Trước khi tiến hành phần xét hỏi, HĐXX tóm tắt lại nội dung vụ án, quyết định của cấp sơ thẩm, kháng cáo của các bị cáo và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Theo bản án sơ thẩm, sau khi được Ngân hàng nhà nước chấp nhận chủ trương phương án tái cơ cấu Ngân hàng xây dựng (VNCB), Phạm Công Danh đã nắm quyền kiểm sát, chi phối ngân hàng.
Trong điều kiện VNCB đang bị Ngân hàng nhà nước đặt vào tình trạng kiểm soát, mọi giao dịch có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên đều phải có ý kiến của tổ giám sát Ngân hàng nhà nước.
Tuy nhiên, khi tiếp nhận VNCB, Phạm Công Danh không có phương án tái cơ cấu, mà Danh và các đồng phạm thực hiện chuỗi các hành vi phạm hai tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”; “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Phạm Công Danh và các đồng phạm lập hồ sơ khống về việc nâng cấp hệ thống Corebanking rút hơn 63 tỷ đồng từ VNCB. Danh sử dụng cho mục đích cá nhân, trả nợ.
Tiếp theo, Danh và đồng phạm lập hồ sơ khống thuê trụ sở tại 268 Tô Hiến Thành và 816 Sư Vạn Hạnh, quận 10, gây thiệt hại gần 600 tỷ đồng.
Danh và các đồng phạm đã rút 5.190 tỷ đồng nhưng không có chứng từ, không có chữ ký của các chủ tài khoản, rút 300 tỷ đồng không có hồ sơ vay, gây thiệt hại cho VNCB số tiền 5.490 tỷ đồng.
Danh đã chỉ đạo thuộc cấp làm trái quy định của Nhà nước trong việc rút 903 tỷ đồng của VNCB thông qua hình thức ủy thác đầu tư mua trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh thông qua Công ty Quỹ Lộc Việt.
Ngoài Phạm Công Danh, các bị cáo đồng phạm về hành vi cố ý làm trái có Phan Thành Mai (nguyên Tổng Giám đốc VNCB), Mai Hữu Khương (nguyên thành viên HĐQT VNCB), Hoàng Đình Quyết (nguyên Phó Giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn).
Bản án sơ thẩm còn kiến nghị Cơ quan điều tra Bộ Công an, VKSNDTC điều tra làm rõ và xử lý ông Nguyễn Việt Hà-TGĐ Quỹ Lộc Việt theo quy định của pháp luật liên quan đến việc ký hợp đồng ủy thác đầu tư trái phiếu với VNCB, gây thất thoát 903 tỷ đồng.
Về hành vi vi phạm quy định về cho vay, Phạm Công Danh và đồng phạm đã thông qua 14 pháp nhân công ty, trong đó có 12 công ty con của Tập đoàn Thiên Thanh do các giám đốc là nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh đứng tên.
Các bị cáo lập nhiều hồ sơ vay vốn với phương án kinh doanh, phương án trả nợ khống, lập các hợp đồng chuyển nhượng bất động sản và hợp đồng mua bán nguyên vật liệu khống, không tiến hành thẩm định thực tế hồ sơ vay.
Nhiều bị cáo là nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh làm giám đốc các công ty bị tòa sơ thẩm tuyên phạt đã kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Đến 11 giờ 20 phút, khi HĐXX đang công bố những hành vi vi phạm quy định về cho vay, Phạm Công Danh bất ngờ ôm ngực rồi giơ tay xin có ý kiến.
Danh than thở sức khỏe kém, rất mệt mỏi, xin HĐXX cho bộ phận y tế khám. HĐXX đồng ý và Danh được đưa ra ngoài phòng xử để chăm sóc y tế.
Trước đó, Danh cho rằng bản thân đang bị bệnh huyết áp, tim mạch nên “xin tòa cho bị cáo nhờ luật sư trình bày”.7