Quy mô Triển lãm Homeland Security Expo 2017 (HSE 2017) bao gồm 80 gian hàng với 50 đơn vị trưng bày tới từ những tập đoàn quốc phòng lớn, có danh tiếng trên thế giới của Pháp, Belarus, Hàn Quốc và Israel.
Tại đây, nhiều thiết bị, khí tài phòng vệ cá nhân, tiêu diệt máy bay không người lái, thậm chí cả mô hình nhiều loại vũ khí tối tân cũng được mang ra giới thiệu.
Ông Daniel Petit - Giám đốc tiếp thị Tập đoàn MBDA của Pháp, ảnh chụp tại Triển lãm IMDEX ASIA 2015
Trong đó đáng chú ý nhất có thể kể đến gian hàng của Tập đoàn công nghiệp quốc phòng MBDA đến từ Pháp.
Giám đốc tiếp thị của MBDA - ông Daniel Petit cho biết, họ sẵn sàng bán cho chúng ta những loại tên lửa chiến thuật hiện đại nhất phục vụ quá trình hiện đại hóa Quân đội Việt Nam, bao gồm tên lửa hành trình chống hạm MM40 Exocet Block 3, hay tên lửa phòng không phóng thẳng đứng VL-MICA (có thể triển khai cả trên bộ lẫn trên tàu chiến).
Tên lửa hành trình chống hạm MM40 Exocet Block 3 do Tập đoàn MBDA sản xuất
Đặc biệt hơn khi nhận được câu hỏi về khả năng chuyển giao công nghệ sản xuất tên lửa, người đại diện của MBDA đã cho biết quyết định cuối cùng phụ thuộc vào mong muốn của Việt Nam.
Ông Daniel Petit khẳng định, "Mọi chuyện đều có thể, chúng tôi coi Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng hợp tác".
Mô hình tàu hộ vệ tên lửa SIGMA 9814 của Việt Nam trưng bày tại Triển lãm Vietship 2014
Tên lửa hành trình chống hạm MM40 Exocet Block 3 cùng hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn VL-MICA-M sử dụng đạn MICA/RF và MICA/IR từng được coi là ứng viên sáng giá nhất để lắp đặt trên các tàu hộ vệ tên lửa SIGMA 9814 do Tập đoàn Damen thiết kế theo yêu cầu của Việt Nam.
Exocet Block 3 là biến thể hiện đại nhất của dòng tên lửa chống hạm lừng danh được tin dùng trên khắp thế giới và đã lập nên nhiều chiến công hiển hách, nó có tầm bắn lên tới 180 km; tốc độ Mach 0,9; mang theo đầu đạn trọng lượng 155 kg.
Ưu điểm của MM40 nằm ở khả năng vận động vô cùng linh hoạt, tính năng tàng hình rất cao, gần như "miễn nhiễm" trước mọi hệ thống đối kháng điện tử.
Tên lửa MICA/RF (phiên bản radar chủ động) và MICA/IR (phiên bản đầu dò ảnh nhiệt) do Tập đoàn MBDA sản xuất
Trong khi đó tên lửa phòng không MICA chính là bản sửa đổi từ tên lửa không đối không, việc làm này tương tự như cách Israel thực hiện với tổ hợp SPYDER khi tích hợp cho chúng tên lửa Python-5 cùng Derby.
Nếu được bắn đi từ chiến hạm hoặc bệ phóng di động trên mặt đất, tên lửa MICA sẽ đạt tới tốc độ Mach 3, tầm bắn tối đa 20 km với độ cao lớn nhất là 9 km, giãn cách bắn giữa hai loạt bắn cách nhau chỉ 2 giây.
Khả năng ngoặt gấp cực kỳ đáng nể của tên lửa chống hạm MM40 Exocet Block 3