"Những chuyện hy hữu" tại phiên tòa xét xử Phạm Công Danh

Hoàng Hà |

Trong phiên tòa xét xử Phạm Công Danh, nhiều người ngạc nhiên vì những chuyện hy hữu chưa từng có trong lịch sử tố tụng Việt Nam.

Phiên tòa xét xử Phạm Công Danh trong “đại án” Ngân hàng Xây dựng (VNCB) cùng các đồng phạm đã trải qua hơn 3 tuần. Tội danh của bị cáo Phạm Công Danh dần được làm rõ và cũng dần hé lộ đường đi của dòng tiền hơn 9.000 tỉ đồng gây thất thoát cho nhà nước.

Tuy nhiên, điều khiến dư luận ngạc nhiên là phiên tòa này đã xảy ra những chuyện hy hữu "chưa từng có" trong lịch sử tố tụng.

Bị cáo “cầm đầu” nhưng bị xét hỏi sau cùng

Sáng 29/7, Bị cáo Danh được xét hỏi sau cùng khi những bị cáo khác lần lượt được HĐXX đặt những câu hỏi có liên quan và sau khi người có quyền và nghĩa vụ liên quan đã bị xét hỏi. Bị cáo Danh được xét hỏi sau cùng cũng là một trong những “chuyện lạ” chưa từng có.

Bị cáo Danh được nghe toàn bộ lời khai, tổng hợp cùng với luật sư rồi mới trả lời HĐXX.

Đây là điều hiếm thấy và đi ngược với những thông lệ thông thường trong xét xử vụ án hình sự. Bị cáo cầm đầu sẽ phải trả lời trước. Trong một số trường hợp, tòa phải cách ly các bị cáo để xét hỏi, để không nghe được lời khai của nhau, tránh tối đa việc “thông cung” trong xét xử.

Bị cáo được chất vấn người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan

Cuối buổi chiều 2/8, bị cáo Phạm Công Danh bỗng dưng được HĐXX cho chất vấn bà Trần Ngọc Bích, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Bà Bích là một trong số các đại diện của nhóm liên quan đến số tiền 5.190 tỉ đồng.

Bị cáo đặt câu hỏi để đại diện Viện Kiểm sát hỏi bà Bích và liên tục như thế.

Luật sư Trương Thị Minh Thơ, bảo vệ quyền lợi cho bà Bích đã phản ứng mạnh với việc “tạo điều kiện” của HĐXX.

Luật sư Thơ lập luận, bà Bích không phải là bị cáo mà chỉ là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Bị cáo Phạm Công Danh không có quyền đặt câu hỏi đối với bà Bích. Đây là việc chưa từng có liền lệ. Viện Kiểm sát đặt câu hỏi thì bà Bích trả lời chứ bị cáo không có quyền đặt câu hỏi cho bà Bích.

Luật sư Thơ đã nhắc nhở HĐXX phải làm việc đúng luật.

Các vấn đề sức khoẻ kỳ lạ và sự chiều chuộng quá mức

Chiều 28/7, bị cáo Phạm Công Danh được HĐXX "xét hỏi ngắn", chỉ hỏi thăm về sức khoẻ. HĐXX cho rằng quan tâm đến sức khỏe của bị cáo Danh để phiên tòa được đảm bảo diễn ra xuyên suốt, không gián đoạn.

Ngay khi được hỏi, bị cáo đã ôm ngực tỏ vẻ đau đớn, điều chưa từng diễn ra trong suốt phiên toà, tuy nhiên, giờ giải lao, khi bước ra khỏi phòng xử án, bị cáo lại bước phăm phăm, còn vẫy tay với nhân viên cũ.

Chủ tọa hỏi thăm sức khỏe của bị cáo và bị cáo Danh thành khẩn trả lời rằng: Đang sử dụng thuốc để điều trị những căn bệnh: Sỏi thận, thần kinh, viêm phổi…

HĐXX đã cho bị cáo Danh ngồi ghế riêng nhằm đảm bảo sức khỏe.

HĐXX hỏi: “Tại sao tòa đã cắt kính mà bị cáo không đeo?”. Bị cáo Phạm Công Danh đáp: “Khi nào bị cáo đọc sẽ đeo”.

Chủ tọa phiên tòa dặn dò: “Sáng mai tòa sẽ hỏi bị cáo, bị cáo nhớ đảm bảo sức khỏe, tư tưởng và yêu cầu bác sĩ chú ý sức khỏe của bị cáo Danh”.

Bị cáo Danh do sức khoẻ yếu nên "không nhớ" được rất nhiều chi tiết, nhưng những phần nào "cần nhớ" thì lại được nhớ rất rõ đến từng khoản tiền, từng khoản thương lượng.

Bị cáo Phạm Công Danh được gặp người nhà để bàn bạc

Sáng 2/8, bị cáo Danh được HĐXX cho gặp vợ và em trong giờ nghỉ giải lao. Sự kiện này được xem là “hy hữu” và là lần đầu tiên trong lịch sử tố tụng.

Giải lao giữa giờ, bị cáo Danh được gặp em trai Phạm Công Trung, đang giữ vị trí Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh và vợ là Quánh Kim Chi để bàn bạc vấn đề khắc phục hậu quả của vụ án.

Cuộc gặp gỡ lần đầu tiên trong lịch sử tố tụng giữa bị cáo và người thân trong phiên tòa được bố trí tạo hành lang, bên cạnh phòng xét xử. Các luật sư bào chữa cho bị cáo cũng được gặp và có sự giám sát của điều tra viên, kiểm sát viên.

Sau đó, HĐXX tiếp tục với phiên xét xử của buổi sáng 2/8. Bị cáo Danh cảm ơn HĐXX đã tạo cơ chế để được gặp em và vợ. Bị cáo mong muốn bán tài sản nhưng 1 đối tác thì không thể mua lại được.

HĐXX yêu cầu bị cáo Phạm Công Danh, ông Phạm Công Trung, bà Quách Kim Chi, các luật sư bào chữa cho bị cáo phải có văn bản báo cáo kết quả cuộc gặp “hy hữu” và nộp về cho HĐXX vào chiều cùng ngày.

Nhưng, dư luận lo ngại, đây là một động tác thừa, thậm chí không có lợi cho vụ án.

Cho Phạm Công Danh bán tài sản không còn thuộc quyền kiểm soát

Cuộc gặp giữa bị cáo Phạm Công Danh, em trai, vợ và các luật sư liên quan đến việc bán lô đất Sân vận động Chi Lăng. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là số tài sản không còn thuộc quyền kiểm soát của bị cáo.

Luật sư của Phạm Công Danh cũng khẳng định, tất cả tài sản của bị cáo đã bị kê biên trong vụ án.

Thế nhưng khi Phạm Công Danh quả quyết trước tòa là sẽ đưa ra giá cao hơn chứng thư thẩm định 2.600 tỉ đồng thì Danh ngay lập tức được tạo mọi điều kiện và được quyền đưa ra quyết định cuối cùng (?!).

Đây là điều vô lý! Tài sản đang bị nhà nước kê biên tạm thời để phục vụ cho công tác thi hành án thì có bàn bạc thế nào cũng không giải quyết được khi vụ án đang xét xử.

Một số tài sản khác của Danh thì đã thuộc về Ngân hàng Nhà nước - vì Ngân hàng Nhà nước đã mua lại VNCB với giá 0 đồng từ trước đó.

Thẩm định của Hội đồng tư pháp Trung ương không bằng... tuyên bố của bị cáo

Sân vận động Chi Lăng bị kê biên đã được Hội đồng tư pháp Trung ương định giá 1.260 tỉ đồng. Tuy nhiên, khi bị cáo Phạm Công Danh tuyên bố có thể bán được với giá 2.600 tỉ đồng thì HĐXX đã chấp thuận ngay cho bị cáo được mời đối tác đến để bán.

Kết quả giám định của Hội đồng tư pháp Trung ương dường như không được coi trọng. Thay vào đó, người ta lại tin cái giá do Phạm Công Danh... tuyên bố.

Tất nhiên, nếu có đối tác mua số tài sản trên với giá cao hơn mức định giá của Hội đồng tư pháp Trung ương thì diễn biến phiên tòa sẽ có lợi cho bị cáo Phạm Công Danh.

Và theo cáo trạng, tài sản này đang thế chấp vay tại một ngân hàng khác để đảm bảo vay 5.000 tỉ, chưa được giải chấp nhưng vẫn được dùng bảo đảm vay tại VNCB.

Điều này "chưa có tiền lệ" trong trình tự thủ tục tố tụng.

Viết thêm vào chứng cứ nhưng vẫn... không sao

Phạm Công Danh và cấp dưới đã dùng bút lục được viết thêm vào để buộc tội khách hàng nhận lãi ngoài. Đối chứng với các bút lục mà VKS đã cho bà Bích xem về chữ ký và nguồn gốc tiền ở phiên tòa trước đó thì bà Bích khẳng định: “Tài liệu này khác với hồ sơ lưu các giao dịch”.

Như bút lục số 4796 có chữ ký của nhân viên nhận tiền, ghi nguồn gốc tiền là “lãi ngoài” nhưng là chữ của người khác. “Bằng mắt thường cũng có thể nhìn thấy được đây là dòng chữ viết thêm vào. Không cùng nét chữ”, bà Bích nói trước HĐXX.

Một bút lục khác (số 5074) thì không có chữ… ghi thêm. Bà Bích lập luận, một số bút lục khác liên quan đến việc nhận tiền này đều có tình trạng tương tự. Bà Bích thắc mắc: “Không biết tại sao lại có chữ ghi thêm trong các bút lục này và có đề nghị VKS làm rõ dòng chữ “lãi ngoài” ở đâu ra, ai viết thêm vào?”.

HĐXX sau đó đã yêu cầu bà Trần Ngọc Bích nộp giải trình về vấn đề này và chưa yêu cầu xử lý hành vi cố tình giả mạo chứng cứ của Phạm Công Danh cũng như các đồng phạm.

Ngày 5/8, bà Nguyễn Thi Thu Hương, nhân viên của Thiên Thanh đã thừa nhận tự tay viết thêm vào chứng từ.

Ngày 8/8, bà Hương lại đưa thêm 1 chứng từ được viết thêm để chứng minh cho con số trả lãi ngoài mới là 2.700 tỷ.

Chứng từ này không đúng với con số mà bị cáo đã đưa ra trong những ngày trước.Mặc dù việc viết thêm vào chứng từ đã tạo ra 1 chứng cứ mới, và chứng cứ này được dùng để thay đổi bản chất của vụ án tại Toà.

Thậm chí, có thể thay đổi và miễn tội danh cho bị cáo. Việc làm này đã đánh lừa tất cả hội đồng xét xử và thể hiện sự coi thường pháp luật đến mức cao nhất.Hành vi này hoàn toàn có thể bị kiến nghị để xử lý hình sự.

Tuy nhiên, vẫn không có bất cứ một hình phạt hay thậm chí yêu cầu nào đặt ra cho người cung cấp thông tin sai lệch. Điều này đặt ra rất nhiều câu hỏi cho giới luật sư liên quan đến tính công minh của vụ án!

Không biết với những “tiền lệ” chưa từng có trong lịch sử tố tụng của Việt Nam, kết luận của hội đồng xét xử sẽ như thế nào?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại