Phạm Công Danh lĩnh 30 năm tù vì gây thất thoát 9.000 tỷ đồng

Khắc Thành |

Phạm Công Danh – Nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng lĩnh 30 năm tù và bồi thường hơn 9.000 tỷ.

Sau hơn 50 ngày xét xử và nghị án, chiều 9/9, TAND TP HCM đã ra phán quyết với đại án kinh tế gây thiệt hại 9.000 tỷ xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB).

Theo đó, HĐXX tuyên phạt Phạm Công Danh (Nguyên chủ tịch HĐQT VNCB) 18 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và 20 năm tù tội Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, tổng hình phạt là 30 năm tù (theo quy định tù có thời hạn không quá 30 năm).

Phan Thành Mai (Nguyên Tổng giám đốc VNCB) bị tuyên phạt 22 năm tù, Mai Hữu Khương (Nguyên giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) 20 năm tù, Hoàng Đình Quyết (nguyên giám đốc VNCB chi nhánh Lam Giang) 19 năm tù.

Còn 32 bị cáo còn lại trong vụ án lĩnh mức án từ 3 năm tù treo đến 16 năm tù. Các bị cáo đều bị truy tố về 2 tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Phạm Công Danh lĩnh 30 năm tù vì gây thất thoát 9.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Phạm Công Danh cùng đồng phạm nghe tòa tuyên án. Ảnh: K.Thành.

Về phần dân sự, tòa án tuyên buộc Phạm Công Danh phải bồi thường toàn bộ số tiền hơn 9.000 tỷ đồng đã gây thất thoát. 

Trong đó có hành vi rút 5.190 tỷ đồng khỏi tài khoản của bà Trần Ngọc Bích (Giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát) mà không có chữ ký của chủ tài khoản là vi phạm pháp luật. 

Còn số tiền 5.190 tỷ đồng bà Bích đã vay của VNCB là vật chứng vụ án, cần thu hồi để trả lại cho VNCB. Bị cáo Danh thừa nhận có nợ của ông Trần Quý Thanh 5.190 tỷ đồng nên phải trả lại cho ông Thanh số tiền này.

Những bị cáo còn lại trong vụ án không được hưởng lợi nên không phải bồi thường. Bà Hứa Thị Phấn (đại diện nhóm cổ đông cũ của VNCB) phải trả lại 948 tỷ đồng cho VNCB đã nhận từ Phạm Công Danh vì đây là tiền Danh phạm tội mà có.

Đồng thời, HĐXX cũng đọc quyết định khởi tố tại tòa với nhóm cổ đông của bà Hứa Thị Phấn về những sai phạm, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ cho Ngân hàng Đại Tín (tiền thân của Ngân hàng Xây dưng) trước khi Phạm Công Danh tiếp quản. 

Khởi tố ông Hoàng Văn Toàn (nguyên Chủ tịch Ngân hàng Đại Tín) vì trong thời gian điều hành nhà băng này đã cho nhóm bà Phấn vay tiền gây ra nhiều thất thoát.

Đồng thời, khởi tố nhân vật Phạm Thùy Trang (Trang phố núi) vì đã đứng ra móc nối cho bà Bích với Ngân hàng Xây dựng.

Phạm Công Danh lĩnh 30 năm tù vì gây thất thoát 9.000 tỷ đồng - Ảnh 2.

Bà Hứa Thị Phấn bị khởi tố. Ảnh: K.Thành.

Theo cáo trạng, Vào năm 2012, Ngân hàng TMCP Nông thôn Rạch Kiến (tiền thân của Ngân hàng Đại Tín – Trustbank) có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng.

Từ năm 2009 – 2010, Công ty cổ phần đầu tư phát triển Phú Mỹ, do bà Hứa Thị Phấn làm Chủ tịch HĐQT đã bỏ ra khoảng 2.000 tỷ đồng để mua lại 84,92% cổ phần của Trustbank.

Dưới sự lãnh đạo của nhóm bà Phấn, Ngân hàng Xây dựng rơi vào cảnh thua lỗ rất nghiêm trọng, Cụ thể, theo kết luận thanh tra của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 10/7/2012, thực trạng tài chính của Trustbank rất xấu, vốn chủ sở hữu âm 2.854 tỷ đồng, lỗ lũy kế 6.031 tỷ đồng.

Tháng 9/2012, NHNN chấp thuận chủ trương phương án tái cơ cấu TrustBank theo hướng chuyển nhượng cho Phạm Công Danh (lúc này là Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh). Từ đây, Phạm Công Danh đã nắm quyền điều hành và đổi tên TrustBank thành Ngân hàng Xây dựng - VNCB.

Với vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị VNCB, Danh đã chỉ đạo thuộc cấp thực hiện các hành vi phạm tội.

Cụ thể, Danh chỉ đạo lập hồ sơ khống về việc nâng cấp hệ thống Corebanking gây thiệt hại 63 tỷ đồng; thuê trụ sở trên đường Tô Hiến Thành và Sư Vạn Hạnh (quận 10, TP HCM) gây thiệt hại 581 tỷ đồng.

Danh cũng chỉ đạo rút trên 5.000 tỷ đồng tại VNCB nhưng không được sự đồng ý và không có chữ ký của chủ tài khoản.

Ngoài ra, ông Danh còn sử dụng pháp nhân của 12 công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và 2 pháp nhân, xây dựng các bộ hồ sơ kinh doanh mua bán nguyên vật liệu khống, phương án trả nợ khống, định giá nâng giá các lô đất thuộc Sân vận động Chi Lăng và lô đất trên đường Trường Chinh (TP Đà Nẵng) lên nhiều lần để làm tài sản đảm bảo vay của VNCB 5.000 tỷ đồng (đã tất toán được 300 tỷ).

Ông Danh cũng chỉ đạo sử dụng tiền vay trái với phương án và mục đích kinh doanh, chỉ đạo 15 cá nhân là nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh, chuyển khoản hoặc rút tiền mặt với số tiền là 4,7 nghìn tỷ đồng của VNCB để trả nợ. Theo kết luận điều tra, tổng số tiền mà ông Danh và cấp cưới gây thiệt hại cho VNCB là hơn 9.000 tỷ đồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại