Lê Uy Mục ăn chơi sa đọa, triều đình chia rẽ, nhà Lê suy yếu trầm trọng

B.T sưu tầm, SGK Sử 7 |

Bước sang thế kỷ XVI, triều đình Lê sơ bắt đầu suy yếu. Các phong trào khởi nghĩa của nông dân nổi lên khắp nơi, báo hiệu một thời kỳ đất nước bất ổn kéo dài.

Triều đình nhà Lê

Thời Lê sơ (thế kỉ XV) là thời kì thịnh trị của nhà nước phong kiến tập quyền. Nhưng từ đầu thế kỉ XVI, nhà Lê bắt đầu suy thoái. Vua quan ăn chơi xa xỉ, xây dựng lâu đài cung điện tốn kém, Lê Uy Mục ở ngôi từ năm 1505 đến năm 1509, đêm nào cũng cùng cung phi vui đùa uống rượu quá độ, khi rượu say thì giết cung phi...

Nội bộ triều Lê "chia bè kéo cánh", tranh giành quyền lực. Dưới triều Lê Uy Mục, quý tộc ngoại thích nắm hết quyền bính, giết hại công thần tôn thất nhà Lê. Dưới triều Lê Tương Dực, tướng Trịnh Duy Sản gây thành phe phái mới, đánh giết nhau liên miên suốt hơn 10 năm.

Phong trào khởi nghĩa của nông dân ở đầu thế kỉ XVI

Nhân khi triều đình rối loạn, quan lại ở địa phương "cậy quyền thế ức hiếp dân, vật dụng trong dân gian cướp lấy đến hết", "dùng của như bùn đất..., coi dân như có rác". Đời sống nhân dân lâm vào cảnh cùng khốn.

Năm 1512, đại hạn, trong nước đói to. Năm 1517, dân chết đói, thây nằm chồng chất lên nhau. Nhiều huyện thuộc hai trấn Hải Dương và Kinh Bắc (Bắc Ninh, Bắc Giang), nạn đói càng dữ dội hơn. Mâu thuẫn giữa nông dân với địa chủ, giữa nhân dân với nhà nước phong kiến trở nên gay gắt, làm bùng nổ các cuộc khởi nghĩa.

Lê Uy Mục ăn chơi sa đọa, triều đình chia rẽ, nhà Lê suy yếu trầm trọng - Ảnh 1.

Lược đồ phong trào khởi nghĩa nông dân thế kỷ XVI

Từ năm 1511, các cuộc khởi nghĩa nổ ra ở nhiều nơi trong nước: khởi nghĩa Trần Tuân (cuối năm 1511) ở Sơn Tây (Hà Nội). 

Nghĩa quân có đến hàng vạn người, đã từng tiến về Từ Liêm (Hà Nội) uy hiếp kinh thành Thăng Long. Khởi nghĩa Lê Hy, Trịnh Hưng (năm 1512) ở Nghệ An và phát triển ra Thanh Hoá. Khởi nghĩa Phùng Chương (năm 1515) ở vùng núi Tam Đảo...

Tiêu biểu nhất là cuộc khởi nghĩa của Trần Cảo đầu năm 1516 ở Đông Triểu (Quảng Ninh). Nghĩa quân cạo trọc đầu, chỉ để ba chỏm tóc, gọi là "quân ba chỏm". Nghĩa quân ba lần tấn công Thăng Long, có lần chiếm được kinh thành, vua quan nhà Lê phải chạy vào Thanh Hoá.

Các cuộc khởi nghĩa trước sau đều bị dập tắt, nhưng đã góp phần làm cho triều đình nhà Lê càng mau chóng sụp đổ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại