Phần Lan và Thụy Điển thận trọng cân nhắc gia nhập NATO

Phạm Hà |

Không chỉ Phần Lan, Thụy Điển cũng đang cân nhắc thận trọng, mặc dù con đường trở thành thành viên NATO của hai quốc gia này đang có nhiều thuận lợi.

Cả Phần Lan và Thụy Điển đang nghiêm túc xem xét quá trình để gia nhập NATO. Ảnh: Foreign Policy.

Cả Phần Lan và Thụy Điển đang nghiêm túc xem xét quá trình để gia nhập NATO. Ảnh: Foreign Policy.

Phần Lan đang cân nhắc và sẽ quyết định liệu có gia nhập NATO hay không trong những tuần tới. Đây là tuyên bố mới nhất của Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin về khả năng tham gia liên minh quân sự 30 thành viên. Không chỉ Phần Lan, Thụy Điển cũng đang cân nhắc thận trọng, mặc dù con đường trở thành thành viên NATO của hai quốc gia này đang có nhiều thuận lợi.

Trong nhiều thập niên qua, Phần Lan và Thụy Điển nổi tiếng với chính sách trung lập, nhưng việc Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine khiến hai quốc gia phải suy nghĩ lại về cách thức tối ưu để đảm bảo an ninh quốc gia.

Trong cuộc họp báo với người đồng cấp Thụy Điển hôm 13/4, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cho biết: “Hiện có những quan điểm khác nhau trong việc trở thành thành viên NATO và chúng tôi phải phân tích những điều này cẩn thận. Chúng tôi sẽ có cuộc thảo luận trong Quốc hội nhưng quy trình sẽ khá nhanh, có thể diễn ra trong vài tuần tới”.

Về phần mình, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson đánh giá việc gia nhập NATO sẽ có những ưu và nhược điểm nhất định, nhưng nhấn mạnh lợi ích của việc được hưởng khả năng phòng thủ chung khi là một thành viên của khối quân sự này.

“Tôi nghĩ rằng phải phân tích tình hình mới và làm điều đó rất nghiêm túc, suy nghĩ về hậu quả, ưu và nhược điểm của tất cả những giải pháp. Thụy Điển đang tham vấn với các bên và sau đó sẽ đưa ra quyết định", bà Magdalena Andersson nói.

Theo một số nhận định, Phần Lan hiện có nhiều khả năng tiến gần đến quyết định gia nhập NATO hơn Thụy Điển. Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin và Tổng thống Sauli Niinsto gần đây đi thăm một số nước thành viên NATO để đảm bảo sự ủng hộ nếu nước này gia nhập khối. Khảo sát gần đây của Hãng tin MTV Phần Lan cho thấy 68% người dân Phần Lan ủng hộ và chỉ 12% phản đối tư cách thành viên. Các báo cáo truyền thông cũng chỉ ra rằng đa số nghị sĩ Phần Lan và các hầu hết các đảng ủng hộ gia nhập NATO, ngoại trừ Liên minh cánh tả. Một quyết định của Phần Lan đệ đơn gia nhập trước sẽ gia tăng sức ép khiến Thụy Điển tiếp bước theo sau.

Con đường trở thành tư cách thành viên NATO của 2 quốc gia này cũng được đánh giá là thuận lợi. Với việc bổ sung Phần Lan và Thụy Điển, sức mạnh của NATO sẽ tăng đáng kể ở sườn Đông bắc. Hai quốc gia có nhiều hoạt động hợp tác với NATO nên đáp ứng đủ tiêu chí, đồng thời sẽ là những nước “đóng góp ròng” cho khối. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết quá trình phê chuẩn sẽ diễn ra nhanh chóng.

Tuy vậy, chính sách trung lập của Phần Lan và Thụy Điển bấy lâu nay được đánh giá là "mô hình lý tưởng cho nhiều quốc gia " vì nó gắn liền với hòa bình và thịnh vượng. Triển vọng NATO mở rộng thành viên cũng có thể làm thổi bùng căng thẳng giữa Nga và NATO. Nga tuyên bố sẽ tìm cách "tái cân bằng tình thế, làm cho sườn phía Tây trở nên phức tạp hơn để đảm bảo an ninh”.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dimitri Peskov cảnh báo: “Chúng tôi đã nhiều lần khẳng định rằng liên minh này vẫn là một công cụ phục vụ cho đối đầu và sự mở rộng của nó sẽ không mang lại sự ổn định cho châu Âu”

Với đường biên giới dài 1300 km với Nga, nếu gia nhập, Phần Lan sẽ trở thành tiền tuyến mới với không ít rủi ro. Không có đường biên giới nhưng Thụy Điển đối mặt với nhiều nguy cơ nếu xung đột nổ ra. Do đó mặc dù con đường gia nhập NATO có nhiều thuận lợi, nhưng các cuộc tranh luận vẫn đang nóng lên trong nước về quyết định có gia nhập khối Liên minh quân sự này hay không./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại