LTS: Sau khi Tổng thống V.Putin lên nắm quyền thay B.Yeltsin, nước Nga đã thoát khỏi thời kỳ hỗn loạn thời hậu Xô viết; cùng với củng cố phát triển kinh tế để dần lấy hình ảnh một siêu cường trong quá khứ, Quân đội Nga cũng được đầu tư, xứng tầm với vị trí một cường quốc. Sau cuộc chiến 5 ngày với Gruzia, Quân đội Nga đã bộc lộ những lỗ hổng phải tiến hành cải tổ.
Tuy nhiên, quá trình cải tổ quân đội Nga diễn ra không hề dễ dàng, suôn sẻ. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết (2 kỳ) của Trung tá Trịnh Ngọc Tiến, Trường Đại học Chính trị - Bộ Quốc phòng xoay quanh vấn đề này.
Kỳ I: Sau những vấp ngã đau đớn, Quân đội Nga đứng lên mạnh mẽ - Xứng tầm siêu cường
---
Kỳ 2: Phản ứng nhanh, thần tốc đập nát quân đội Gruzia nhưng QĐ Nga vẫn lộ điểm yếu chết người
Sáng sớm ngày 7 tháng 8 năm 2008, quân đội Gruzia bất ngờ tiến công tổng lực vào khu vực ly khai Nam Ossetia. Ngày hôm sau quân đội Nga đã tấn công các đơn vị Gruzia tại Nam Ossetia rồi sau đó tiến sâu vào lãnh thổ Gruzia.
Sau đó một thỏa thuận ngừng bắn sơ bộ đã được Gruzia và Nga ký kết vào ngày 15/8/2008 qua sự trung gian hòa giải của Pháp. Cái giá mà quân đội Nga phải trả trong cuộc chiến này cũng rất thấp: chỉ có 18 người chết, 52 người bị thương, 14 người mất tích và 4 máy bay bị bắn rơi.
Mức độ phản ứng nhanh của quân đội Mátxcơva đã khiến Tbilixi và phương Tây trở tay không kịp, bảo đảm cho Nga có được một chiến thắng với thiệt hại ít nhất. Tuy nhiên cuộc chiến Gruzia năm 2008 cũng bộc lộ nhiều kém cỏi của quân đội Nga dưới thời Putin.
Những vấn đề nội tại của quân đội Nga đã thúc đẩy tiến hành cải cách với mục tiêu mà các nhà lãnh đạo Nga đề ra là: "Xây dựng một quân đội kiểu mới; theo một quan điểm, một thể chế và biên chế hoàn toàn mới".
Xe tăng T-72 được cho là của Gruzia bị Nga bắn hạ.
Gấp rút đẩy mạnh công cuộc cải cách "Diện mạo mới"
Màn thể hiện của quân đội Nga trong cuộc chiến tranh Gruzia đã tạo ra một lý do rất có giá trị cho công cuộc cải cách "Diện mạo mới" của Anatoliy Serdyukov.
Tháng 10 năm 2008, công cuộc cải cách "Diện mạo mới" được khởi động, quân đội Nga xóa bỏ triệt để chế độ chỉ huy 4 cấp: tập đoàn quân – sư đoàn – trung đoàn – tiểu đoàn vốn có; đổi thành chế độ chỉ huy 3 cấp, gồm tập đoàn quân – lữ đoàn – tiểu đoàn. Sự việc này đã đánh dấu việc lữ đoàn chính thức thay thế sư đoàn trở thành đơn vị chiến thuật cơ bản của quân đội Nga.
Điều cần phải chú ý đó là, tiểu đoàn trực thuộc của lữ đoàn "Diện mạo mới" của quân đội Nga vẫn chỉ là một tiểu đoàn theo biên chế binh chủng đơn nhất, chỉ phân thành 3 loại: một là tiểu đoàn hạng nặng (tiểu đoàn xe tăng), hai là tiểu đoàn hạng trung (tiểu đoàn bộ binh cơ giới), ba là tiểu đoàn hạng nhẹ (tiểu đoàn bộ binh tác chiến địa hình rừng núi, tiểu đoàn đổ bộ đường không…).
Lữ đoàn "Diện mạo mới" vừa không giống với lữ đoàn bộ binh cơ giới có tính chất lâm thời trong cuộc chiến Afghanistan; cũng không phải mô hình của "Lữ đoàn kiểu mới". Trong ý tưởng của các sĩ quan cao cấp quân đội Nga, Lữ đoàn "Diện mạo mới" là lữ đoàn thực sự có thể thay thế cho sư đoàn bộ binh cơ giới vốn có, để làm chủ lực của lục quân khi bước vào chiến đấu.
Lữ đoàn "Diện mạo mới" là sản phẩm sau cuộc xung đột Nga – Gruzia, đồng thời cũng là một bộ phận cấu thành quan trọng trong thời kỳ quá độ của Lục quân Nga hướng tới mô-đun hóa trong tương lai. Sự xuất hiện của Lữ đoàn "Diện mạo mới" đã kết thúc sự hỗn loạn của quân đội Nga ở cấp lực lượng chiến thuật.
Trước tiên, biên chế của tiểu đoàn bộ binh cơ giới được thống nhất, bất kể trang bị xe chiến đấu bộ binh hay xe thiết giáp vận tải kiểu bánh lốp/bánh xích thì biên chế của tiểu đoàn bộ binh cơ giới và phân đội trực thuộc đều thống nhất.
Sự thay đổi này đã giảm bớt mức độ khó của công tác tham mưu, có lợi cho việc thúc đẩy mở rộng hệ thống tự động hóa chỉ huy. Tiếp đến, về lý luận, Lữ đoàn "Diện mạo mới" đã nâng cao tỷ lệ quân số đủ và năng lực điều chuyển nhanh lực lượng của quân đội Nga.
Trang bị của một đơn vị cơ giới Nga.
Theo kế hoạch của quân đội Nga, Lữ đoàn "Diện mạo mới" sẽ được biên chế đủ 100% quân số. Duy trì bộ đội thường xuyên ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu, có thể điều động chiến đấu trong vòng 24 giờ.
Ngoài ra, Lữ đoàn "Diện mạo mới" có thể thích ứng tốt hơn yêu cầu tác chiến quy mô vừa và nhỏ mà Lục quân Nga có thể phải đối mặt trong tương lai, ít nhất trong thời kỳ Serdyukov đảm nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng.
Các tướng lĩnh cấp cao quân đội Nga phán đoán mối đe dọa chủ yếu của Nga trong tương lai đến từ các thế lực của chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa ly khai trong và ngoài nước.
Quân đội sẽ chủ yếu tiến hành chiến tranh cục bộ hoặc xung đột vũ trang quy mô vừa và nhỏ, thời gian liên tục ngắn, vị trí chiến trường khó dự báo trước, đòi hỏi quân đội phải có năng lực phản ứng nhanh và hệ thống chỉ huy cơ động, có tính linh hoạt cao.
Lặp lại sự bất lực
Khi mọi người cho rằng quân đội Nga đã vứt bỏ hết thể chế biên chế cấp sư đoàn vốn có thì Bộ trưởng quốc phòng Nga nhiệm kỳ mới, ông Shoigu lại đột nhiên tuyên bố, khôi phục đơn vị cấp sư đoàn nòng cốt.
Lữ đoàn bộ binh cơ giới số 5 và Lữ đoàn xe tăng số 4 của Quân đoàn miền Tây lần lượt khôi phục thành biên chế cấp sư đoàn, đồng thời được vinh dự đặt tên là Sư đoàn bộ binh cơ giới "Tamanskaya", Sư đoàn xe tăng "Kantemirovskaya".
Sư đoàn xe tăng "Kantemirovskaya".
Bộ quốc phòng Nga còn cho biết, theo yêu cầu, sẽ còn có nhiều Lữ đoàn "Diện mạo mới" khôi phục lại thành biên chế cấp sư đoàn.
Cuộc cải cách quân sự Nga tại sao chỉ trong vòng mấy năm lại xuất hiện sự lặp lại như vậy? Nguyên nhân nằm ở chỗ, Lữ đoàn "Diện mạo mới" còn tồn tại một số lỗ hổng cố hữu. Trước tiên là lực lượng chiến đấu chủ lực không đủ.
Lấy Lữ đoàn "Diện mạo mới" làm ví dụ, lực lượng tác chiến chủ yếu của lữ đoàn chỉ có 3 tiểu đoàn bộ binh cơ giới và 1 tiểu đoàn xe tăng, so với "Lữ đoàn kiểu mới", Lữ đoàn "Diện mạo mới" giảm 1 tiểu đoàn bộ binh cơ giới, lực lượng chiến đấu của lữ đoàn chỉ tương đương với một trung đoàn bộ binh cơ giới.
Đương nhiên, so với trung đoàn bộ binh cơ giới, hỏa lực chi viện của Lữ đoàn "Diện mạo mới" mạnh hơn rất nhiều nhưng lực lượng chiến đấu cơ bản nhất của nó lại không được tăng cường.
Tiếp đến, trình độ liên hợp tương đối thấp. So với tiểu đoàn liên hợp của quân đội Mỹ, Lữ đoàn "Diện mạo mới" vẫn duy trì biên chế tiểu đoàn kiểu binh chủng đơn nhất.
Nếu không được tăng cường phân đội xe tăng, tiểu đoàn bộ binh cơ giới cơ bản có năng lực tác chiến độc lập rất hạn chế.
Điều này đã được kiểm nghiệm trong cuộc chiến Chechnya lần thứ nhất; Trung đoàn bộ binh cơ giới 225 và Lữ đoàn bộ binh cơ giới 74 trong cuộc chiến đấu đánh chiếm lô cốt đầu cầu ngày 3/1/1996; do đạn pháo tăng không đủ nên bắt buộc phải lấy xe chiến đấu bộ binh BMP-3 làm hỏa lực để tiến hành đột kích.
Kết quả cuộc đột kích bị thất bại, tổn thất 2 chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực T-72B và 15 chiếc xe chiến đấu bộ binh BMP-3. Từ đó cho thấy, khi vào tình huống chiến đấu thực sự, vẫn phải tổ chức lâm thời thành tốp chiến thuật của tiểu đoàn mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Còn từ góc độ chỉ huy tác chiến, so sánh Lữ đoàn "Diện mạo mới" với trung đoàn bộ binh cơ giới, không có điểm sáng tiến bộ nào.
Ngoài ra, so với sư đoàn bộ binh cơ giới, sức chiến đấu của Lữ đoàn "Diện mạo mới" bị giảm đi rất rõ ràng. Do tồn tại những lỗ hổng cố hữu như đã đề cập ở trên, dẫn đến Lữ đoàn "Diện mạo mới" rất khó thích ứng với sự đối kháng trong điều kiện tác chiến cường độ cao.
Điều đó cũng có nghĩa là, đối phó với một nước nhỏ như Gruzia, Lữ đoàn "Diện mạo mới" có lẽ sẽ thể hiện tốt hơn sư đoàn bộ binh cơ giới năm đó, nhưng nếu xảy ra xung đột chính diện với lục quân NATO, kiểu tác chiến này e rằng không thể chấp nhận được.
Binh sĩ và phương tiện cơ giới Nga ở thủ phủ Grozny của Chechnya trong cuộc chiến lần 2.
Cho dù theo tính toán lạc quan nhất của quân đội Nga, đưa vào 2 Lữ đoàn "Diện mạo mới" cũng chỉ tương đương với nửa quân số của sư đoàn bộ binh cơ giới trước kia, cơ bản không thể thực hiện được ý tưởng 2 lữ đoàn bằng 1 sư đoàn.
Hơn nữa, là đơn vị chiến thuật cơ bản, Lữ đoàn "Diện mạo mới"cũng không có năng lực tác chiến độc lập như của sư đoàn bộ binh cơ giới trước đây.
Đặc biệt là sự chi viện về hỏa lực và khả năng phòng không, nếu Lữ đoàn "Diện mạo mới" không có được sự phối hợp của lữ đoàn tên lửa phòng không, chỉ dựa vào hỏa lực phòng không trong biên chế thì không thể đối phó được với tác chiến không kích hiện đại.
Điều làm cho quân đội Nga bối rối hơn đó là, Lữ đoàn "Diện mạo mới"cơ bản không đạt được tỷ lệ quân số đủ như trong ý tưởng xây dựng. Trong mấy cuộc diễn tập kiểm tra sẵn sàng chiến đấu, có lữ đoàn bộ binh cơ giới chỉ có thể điều động được 1 tốp chiến thuật cấp tiểu đoàn tăng cường, về bản chất không khác gì so với trung đoàn bộ binh cơ giới.
Về biểu hiện bên ngoài, công cuộc cải cách "Diện mạo mới" xuất hiện sự lặp lại biên chế sư đoàn – lữ đoàn, bởi vì những năm gần đây môi trường an ninh địa chính trị của Nga xấu đi chưa từng có, rủi ro xảy ra đối đầu trực tiếp giữa Lục quân Nga với Lục quân NATO trong tương lai dần tăng lên.
Lữ đoàn "Diện mạo mới" không thể thích ứng với sự thay đổi hoàn toàn mới này. Có điều, phân tích sâu xa cho thấy, vấn đề thực sự nằm ở chỗ, một đất nước có diện tích đất liền rộng lớn, môi trường địa chính trị phức tạp như nước Nga, chỉ dựa vào biên chế đơn nhất để chinh phục thế giới là không thể thực hiện được.
Sự thể hiện không tốt của sư đoàn bộ binh cơ giới trong cuộc chiến Afghanistan và lữ đoàn đổi thành sư đoàn ngày nay đều là những ví dụ thực tế nhất. Với quân đội Nga, biên chế sư đoàn, lữ đoàn tồn tại song song là sự lựa chọn tốt nhất hiện nay.
Hơn nữa, công cuộc cải cách "Diện mạo mới" đối với Lục quân Nga mà nói, đó chỉ là một lần cải cách không triệt để, không tạo ra chiều sâu thực sự. Cấp mà thực sự phải cần thực hiện liên hợp hóa, mô-đun hóa chính là cấp tiểu đoàn, chứ không phải lữ đoàn hay sư đoàn, nhưng nền kinh tế Nga hiện nay không đủ năng lực để thực hiện liên hợp cấp tiểu đoàn.
Từ góc độ này cho thấy, thúc đẩy cải cách "Diện mạo mới" sẽ là một quá trình cải cách mất nhiều hơn được. Nếu như những năm trước, Nga dồn sức vào việc thống nhất cấp tiểu đoàn, giữ lại thể chế sư đoàn – lữ đoàn cùng song song tồn tại thì có thể đạt sẽ được hiệu quả tốt hơn, thời gian và tiền bạc đầu tư cũng sẽ ít tốn kém hơn rất nhiều.
(Hết)
Tài liệu tham khảo:
1."RIA Novosti — World — S. Ossetia says Georgian refugees unable to return to region"
2. Trương Diệc Long: "Quân sự thế giới" 02. 2017