Ấn tượng ban đầu về lực lượng đặc nhiệm Triều Tiên đó là những người lính vạm vỡ, mang mặc quân phục dã chiến rằn ri theo đúng "chuẩn quốc tế", trang bị vũ khí và phương tiện hỗ trợ cá nhân lạ mắt, thậm chí có phần không giống ai.
Trên tay họ là súng trường tấn công Type 88 (phiên bản nội địa do Triều Tiên sản xuất dựa trên nguyên mẫu AK-74 của Nga), hộp tiếp đạn hình trụ kiểu tiểu liên PP-19 Bizon có sức chứa ước chừng 100 viên, mũ bảo hộ gắn kính nhìn đêm không khác gì Quân đội Mỹ, và đặc biệt là cặp kính đen trông rất "ngầu".
Sự thay đổi bên ngoài này liệu có phải nhằm mục đích chứng minh cho lời tuyên bố sẽ xây dựng Quân đội Triều Tiên theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu chiến trường thế kỷ XXI của nhà lãnh đạo Kim Jong Un?
Lính đặc nhiệm Quân đội nhân dân Triều Tiên
Nhưng sau giây phút choáng ngợp ban đầu, nếu nhìn kỹ lại sẽ thấy trang bị của người lính Triều Tiên có khá nhiều điểm bất hợp lý.
Đầu tiên là việc gắn ống tiếp đạn 100 viên cho súng trường tấn công Type 88, loại băng đạn trụ này có trọng lượng rất nặng, làm trọng tâm súng dồn về phía trước, gây khó khăn cho việc vận động hay ngắm bắn, ngoài ra nó còn bị nhận định là rất dễ gây kẹt đạn, thời gian nạp lâu và phức tạp.
Băng đạn 100 viên lắp trên khẩu Type 88 cũng chưa thực sự hợp lý vì nó không gánh thay được vai trò của khẩu RPK, hơn nữa chiếc áo dã chiến khoác ngoài của họ không có loại túi nào đủ kích thước để mang ống tiếp đạn dự trữ hay cất nó lại sau khi đã bắn hết.
Để cầm được khẩu súng ở tư thế này và nhả đạn đòi hỏi cánh tay của người lính phải rất khỏe
Chi tiết gây tranh cãi nhất chưa phải ống tiếp đạn trên mà nằm ở cặp kính đen, kích thước rất nhỏ của nó bị nhận xét rằng đây chỉ là đồ dân sự, không cung cấp tác dụng chống mảnh văng bảo vệ mắt mà chỉ đơn giản là đồ trang trí cho đẹp.
Ngoài ra sau khi quan sát phần viền của mũ bảo hộ, có vẻ nó làm bằng nhựa cứng chứ không phải vật liệu kevlar. Bên cạnh đó, lúc hạ cặp kính nhìn đêm (chẳng rõ xuất xứ từ đâu) xuống thì người lính liệu còn nhìn thấy đường để mà tiến nữa không?
Cuối cùng, đường nét "mềm mại" phía trước chiếc áo vest dã chiến mà những người lính mặc trên người cho thấy nó không có tấm giáp bên trong, cũng chỉ có vai trò làm đẹp chứ hoàn toàn vô hiệu khi chống đạn bắn thẳng.
Rõ ràng để xây dựng nên một quân đội hiện đại, thiện chiến, trang bị tốt nhằm đoạn tuyệt với hình ảnh nghèo nàn lạc hậu cố hữu, giới chức quốc phòng Triều Tiên vẫn còn rất nhiều việc phải làm.