Trong thời kỳ hậu Chiến tranh Thế giới thứ 2, để đáp ứng cho cuộc đua với Liên Xô trong suốt cuộc Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã bí mật thực hiện rất nhiều chương trình nghiên cứu và thử nghiệm hàng loạt siêu vũ khí mà chỉ khi những bê bối bị phanh phui người ta mới biết về nó.
Từ vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân đầu tiên trong lịch sử loài người, thuộc "Dự án Manhattan" trong những năm 1940, Mỹ không nguôi tham vọng chế tạo và thử nghiệm loạt vũ khí hủy diệt khác.
"Dự án 57" là một trong những kế hoạch như thế của Mỹ.
"Dự án 57" - Vụ thử nghiệm "bom bẩn" đầu tiên của Mỹ
Hình minh họa.
"Dự án 57" (Project 57) theo cách "lòe" truyền thông của chính phủ Mỹ thời bấy giờ, thì đó là một vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân "an toàn" tại Căn cứ Không quân Nellis ở phía nam căn cứ quân đội Nevada, miền Tây nước Mỹ.
Vùng 13 (Area 13) chính là khu vực sẽ diễn ra cuộc thử nghiệm cho bom hạt nhân Plutoni nổ thuộc Dự án 57.
Không như quả bom hạt nhân đầu tiên trên thế giới (có tên là The Gadget) được Mỹ thực hiện có sức hủy diệt tương đương 20.000 tấn thuốc nổ TNT, vào ngày 16/7/1945 tại bang New Mexico, đưa nhân loại bước vào kỷ nguyên nguyên tử, lần này, quả bom mà Mỹ cho thử nghiệm "đáng sợ và hủy diệt" hơn rất nhiều lần.
Với mục đích đo sức hủy diệt của quả bom nguyên tử cũng như nghiên cứu mức độ nhiễm xạ và phá hủy của plutonium trong môi trường nên Mỹ thực hiện bài test trên không bằng cách đặt quả bom vào một chiếc máy bay rồi cho chiếc máy bay phát nổ.
Vụ thử nghiệm sẽ được tiến hành như một vụ tai nạn máy bay chở bom hạt nhân. Hình minh họa.
Về sau, khi biết mục đích cuộc thử nghiệm, giới truyền thông đã lên án và cho rằng đây là cuộc thử nghiệm "bom bẩn" của Mỹ, chứ không phải "cuộc thử nghiệm an toàn" như giới liên quan từng nói.
Thậm chí, giới khoa học quân sự tham gia vụ thử nghiệm thời đó còn không biết ước lượng sẽ có bao nhiêu lượng plutonium phát tán ra không khí và môi trường.
Bỏ ngoài tai những ảnh hưởng chết chóc đến môi sinh và con người sau vụ nổ, giới quân đội và CIA tin rằng, cuộc thử nghiệm là điều rất cần thiết vì chính phủ Mỹ đang nhắm đến việc "phổ thông hóa" chuyên chở bom hạt nhân trên máy bay.
Sau khi lựa chọn Vùng 13 làm nơi thực hiện vụ nổ trên không, một mặt, quân đội Mỹ bố trí hàng nghìn "chảo dính" có khả năng giữ các hạt plutonium phát tán từ vụ nổ; mặt khác, Mỹ còn nhốt rất nhiều loài động vật khác nhau bên dưới khu vực nổ bom để đo tác động của chất phóng xạ trong người chúng.
Nhà khoa học Mỹ làm việc tại Vùng 13, khu vực diễn ra vụ thử nghiệm. Ảnh: Dreamlandresort.
9 con lừa, 10 con cừu, 31 con chuột, 109 con chó săn thỏ là số những loài động vật "tình nguyện" tham gia vụ thử nghiệm chết chóc.
Đúng 06:27 phút sáng ngày 24/4/1957, vụ nổ hạt nhân diễn ra sau "vụ tai nạn" máy bay trên không (được sắp đặt) ở Vùng 13.
Sau khi vụ nổ xảy ra, một vùng đất rộng 895 mẫu vuông đã bị nhiễm phóng xạ. Vụ nổ nhanh chóng giết chết các loài động vật tham gia thử nghiệm.
Theo các báo cáo khoa học, lượng plutonium phát tán ngoài không khí sau vụ nổ còn có thể gây chết người trong vòng 20.000 năm nữa.
Bức ảnh khu vực diễn ra vụ nổ bom Plutoni do vệ tinh của Nga chụp lại. Ảnh: Dreamlandresort.
Do đặc điểm của plutonium không phát tán trên diện rộng nên nồng độ chất phóng xạ này trong khu vực thử nghiêm vô cùng cao.
Một năm sau khi Dựa án 57 thực hiện, chính phủ Mỹ buộc phải đóng cửa và tuyên bố; Khu vực này không bao giờ được làm sạch. Hiện nay, người ta đã lập rào chắn và hàng năm vẫn xúc hàng trăm nghìn tấn đất đá để xử lý tại bãi xả thải quân đội ở Nevada Test Site.
"Hồ sơ đen" về chất phóng xạ hủy diệt plutonium
Glenn Seaborg (1912–1999), nhà vật lý hạt nhân đương đại huyền thoại của nước Mỹ, chính là tác giả của 10 phát minh nguyên tố mới, trong đó có nguyên tố plutonium.
Sau đêm Chủ Nhật ngày 23/2/1941 định mệnh, khi Glenn Seaborg phát minh ra plutonium, cả thế giới chao đảo khi biết rằng nó sẽ là nguồn nguyên liệu hạt nhân dồi dào phục vụ vì mục đích dân sinh.
Thế nhưng, nguyên tố này khiến thế giới lâm vào bi kịch khi nó lại trở thành thành phần chính cho quả bom nguyên tử đầu tiên trong lịch sử loài người (Dự án Manhattan).
Hình ảnh đám mây nấm khổng lồ sau vụ Mỹ thả bom hạt nhân ở Nagasaki (Nhật Bản). Ảnh: Global Research.
Mức độ hủy diệt của plutonium đối với con người vô cùng lớn: Chỉ một phần triệu một gram plutonium cũng có thể gây chết người.
Dường như, việc plutonium tạo nên sự hủy diệt không chối cãi càng khiến cho Mỹ và Liên Xô thời kỳ Chiến tranh Lạnh "tha hồ" sản xuất.
Ước tính, các lò phản ứng hạt nhân của Mỹ và Liên Xô đã sản xuất lần lượt 103 tấn và 170 tấn.
Theo Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), cho đến nay, tổng lượng plutoni đã đạt đến con số hơn 500 tấn (dùng cho cả ứng dụng dân dụng và vũ khí).
Bài viết tham khảo nhiều nguồn: Listverse, Vietnamnet, Wikipedia