Sử, Địa, Y phát triển mạnh mẽ dưới nhà Nguyễn: Đỉnh cao là Hải Thượng Lãn Ông, Lê Quý Đôn

B.T sưu tầm, SGK Sử 7 |

Từ thời Tây Sơn sang thời Nguyễn, giáo dục và khoa học kỹ thuật có nhiều bước tiến. Tuy nhiên do giới hạn của chế độ phong kiến nên chưa được chú trọng phát triển.

Giáo dục, thi cử

Thời Tây Sơn,với tinh thân dân tộc quật cường, Quang Trung ra Chiếu lập học chấn chỉnh lại việc học tập, thi cử, cho mở trường công ở các xã để con em nhân dân có điều kiện đi học; đưa chữ Nôm vào thi cử.

Đến nửa đầu thế kỉ XIX - thời Nguyễn, tài liệu học tập, nội dung thi cử không có gì thay đổi. Quốc tử giám được đặt ở Huế, lấy con em quan lại, thổ hào và những người học giỏi ở các địa phương vào học. Đáng chú ý là năm 1836, Minh Mạng cho thành lập "Tứ dịch quán" để dạy tiếng nước ngoài (tiếng Pháp, Xiêm).

Sử, Địa, Y phát triển mạnh mẽ dưới nhà Nguyễn: Đỉnh cao là Hải Thượng Lãn Ông, Lê Quý Đôn - Ảnh 1.

Lễ xướng danh một kỳ thi Hương thời nhà Nguyễn

Sử học, địa lí, y học

Việc biên soạn lịch sử, địa lí có những bước tiến quan trọng. Triều Tây Sơn có bộ Đại Việt sử kí tiền biên. Sử quán triều Nguyễn có Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện v.v... Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú là những tác giả tiêu biểu của thời kì này.

Lê Quý Đôn là nhà bác học lớn nhất của thế kỉ XVIII. Các tác phẩm nổi tiếng của ông là Đại Việt thông sử, Phủ biên tạp lục, Kiến văn tiểu lục, Vân Đài loại ngữ... Phan Huy Chú là tác giả bộ Lịch triều hiến chương loại chí.

Có thể kể thêm một số công trình khác như Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, Nhất thống dư địa chí của Lê Quang Định… Trịnh Hoài Đức cùng với Lê Quang Định và Ngô Nhân Tỉnh là ba tác giả lớn ở Gia Định ("Gia Định tam gia") và đều là học trò của nhà giáo nổi tiếng Võ Trường Toản.

Sử, Địa, Y phát triển mạnh mẽ dưới nhà Nguyễn: Đỉnh cao là Hải Thượng Lãn Ông, Lê Quý Đôn - Ảnh 2.

Hải Thượng Lãn Ông – Lê Hữu Trác

Về y học có Lê Hữu Trác (Hải Thượng Lãn Ông), là người thầy thuốc có uy tín lớn ở thế kỉ XVIII. Thông cảm sâu sắc với cuộc sống cực khổ của nhân dân, ông đã dày công nghiên cứu các sách thuốc thời xưa, kết hợp với kinh nghiệm chữa bệnh truyền thống nên đã phát hiện thêm công dụng của 305 vị thuốc nam và thu thập được 2854 phương thuốc trị bệnh trong dân gian.

Ông có cống hiến xuất sắc vào nền y học và dược học dân tộc, đặc biệt là bộ sách Hải Thượng y tông tâm lĩnh (66 quyển).

Những thành tựu về kĩ thuật

Từ thế kỉ XVIII, một số kĩ thuật tiên tiến của phương Tây đã ảnh hưởng vào nước ta. Thợ thủ công Nguyễn Văn Tú (người Đàng Trong) học được nghề làm đồng hồ và kính thiên lí sau hai năm sống ở Hà Lan.

Thợ thủ công của nhà nước (thời Nguyễn) chế tạo được máy xẻ gỗ chạy bằng sức nước và thí nghiệm thành công tàu thuỷ chạy bằng máy hơi nước.

Trên cơ sở nghiên cứu tàu thuỷ của phương Tây, năm 1839 các thợ thủ công đã đóng xong một chiếc tàu thuỷ chạy bằng máy hơi nước. Khi cho tàu chạy thử trên sông Hương, "máy chuyển động linh hoạt, đi lại nhanh chóng" (Đại Nam thực lục).

Những thành tựu kĩ thuật nói trên chứng tỏ tài năng sáng tạo của người thợ thủ công nước ta bấy giờ. Tiếc rằng những thành tựu như vậy chưa được nhà nước khuyến khích và đưa vào ứng dụng hiệu quả hơn.

Bài viết nhằm giúp cho độc giả nào chưa có điều kiện tìm hiểu lịch sử nước nhà có thêm kiến thức tham khảo, theo tinh thần "Dân ta phải biết Sử ta". Nguồn: SGK Sử lớp 7, tr.145-146-147.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại