Ảnh minh họa
Hôm 12/4, Sri Lanka, quốc gia Nam Á có 22 triệu dân, vừa tuyên bố không đủ khả năng trả khoản nợ nước ngoài trị giá 51 tỷ USD và cho biết nước này đang chờ đợi gói hỗ trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Bộ Tài chính Sri Lanka đã tuyên bố rằng các chủ nợ của nước này - bao gồm các quốc gia cho vay - có thể cộng dồn lãi chưa trả vào khoản vay mà quốc gia Nam Á này đến kỳ hạn thanh toán từ chiều cùng ngày hoặc nhận lại khoản vay gốc bằng đồng rupee Sri Lanka.
Cơ quan này gọi đây là "biện pháp khẩn cấp" - "lựa chọn cuối cùng" của chính phủ nước này nhằm "ngăn tình hình tài chính của đất nước thêm xấu đi".
Bộ Tài chính Sri Lanka cũng giải thích thêm rằng việc tuyên bố vỡ nợ nhằm đảm bảo "các chủ nợ được đối xử công bằng và bình đẳng" trước khi IMF cung cấp hỗ trợ cho họ.
Ngay lập tức, nhiều báo nước ngoài đã "gọi tên" Trung Quốc và cáo buộc "bẫy nợ" của Bắc Kinh đã đẩy Sri Lanka đến bước đường này. Nhưng sự thật liệu có phải như vậy? Liệu Trung Quốc có thật là nguyên nhân khiến Sri Lanka lâm vào cảnh vỡ nợ như truyền thông đưa tin?
Ai là chủ nợ lớn nhất của Sri Lanka?
Theo dữ liệu của chính phủ Sri Lanka, tính đến cuối tháng 4/2021, tổng nợ công của nước này là 35,1 tỷ USD.
Có thể thấy trong biểu đồ dưới đây: Trung Quốc không phải là chủ nợ lớn nhất, mà chỉ là một trong các chủ nợ lớn nhất của Sri Lanka.
47% khoản nợ nước ngoài của chính phủ Sri Lanka đến từ các khoản vay trên thị trường. Xét về các quốc gia và tổ chức cho vay, thì Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) mới là chủ nợ lớn nhất (13%), tiếp đến là Trung Quốc (10%), Nhật Bản (10%), Ngân hàng Thế giới (9%), và Ấn Độ (2%).
Nguồn: www.erd.gov.lk
Như vậy, trái với những bài đăng gọi tên "bẫy nợ Trung Quốc" của truyền thông nước ngoài, thực tế Trung Quốc không phải là chủ nợ lớn nhất của Sri Lanka.
Kể từ khi giành độc lập, đây là cuộc suy thoái tồi tệ nhất mà Sri Lanka từng trải qua. Sri Lanka từ lâu đã vay nợ nước ngoài nhiều để xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, nhiều nguyên nhân bao gồm đại dịch COVID-19 đã giáng đòn mạnh vào nền kinh tế của nước này.
Đảo quốc Ấn Độ Dương này hiện đang ngập trong "núi nợ" và không còn ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa cần thiết, trong khi tình trạng thiếu lương thực, nhiên liệu và mất điện diện rộng trong thời gian dài đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình chống chính phủ.
Tăng trưởng tụt dốc của Sri Lanka. Năm 2020, đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh tới ngành du lịch vốn đem lại nguồn thu lớn cho đất nước này. Nguồn Times of India
Theo Al Jazeera, vào cuối tháng 3, dự trữ ngoại hối của Sri Lanka chỉ còn khoảng 1,93 tỷ USD, trong khi nước này có khoảng 4 tỷ USD nợ đến hạn thanh toán trong năm nay, bao gồm 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế đáo hạn trong tháng 7.
Được biết, kể từ năm ngoái, Sri Lanka đã bị các tổ chức đánh giá tín dụng quốc tế hạ mức tín dụng, khiến đảo quốc này gần như không thể tiếp cận thị trường vốn nước ngoài để vay thêm tiền nhập khẩu hàng hóa - trong khi Sri Lanka phải nhập khẩu hầu hết các mặt hàng, từ sữa bột, gạo, xăng dầu cho tới dược phẩm, xi măng.
Trước đó, Sri Lanka đã đề nghị Ấn Độ và Trung Quốc cho xóa nợ, tuy nhiên cả 2 nước này chỉ đồng ý tăng hạn mức tín dụng để Sri Lanka có thể mua thêm hàng hóa.
Sau khi tuyên bố vỡ nợ, Sri Lanka đã tiếp tục tìm kiếm sự hỗ trợ từ nước ngoài - bao gồm Ấn Độ và Trung Quốc.
Trong cuộc họp báo hôm 12/4, đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã khẳng định rằng nước này "đã và đang làm hết sức mình để hỗ trợ Sri Lanka phát triển kinh tế-xã hội, và sẽ tiếp tục làm điều đó trong tương lai"./.