Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.
Theo bản ghi chép bài phát biểu của ông Stoltenberg được công bố trên trang web chính thức của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào ngày 5/4, ông đã nói về "mối đe dọa từ Trung Quốc" và sử dụng việc Trung Quốc từ chối lên án Nga như một cái cớ, tuyên bố rằng chiến lược mới của NATO sẽ "lần đầu tiên xem xét ảnh hưởng của Trung Quốc" và NATO sẽ tìm cách tăng cường hợp tác với "các đối tác châu Á - Thái Bình Dương".
Tổng thư ký NATO đã đưa ra những cáo buộc chống lại Trung Quốc trong bài phát biểu của mình, cho rằng Trung Quốc "không sẵn sàng lên án những hành động gây hấn của Nga". Ông Stoltenberg cũng tuyên bố rằng, Trung Quốc, thông qua cái gọi là "các chính sách cưỡng chế", "đã tạo ra thách thức có hệ thống đối với an ninh và các thể chế dân chủ của NATO".
Vì vậy, ông Stoltenberg kêu gọi "các quốc gia dân chủ" đoàn kết để bảo vệ các giá trị và đáp trả cuộc phản công chống lại "trật tự quốc tế dựa trên luật lệ". "Đây là lần đầu tiên NATO cần xem xét ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trên trường quốc tế", ông Stoltenberg nói.
Hình minh họa.
Theo trang Người quan sát của Trung Quốc, trong vài tuần qua, NATO đã nhiều lần cố gắng gây sức ép để Trung Quốc lên án Nga.
Ngày 24/3, lãnh đạo các nước NATO đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh đặc biệt tại Brussels và ra tuyên bố kêu gọi tất cả các nước, bao gồm cả Trung Quốc, "duy trì các nguyên tắc về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ được xác định trong Hiến chương Liên hợp quốc và duy trì trật tự quốc tế".
Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đề cập trong buổi họp báo sau hội nghị thượng đỉnh rằng, ông đã nói rõ trong cuộc điện đàm giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ rằng, ông không muốn Trung Quốc hỗ trợ Nga, nhưng nhấn mạnh rằng đây không phải là một "lời đe dọa", mà chỉ để đảm bảo rằng Trung Quốc hiểu được "hậu quả" của động thái này. Ông Biden cũng tuyên bố rằng, so với Nga, tương lai kinh tế của Trung Quốc sẽ gắn bó chặt chẽ hơn với phương Tây.
Đáp lại, người phát ngôn của phái bộ Trung Quốc tại EU phản đối rằng, những tuyên bố và nhận xét liên quan có những cáo buộc và nghi ngờ vô căn cứ đối với Trung Quốc, cũng như áp đặt và gây áp lực đối với Trung Quốc.
Người phát ngôn của phái bộ Trung Quốc tại EU nhắc NATO cần hiểu đầy đủ và chính xác quan điểm nhất quán của Trung Quốc. Trung Quốc luôn chủ trương tôn trọng chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước và tuân thủ các tôn chỉ và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc.
Người phát ngôn của phái bộ Trung Quốc tại EU chỉ ra rằng, kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra, về mặt khách quan và công bằng, Trung Quốc đã có những nỗ lực tích cực và đóng vai trò xây dựng trong việc thuyết phục hòa bình, thúc đẩy đàm phán, ngừng bắn, chấm dứt chiến tranh và ngăn chặn các cuộc khủng hoảng nhân đạo quy mô lớn. Thời gian sẽ chứng minh rằng Trung Quốc đã đi đúng hướng.