Phải làm gì nếu không có nhiều tiền để quảng cáo nhưng áp lực tăng doanh số rất "nặng"?

Hương Nguyễn - Hoàng Linh |

Các chuyên gia marketing tại tọa đàm của VMCC đã chỉ ra một số cách thức để thúc đẩy doanh số sau đại dịch Covid-19.

Tối 14/5, tọa đàm livestream của VMCC (câu lạc bộ những người làm marketing chuyên nghiệp) đã được tổ chức với chủ để "Đẩy số sau dịch". Tại đây, các chuyên gia marketing đã chia sẻ bí quyết để doanh nghiệp sống sót qua dịch Covid-19 và giải pháp để thúc đẩy doanh số khi cuộc sống trở về "bình thường mới".

“Vượt” bão Covid-19: Linh hoạt chuyển đổi ngay lập tức

Anh Phạm Vũ Tùng - Giám đốc Marketing của Creative Nature Group - Nhà phân phối các sản phẩm chăm sóc tóc và da TIGI, Davines và Moroccanoil chia sẻ, khi dịch xảy ra, ngay lập tức doanh nghiệp đã triển khai 2 kịch bản: làm gì nếu dịch bệnh được chế ngự và nếu dịch bệnh kéo dài.

Công ty này cũng chuyển đổi cách phân phối từ bán hàng trực tiếp cho các salon tóc - nơi đã tạm đóng cửa vì cách ly xã hội, sang phân phối bán lẻ. Cụ thể, các salon tóc trở thành "đại lý" bán hàng cho TIGI, Davines và Moroccanoil. Đó cũng là một cách để họ có doanh thu trong bối cảnh phải tạm dừng hoạt động.

Điều quan trọng là phải luôn luôn duy trì mối quan hệ với khách hàng ngay cả khi có lệnh giãn cách xã hội.

"Dù bị ảnh hưởng và phải đóng cửa 100% nhưng doanh số công ty không sụt giảm, cá biệt có một số sản phẩm tăng doanh thu", anh Tùng chia sẻ.

Theo anh Thái Phạm, Founder Happylive, nếu doanh nghiệp kinh doanh các nhóm hàng không thiết yếu thì cần "nghĩ kế" làm sao để sản phẩm "trở nên thiết yếu" trong thời dịch hoặc chuyển qua kinh doanh mặt hàng thiết yếu như vật dụng gia đình, thực phẩm.

"Sau dịch, người tiêu dùng đã thay đổi hành vi tiêu dùng, cắt giảm chi tiêu không cần thiết, cắt đồ xa xỉ và tập trung hàng thiết yếu. Vì thế, doanh nghiệp cũng cần điều chỉnh kênh phân phối, sản phẩm để tiếp cận khách hàng", anh Thái Phạm chia sẻ.

Theo Founder Happylive, mô hình marketing 4C có thể áp dụng, doanh nghiệp tìm kiếm, xây dựng cộng đồng cùng mối quan tâm. Dựa trên mối quan hệ Community (Giao tiếp/truyền thông 2 chiều), hai bên có thể giúp đỡ lẫn nhau, những người này sẽ giúp doanh nghiệp khi khó khăn.

Chia sẻ tại tọa đàm, chị Phan Đặng Trà My, Phó Tổng giám đốc của VCCorp, CEO Wow Holiday cho hay, mặc dù những ảnh hưởng của dịch bệnh khiến cho Admicro không đạt được chỉ tiêu tăng trưởng của năm 2020 nhưng vẫn tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.

Đơn vị đã có động thái vô cùng nhanh nhạy khi triển khai hàng loạt biện pháp tập trung bảo vệ nhân lực, coi đây là nhân tố sống còn. Toàn bộ 2.500 nhân sự đều được làm việc online trước thời điểm Chính phủ có chỉ thị về giãn cách xã hội.

Chị Trà My cho hay, những ảnh hưởng của sự suy thoái kinh tế sẽ "ngấm" dần trong 6 tháng tới và lĩnh vực truyền thông, marketing không nằm ngoài sự tác động của vấn đề này. Trong bối cảnh này, Admicro đã mở rộng sản phẩm, sử dụng chuyên gia nội bộ và nguồn bigdata nội bộ khổng lồ để giúp khách hàng kéo lại hoạt động kinh doanh.

"Một cách thức độc đáo được Admicro đưa ra là hoạt động hỗ trợ khách hàng bằng các quảng cáo như đổi xe, đổi vé máy bay, thậm chí là sẽ đổi pizza…", chị Trà My chia sẻ.

Phải làm gì nếu không có nhiều tiền để quảng cáo nhưng áp lực tăng doanh số rất nặng? - Ảnh 1.

Chị Phan Đặng Trà My, Vice General Director, VCCorp, CEO Wow Holiday.

"Mách nước" doanh nghiệp đẩy số sau dịch Covid-19

Đứng từ phía doanh nghiệp vừa và nhỏ không có dòng tiền, hoặc không có chi phí trả cho các quảng cáo lớn, anh Phạm Vũ Tùng (Nature Group) cho rằng cần kích cầu sau dịch, và phải luôn tạo ra cộng đồng cho doanh nghiệp bằng cách thu thập mối quan hệ thông qua nhiều hội nhóm và nuôi dưỡng hội nhóm bằng những nội dung kích cầu. Khi đó, doanh nghiệp sẽ có sẵn một khối khách hàng.

Ví dụ, nếu bán thuốc vô sinh, người bán không không thể chỉ quảng cáo tác dụng của thuốc. Điều tốt hơn có thể làm là xây dựng một cộng đồng những người quan tâm đến sức khỏe, đến hạnh phúc gia đình và bồi đắp các nội dung về cách sống, cách suy nghĩ, xây dựng một gia đình hạnh phúc...

Chia sẻ kinh nghiệm bản thân, CEO Pizza Home Hoàng Tùng cho rằng, doanh nghiệp cần cố gắng làm ra những sản phẩm để có thể định hướng được nhu cầu khách hàng như làm ra những sản phẩm mang tính chất thời sự (tương tự PizzaHome làm bánh pizza thanh long hay burger corona).

"Pizza Home không chạy marketing khi không có sản phẩm mang tính chất cải tiến, nên chúng tôi cố gắng tạo ra những sản phẩm có tính chất đặc biệt.

Bên cạnh đó, để chuyển đối số, chúng ta cần đi theo hành trình của khách hàng. Ví dụ đi theo nhu cầu của khách thì chúng tôi tạo ra pizza đông lạnh, gói sản phẩm tự làm bánh tại nhà trong mùa dịch, chính những hình thức này đã đem lại dòng tiền tốt cho Home pizza trong thời gian qua", ông Tùng chia sẻ.

Theo vị CEO, thậm chí, nếu cần doanh nghiệp cũng có thể sẽ thay đổi toàn bộ mô hình kinh doanh để thích nghi với hoàn cảnh sau dịch.

Qua quá trình cung cấp các giải pháp thương mại điện tử cho doanh nghiệp, anh Nguyễn Mạnh Tấn - Head of Marketing, Haravan cho biết, tháng 4 vừa qua có đến 15.000 doanh nghiệp F&B đăng ký xây dựng kênh thương mại điện tử.

3 xu hướng được Haravan ghi nhận bao gồm: Nhà là chợ, Nhà là văn phòng và Nhà là trường. Điều này cho thấy, xu hướng tìm kiếm, mua online là tất yếu trong mùa dịch. Đồng thời, các con số thống kê cho thấy mức độ tìm kiếm cũng tăng trưởng ở nhiều ngành hàng như tạp hóa (95%) hay thời trang (43%).

"Đây cũng là giai đoạn Tiki, Ladaza liên tục đưa các chương trình khuyến mại. Ghi nhận từ đầu dịch, người dùng lựa chọn mua sắm trên Tiki gia tăng 19%. Nhiều doanh nghiệp đã đẩy số ngay bằng việc tiếp cận nhóm khách hàng cũ, kiếm đơn hàng trên Facebook, Instagram, Sendo, Shopee… để có đơn hàng, nhân viên có việc làm và có doanh số để duy trì", anh Mạnh Tuấn cho biết.

Nhìn thấy sức mạnh của kên bán hàng online, anh Mạnh Tuấn cho rằng, những doanh nghiệp có sẵn hạ tầng online thì cần ra gói combo mới phù hợp. Với doanh nghiệp chưa bắt đầu bán online cần nhanh chân, triển khai ngay, tìm nhóm sản phẩm thích hợp và không quên yếu tố Community – tạo một cộng đồng của mình.

Đồng tình với ý kiến cần chuyển đổi hình thức phân phối từ offline sang online hoặc bằng cả 2 hình thức, anh Thái Phạm, Founder Happylive cho rằng, cần tăng cường số lượng sản phẩm và quảng cáo với mặt hàng thiết yếu.

Phải làm gì nếu không có nhiều tiền để quảng cáo nhưng áp lực tăng doanh số rất nặng? - Ảnh 3.

Anh Thái Phạm, Founder Happylive.

Nếu sản phẩm không thiết yếu thì phải có ngay những sản phẩm mới và một thị trường mới, không thể chờ doanh nghiệpbị cạn kiệt nguồn vốn.

"Tác động của đại dịch và suy thoát này tại Việt Nam sẽ bị trễ 6 tháng bởi khả năng tiết kiệm của người Việt Nam khá tốt. Do đó cuộc chơi của chúng ta là 6 tháng, có thể chuyển đổi kênh phân phối từ offline sang online hoặc cả 2", anh Thái Phạm bày tỏ quan điểm.


Phải làm gì nếu không có nhiều tiền để quảng cáo nhưng áp lực tăng doanh số rất nặng? - Ảnh 5.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại