Phạm Công Danh muốn dùng tất cả tài sản để khắc phục thiệt hại vụ VNCB

LINH LAN - MẠNH NGUYỄN |

Trước tòa, bị cáo Phạm Công Danh nói muốn dùng tất cả tài sản có sẵn, cả kê biên và không kê biên để khắc phục hậu quả. Còn lại tài sản của bà Quách Thị Kim Chi (vợ bị cáo) sẽ do bà Chi tự định đoạt.

Xác định thêm 800 tỷ đồng tài sản của Phạm Công Danh

Tại phiên xét xử đại án Phạm Công Danh và các đồng phạm gây thất thoát 9.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) ngày 9/8, bà Quách Thị Kim Chi được tòa triệu tập đến để làm rõ về tài sản sở hữu của chồng bà tại Tập đoàn Thiên Thanh.

Theo bà Quách Thị Kim Chi (thành viên HĐQT Tập đoàn Thiên Thanh) cho biết, năm 2000 Công ty TNHH Thiên Thanh được thành lập với hình thức là công ty TNHH hai thành viên, có vốn điều lệ 50 tỷ đồng.

Đến năm 2010, Thiên Thanh chuyển thành tập đoàn với vốn điều lệ là 1.000 tỷ đồng, hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực vật liệu xây dựng, bất động sản. Bà Chi sở hữu 20% cổ phần Thiên Thanh với số tiền 200 tỷ đồng, còn lại 80% cổ phần là của Phạm Công Danh, tương đương 800 tỷ đồng.

Trả lời câu hỏi của tòa về nguồn vốn góp 20% của bà Chi vào Tập đoàn Thiên Thanh là góp bằng gì, có giấy tờ chứng nhận không, bà Chi nói: Thiên Thanh hoạt động theo mô hình gia đình, toàn bộ tài sản giữa hai vợ chồng là tài sản chung, do chồng quyết định nên không rõ.

Bà Chi cũng nói từ lúc hai vợ chồng bắt đầu mở cửa hàng vật liệu xây dựng cho tới khi thành lập Tập đoàn Thiên Thanh thì tất cả tài sản đều tài sản chung. Còn việc số vốn điều lệ 1.000 tỷ thì bà Chi không biết cụ thể bao gồm những tài sản nào.

Liên quan đến việc xác định tài sản giữa hai vợ chồng, bị cáo Danh đề nghị tòa cho gặp luật sư để làm rõ về 80% cổ phần của mình trong Tập đoàn Thiên Thanh và được tòa đồng ý.

Vợ Phạm Công Danh muốn giữ lại tài sản riêng

Khi luật sư hỏi Danh là ông có thể dùng tài sản là khách sạn Mỹ Trà (Đà Nẵng) để khắc phục hậu quả không và nếu khách sạn này không đủ để trả nợ thì có dùng tài sản của Thiên Thanh để góp phần khắc phục không?

Bị cáo Danh nói: “Mong muốn của tôi là tận dụng hết các tài sản có sẵn, cả kê biên và không kê biên để khắc phục hậu quả. Tài sản hình thành do hai vợ chồng, nhưng trách nhiệm hoàn toàn không liên quan tới vợ tôi. Tài sản nào của bà Chi sẽ do bà định đoạt”.

Còn theo bà Chi: “Việc giao khách sạn Mỹ Trà và căn hộ tại một khu tập thể cho khoản vay của công ty IDICO tôi đề nghị xét xử theo tinh thần pháp luật, phần nào của tôi thì tôi bảo lưu.

Đối với những tài sản không nằm trong trách nhiệm của tôi thì có thể cho tôi thu hồi. Ngoài ra, với từng trường hợp cụ thể, xin phép để tôi bàn với chồng tôi về hướng giải quyết”.

Tại phiên tòa trước đó, Danh khai rằng có 2 kỷ vật của vợ chồng ông đó là chiếc đồng hồ và chiếc nhẫn bị tịch thu trong quá trình bắt giữa, cũng xin được hội đồng xét xử xem xét.

Về phần tài sản bị kê biên, bị cáo Phạm Công Danh thừa nhận toàn bộ là tài sản của vợ chồng ông. Tuy nhiên, bị cáo xin HĐXX xem xét, quá trình phát triển Tập đoàn Thiên Thanh ông đã vay mượn rất nhiều tài sản của gia đình bên vợ.

Kê biên nhiều tài sản có giá trị

Theo cáo trạng của Viện kiểm sát, để đảm bảo cho việc khắc phục hậu quả, các cơ quan tố tụng đã kê biên nhiều tài sản có giá trị của Phạm Công Danh cũng như các đồng phạm.

Cụ thể, trong quá trình thực hiện lệnh bắt khám xét đối Phạm Công Danh, cơ quan điều tra đã thu được nhiều tài sản có giá trị như: 217 triệu đồng và 121.900 USD mang theo người; 500.000 USD thu ở phòng 1008 khách sạn Sofitel Hà Nội.

Cơ quan điều tra cũng đã thu giữ 21 sổ chứng nhận sở hữu cổ phần tại VNCB và các giấy tờ ủy quyền ký sẵn liên quan đến 84% cổ phần VNCB của Phạm Công Danh. Hiện các giấy tờ này chỉ có giá trị chứng minh 84% cổ phần đó là của Phạm Công Danh.

Danh nhờ người thân quen đứng tên, chứ không còn giá trị thực tế vì VNCB đã bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng/cổ phần.

Ngoài ra, có 37 bất động sản của Phạm Công Danh hoặc thuộc sở hữu của các công ty thuộc tập đoàn Thiên Thanh đang là tài sản đảm bảo tại một số ngân hàng: Phương Nam; Agribank chi nhánh Tân Phú; Agribank chi nhánh Láng Hạ; Ngân hàng Xây dựng và một số tài sản này dùng để góp vốn với công ty cổ phần PVI.

Trong số 37 bất động sản này: Có 14 bất động sản tại TP.HCM; 1 tại Bình Dương; 1 tại Bà Rịa - Vũng Tàu; 7 bất động sản và 10 lô đất là sân vận động Chi Lăng tại TP.HCM, 1 tại Quảng Nam, 3 tại Quảng Ngãi.

Cơ quan điều tra cho biết, ngoại trừ bất động sản tại Đà Nẵng, tổng số bất động sản còn lại được định giá tài sản là 624 tỷ đồng.

Cũng theo cơ quan điều tra, số dư tài khoản của Phạm Công Danh và các công ty của Phạm Công Danh tại Ngân hàng Á Châu là 3.629 tỷ đồng và số dư còn lại ở VNCB là 1.377 tỷ đồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại