Tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Yên Thế nằm ở phía tây bắc tỉnh Bắc Giang. Có diện tích khoảng 40 -50km2. Đây là vùng đất đồi, cây cối rậm rạp, địa hình hiểm trở.
Tình hình kinh tế nông nghiệp sa sút dưới thời Nguyễn đã khiến cho nhiều nông dân vùng Bắc Kì buộc phải rời quê hương tìm nơi khác sinh sống. Một số người đã lên Yên Thế, họ lập làng, tổ chức sản xuất.
Lược đồ khởi nghĩa Yến Thế
Khi thực dân Pháp chiếm Bắc Kì, chúng đưa quân lên bình định cả vùng Yên Thế. Để bảo vệ cuộc sống của mình, nông dân ở đây đã đứng lên tự vệ.
Hoạt dộng của nghĩa quân Yên Thế có thể chia làm 4 giai đoạn:
Giai đoạn từ năm 1884 đến năm 1892
Tại vùng Yên Thế có hàng chục toán quân chống Pháp hoạt động riêng lẻ, đặt dưới sự chỉ huy của các thủ lĩnh khác nhau.
Thủ lĩnh có uy tín nhất lúc đó là Đề Nắm đã lãnh đạo nghĩa quân đẩy lui nhiều trận càn quét của quân Pháp vào khu vực Cao Thượng, Hố Chuối. Đến năm 1891, nghĩa quân làm chủ một vùng rộng lớn và mở rộng hoạt động sang Phủ Lạng Thương (vùng thành phố Bắc Giang ngày nay).
Trước những đợt tấn công, càn quét mới của giặc, nghĩa quân phải rút dần lên vùng Bấc Yên Thế xây dựng, củng cố hệ thống công sự phòng thủ.
Tháng 3 - 1892, Pháp huy động khoảng 2200 quân, gồm nhiểu binh chủng ồ ạt tấn công vào căn cứ của nghĩa quân. Lực lượng nghĩa quân bị tổn thất nặng, nhiều người bị địch bắt và giết hại, một số phải ra hàng. Đề Nắm bị sát hại vào tháng 4 - 1892.
Chân dung Hoàng Hoa Thám, còn gọi là Đề Thám
Giai đoạn từ năm 1893 đến năm 1897
Lúc này, Đề Thám (Hoàng Hoa Thám) trở thành thủ lĩnh tối cao của cuộc khởi nghĩa.
Hoàng Hoa Thám tên thật là Trương Văn Thám, quê ở Tiên Lữ (Hưng Yên), theo gia đình lên làm ăn ở Sơn Tây, sau sang Yên Thế (Bắc Giang) sinh sống.
Sau khi Đề Nắm hi sinh, ông tập hợp những toán nghĩa binh còn sót lại, mở rộng địa bàn hoạt động.
Trong bối cảnh phong trào kháng chiến cả nước bị đàn áp dữ dội, nhiều cuộc khởi nghĩa đã thất bại. Đề Thám phải tìm cách giảng hoà với Pháp để có thời gian củng cố lực lượng. Tháng 10 - 1894, theo thoả thuận giữa hai bên, quân Pháp phải rút khỏi Yên Thế, Đề Thám được cai quản bốn tổng : Yên Lễ, Mục Sơn, Nhã Nam, Hữu Thượng.
Nhưng cuộc hoà hoãn kéo dài chưa được bao lâu thì Pháp đã bội ước, lại tổ chức tấn công (11 - 1893). Nghĩa quân phải chia nhỏ thành từng toán, trà trộn vào dân để hoạt động.
Nhằm bảo toàn lực lượng, lại biết được ý đồ của Pháp đang muốn chấm dứt xung đột để tiến hành khai thác thuộc địa, Đề Thám xin giảng hoà lần thứ hai (12 - 1897).
Để được hoà hoãn lần này, Đề Thám phải tuân thủ những điều kiện ngặt nghèo do Pháp đặt ra, như nộp khí giới, thường xuyên trình diện chính quyền thực dân. Bề ngoài, Đề Thám tỏ ra phục tùng, nhưng bên trong thì ngấm ngầm chuẩn bị lực lượng chống Pháp.
Một nhóm nghĩa quân người Mán trong khởi nghĩa Yên Thế
Giai đoạn từ năm 1898 đến năm 1908
Tranh thủ thời gian hoà hoãn kéo dài, Đề Thám cho nghĩa quân vừa sản xuất, vừa tích cực luyện tập quân sự tại đồn điền Phồn Xương. Đội quân của ông tuy không đông (khoảng 200 người) nhưng rất tinh nhuệ, thiện chiến. Căn cứ Yên Thế trở thành nơi tụ hội của những nghĩa sĩ yêu nước từ khắp nơi kéo vể (từ Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá, Hưng Yên, Hải Dương...).
Giai đoạn từ năm 1909 đến năm 1913
Sau vụ đầu độc lính Pháp ở Hà Nội năm 1908, thực dân Pháp quyết định mở cuộc tấn công nhằm tiêu diệt bằng được phong trào nông dân Yên Thế. Nghĩa quân trải qua những tháng ngày gian khổ, phải di chuyên liên tục từ nơi này sang nơi khác. Nhiều thủ lĩnh đã hi sinh, một số phải ra hàng. Đến tháng 2 - 1913, khi Đề Thám bị sát hại, phong trào tan rã.
Bài viết nhằm giúp cho độc giả nào chưa có điều kiện tìm hiểu lịch sử nước nhà có thêm kiến thức tham khảo, theo tinh thần "Dân ta phải biết Sử ta". Nguồn: SGK Sử lớp 8, tr. 131-132-133.