Mở đầu phiên xử ngày 3-1, HĐXX TAND Cấp cao tại TP HCM đã hỏi bà Trần Ngọc Bích (đại diện Công ty Tân Hiệp Phát): “Bị cáo Hoàng Đình Quyết (nguyên Giám đốc VNCB Chi nhánh Lam Giang) khai việc chuyển 5.190 tỉ đồng đều được sự đồng ý của bà đúng không?”.
Trả lời HĐXX, bà Bích khẳng định: “Tôi không yêu cầu chuyển, không đồng thuận chuyển, ngân hàng đã hạch toán sai”
Nghe bà Bích phủ nhận, bị cáo Hoàng Đình Quyết khai: “Không chỉ chuyển tiền diễn ra trong ngày 21 và 26-8-2013 mà diễn ra từ năm 2012; các lần trước bị cáo đều cho bà Bích lấy hồ sơ về để hoàn tất và trả lại nhưng 2 lần sau này bà ấy không chịu trả”.
Tòa hỏi bị cáo Mai Hữu Khương (nguyên Giám đốc VNCB Chi nhánh Sài Gòn): “Số tiền 2.090 tỉ đồng tại sao vào tài khoản của bị cáo và bị cáo Tùng?”.
Bị cáo Khương nói sau khi tiền chuyển vào tài khoản mới biết và Khương ký chuyển tiếp sang tài khoản của ông Trần Quý Thanh theo chỉ đạo của Danh.
Ông Trần Tấn Lộc (người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan) có kháng cáo không đồng ý việc tòa cấp sơ thẩm buộc bà Bích nộp hơn 72 tỉ đồng, HĐXX cấp phúc thẩm khẳng định rằng ông Lộc không có quyền kháng cáo vấn đề này.
Theo bị cáo Phạm Công Danh, ông Trần Quý Thanh là người gởi tiền nhiều nhất vào Ngân hàng Xây dựng (VNCB). Cho nên khi tiếp quản ngân hàng Đại Tín, Danh đã gặp ông Trần Quý Thanh thông qua Chi nhánh Sài Gòn; còn Trang “phố núi” có giúp Danh một số việc, trong đó có việc kết nối gặp ông Trần Quý Thanh.
Tòa hỏi: "Giữa bị cáo và ông Trần Quý Thanh có 16 lần vay tiền đúng không?” Bị cáo Danh nói rằng không nhớ.
Tòa hỏi nguồn tiền từ đâu ông Thanh cho bị cáo vay thì Phạm Công Danh trả lời rằng không biết nhưng khẳng định số tiền ông Thanh có khoảng 500 đến 600 tỉ đồng.
"Tôi không chỉ đạo cho bất kỳ ai, tôi không biết lý do sức khỏe thế nào mà ông Thanh không có mặt tại đây, không dám đối diện với sự thật"- bị cáo Danh thắc mắc.
Phạm Công Danh: Việc chuyển tiền của bà Bích vào tài khoản của bị cáo theo yêu cầu của ai? “Theo yêu cầu của ai thì tôi không biết nhưng tôi nghĩ là yêu cầu của ông Trần Quý Thanh do tôi vay của ông Thanh”.
Khi được hỏi những khoản tiền phải trả cho ông Thanh, bị cáo Phạm Công Danh trình bày: “Có 4 khoản tiền trả cho ông Thanh, một là tiền lãi ngân hàng, tiền chăm sóc khách hàng; ngoài ra, ông Thanh còn được hưởng 3-4%/tháng, tiền lãi ông Thanh thế chấp sổ tiết kiệm để vay ngân hàng thay vì ông Thanh phải trả thì bị cáo trả thay cho ông Thanh”.
Phạm Công Danh khai, những khoản nợ và lãi phải trả cho ông Thanh có lúc trả bằng tiền mặt, có khi chuyển khoản. Tôi lấy khoản vay sau, trả khoản vay trước cho ông Thanh.
Bà Trần Ngọc Bích khai: “Tôi giao dịch với Ngân hàng Đại Tín từ giữa 2012 trước khi ông Danh là cổ đông của ngân hàng này.
Tại thời điểm này chúng tôi có nguồn tiền nhàn rỗi đang chờ đầu tư nên gởi nhiều ngân hàng, trong đó có Đại Tín, để hưởng lãi suất. Như tôi đã trình bày, vì nguồn tiền nhàn rỗi nên gởi dài hạn và vay lại với thời gian ngắn hạn là việc giao dịch hết sức bình thường”.
“Vậy tại sao khi vay lại bà lại chuyển cho Phạm Công Danh?”- tòa hỏi.
Bà Bích nói: “Lúc này, Phạm Thị Trang biết tôi có nguồn tiền nhàn rỗi nên có đề nghị vay nên tôi cho Trang vay”.
Tòa hỏi bà Bích: “Mục đích vay lại tiền của ngân hàng nhằm mục đích gì?”.
Bà Trần Ngọc Bích: "Dạ vì mục đích làm kinh tế gia đình, là được phép làm những gì pháp luật không cấm".
- "Theo giải trình của ngân hàng thì gia đình bà có 16 lần vay và tất toán sổ tiết kiệm có đúng không?"
Bà Trần Ngọc Bích: "Lâu quá tôi không thể nhớ".
Tòa: "Những cá nhân vay và gởi tiền có mối quan hệ như thế nào với bà?"
Bà Trần Ngọc Bích: "Đó là những người có mối quan hệ thân cận của tôi".
Tòa: "Vậy nguồn tiền ở đâu các cá nhân có được?"
Bà Trần Ngọc Bích: "Có hai khái niệm tôi xin nói rõ đó là tiền là của các cá nhân đó, là của họ và gởi mang tên họ. Còn nguồn tiền là họ vay từ ông Trần Quý Thanh".
Tòa: "Vậy, tại sao khi họ thế chấp sổ tiết kiệm để vay lại ngân hàng, khi ngân hàng giải ngân họ lại chuyển vào tài khoản của bà?"
Bà Trần Ngọc Bích: "Dạ, tại vì họ tin tưởng tôi nên chuyển tiền vào tài khoản của tôi".