang hồ khác đánh cho thân tàn ma dại, phải bỏ chạy về núp trong nhà bà hàng tuần không dám ló mặt ra ngoài. Song khi những vết thương vừa kịp bình phục, Sang lại tập hợp đàn em đi trả thù.

Sau mỗi lần như vậy, dù thắng hay bại thì tiếng tăm của Sang cũng ngày một vang xa và khiến nhiều kẻ nể phục.

Bước chân vào giới giang hồ, làm đại ca của không ít người thế nhưng gương mặt của Sang không lúc nào giãn ra, nhiều đàn em thấy vậy đã đặt cho Sang biệt danh là Sang “sầu”. Cái tên Sang “sầu” đã theo Sang từ đó.

Chính điều này khiến Sang càng nghĩ rằng mình đã ở trên rất nhiều người. Dương dương tự đắc là vậy, nhưng Sang không biết được rằng, hắn đang là con rối trong tay những ông chủ trường gà.

Để rồi khi ngoảnh lại, Sang ngộ ra, cậu ta chỉ là một tên tay sai không hơn không kém. Do đó, Sang đã tự tập hợp bạn bè, mở rộng địa bàn để nuôi ý đồ khác…

Bà Phạm Thị Thế, trưởng khu vực Châu Thới 3, phường Châu Phú B, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang cho biết, ngay từ khi còn nhỏ, Sang đã nổi lên là một thanh niên lì lợm, sống bất cần đời. Nhất là do không ai quản lý khiến Sang ngày một sa đà vào tội lỗi.

    (Còn nữa)

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại