Nga lên tiếng về tin đồn "vỡ nợ"
Đài RT (Nga) trích dẫn thông cáo của Bộ Tài chính Nga hôm 12/4 cho biết: Thông tin được đài CNN của Mỹ đăng tải về việc Nga vỡ nợ do không đáp ứng nghĩa vụ thanh toán đối với trái phiếu châu Âu (Eurobond) là không đúng sự thật.
Cụ thể, trước đó, CNN hôm 11/4 trích dẫn thông tin từ cơ quan xếp hạng tín nhiệm S&P cho biết Moskva đã "vỡ nợ nước ngoài" vì họ đề nghị thanh toán cho các trái chủ bằng đồng rúp chứ không phải bằng đồng USD.
Tuyên bố của Bộ Tài chính Nga khẳng định: "Thông tin do CNN đăng tải không đúng với sự thật. Nga không hề tuyên bố vỡ nợ trái phiếu Eurobond".
"Vỡ nợ là khi con nợ không có tiền để trả nợ, hoặc có tiền nhưng không muốn thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Cả hai điều này đều không đúng với trường hợp của Nga", Bộ Tài chính nước này giải thích.
Trước đó, trả lời nhật báo Izvestia, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết nước này sẽ nộp đơn kiện lên tòa án nếu phương Tây dồn ép họ vào cảnh vỡ nợ với lý do không đáp ứng nghĩa vụ thanh toán đối với trái phiếu Eurobond.
Ông Siluanov nhấn mạnh rằng Moskva chắc chắn sẽ làm điều này bởi Nga đã thực hiện mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo các nhà đầu tư được thanh toán tiền trái phiếu.
Vỡ nợ có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, do đó chính phủ các nước thường làm mọi cách để tránh kịch bản này xảy ra. Kể từ năm 1917, Nga đã không bị vỡ nợ.
Các ưu tiên để tái khởi động nền kinh tế Nga
Hôm 11/4, Tổng thống Putin đã ban hành sắc lệnh đối với các bộ, ban, ngành chính phủ nhằm thực hiện các biện pháp hỗ trợ xã hội và kinh tế của đất nước trước các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Theo đó, chính phủ Nga dự kiến sẽ thực hiện một số sửa đổi về luật liên quan đến các biện pháp hỗ trợ xã hội, bao gồm hỗ trợ cho các gia đình có con nhỏ và những người bị giảm thu nhập đáng kể sau ngày 1/3.
Chính phủ Nga cũng đã được hướng dẫn thiết lập một thủ tục đặc biệt trước cuối năm nay để đánh giá nhủ cầu của các gia đình chịu ảnh hưởng do mất việc làm. Chính phủ Nga cũng sẽ phải đảm bảo giảm tỷ lệ đói nghèo, giảm bất bình đẳng thu nhập trong năm 2022.
Sắc lệnh của Tổng thống nêu rõ: Chính phủ Nga phải "đảm bảo cung cấp đủ số lượng hàng hóa thiết yếu, thuốc men và thiết bị y tế trên thị trường nội địa" trước ngày 25/4.
Ngoài ra, các cơ quan thực thi pháp luật và Bộ Tình trạng Khẩn cấp đã được hướng dẫn để đảm bảo "giảm tải hơn nữa gánh nặng quản lý và hành chính đối với hoạt động kinh doanh."
Một số các biện pháp khác bao gồm giảm phí bảo hiểm cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ liên quan đến việc trả lương cho nhân viên, cơ chế cho vay ngân sách cơ sở hạ tầng, đơn giản hóa thủ tục thanh toán bảo hiểm theo hợp đồng cho các máy bay phản lực bị tịch thu ở nước ngoài...
Ảnh minh họa
Kinh tế Nga được dự báo giảm mạnh trong năm nay
Ngày 12/4, Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán Liên bang Nga, cựu Bộ trưởng Tài chính Alexei Kudrin đã đưa ra dự báo rằng nền kinh tế của nước này có thể giảm hơn 10% trong năm 2022 - gần tương đương với dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa đưa ra trong tháng này. Đây sẽ là mức suy giảm mạnh nhất kể từ năm 1994.
Theo ông Kudrin, đây là kịch bản đang được thảo luận và chuẩn bị phương án ứng phó ở các Bộ Phát triển Kinh tế và Bộ Tài chính Nga.
"Chắc chắn tăng trưởng GDP sẽ giảm. Dự báo chính thức cho thấy mức giảm có thể lên đến hơn 10%", ông Kudrin, người từng giữ chức Bộ trưởng Tài chính Nga từ năm 2000 đến năm 2011, nhận định.
Các dự báo trước đó của chính phủ Nga ước tính nền kinh tế của thể tăng trưởng 3% trong năm nay sau mức tăng 4,7% vào năm 2021.
Theo RT, Điện Kremlin gần đây thừa nhận nền kinh tế Nga hiện đang đối mặt với tình huống thách thức nhất trong ba thập kỷ, nhưng nỗ lực nhằm cô lập Nga của phương Tây sẽ không thành công.
Tuần trước, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin tuyên bố trước Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) rằng nước này sẽ cần ít nhất 6 tháng để tái thiết nền kinh tế khỏi tác động của các lệnh trừng phạt của phương Tây./.