Phải làm gì khi không biết mình nên làm gì? Thấy người khác thành công, cứ bình tĩnh nhưng đừng trì hoãn!

Khải Đơn |

Cuộc sống giống một chuyến trekking, bạn thường nhìn thấy người khác ở hẻm núi bên kia và nghĩ rằng mình phải nhanh lên, hoặc đường còn xa quá.

Ở tuổi đại học, điều này căng thẳng hơn khi bạn thấy mình đang đếm ngược đến khi rời trường đại học. 

Đếm ngược vào tương lai và phải đối mặt với cuộc sống tự lập mà bạn chưa sẵn sàng. 

Ở tuổi của tôi, 30 tuổi, đó là sự căng thẳng khi tụt lại, thất bại, hoặc không "trở thành một ai đó" như ta thường quy định cho mình 10 năm trước đó.

Tôi nhận được nhiều email của bạn đọc ở cả hai lứa tuổi hỏi nên làm gì khi đã tiêu phí mất hai năm quý giá trong vô dụng đó, và tôi thử tìm cách trả lời bằng cách cho mình sống một năm thật sự không mục đích như vậy. Và những thứ tôi phát hiện ra như sau:

Định nghĩa về thời gian vô dụng:

Thời gian thường được mọi người gọi là "vô dụng" khi nó không sản sinh ra giá trị gì. Suốt một năm không kiếm ra tiền. 

Một năm không có trình độ mới trong công việc. Một năm học kết quả không tốt. Một năm chưa mua được xe, điện thoại mới, đồ đạc giá trị trong nhà, hay đưa con cái đến một thành tựu nào đó. Vậy là vô dụng.

Tôi định nghĩa về thời gian vô dụng theo cách khác. Có những năm, thành quả công việc tại công ty được đánh giá rất tốt, tôi có thêm tiền thưởng, và vài hoạt động cuối năm. Nhưng khi ngồi vào bàn viết, tôi thấy trống rỗng và tuyệt vọng. 

Đó là khi lớp vỏ bọc của định nghĩa "có thành tựu" được tháo xuống, nhường chỗ cho câu hỏi về điều mà bản thân theo đuổi.

Thời gian vô dụng là khi tôi không thể tăng thêm sự hài lòng về điều mình muốn thực hiện.

Thời gian vô dụng là khi tôi (dù đã có thể được công nhận ở nhiều việc), lại không tìm thấy giá trị nào cho bản thân sau những cố gắng và tiêu phí thời gian đó.

Thời gian vô dụng, là khi nhìn lại, tôi thấy rõ mình không vui, không hạnh phúc, không yên tâm, không thể mỉm cười.

Phải làm gì khi không biết mình nên làm gì? Thấy người khác thành công, cứ bình tĩnh nhưng đừng trì hoãn! - Ảnh 1.

Cuộc sống giống một chuyến trekking, bạn thường nhìn thấy người khác ở hẻm núi bên kia và nghĩ rằng mình phải nhanh lên, hoặc đường còn xa quá.

Mình làm gì khi không biết làm gì? 

Vậy, ta có thể làm gì khi bơi giữa khoảng thời gian mù hướng, tìm cách trì hoãn, dật dờ, tuyệt vọng vào tương lai.

Đầu tiên, hãy nhìn sâu vào cảm xúc của bạn, và trả lời từng câu hỏi:

Bạn nhìn thấy mình đang thất bại sao? Bạn đang trở thành người vô dụng theo nghĩa nào?: Theo mong muốn của bạn bè, cha mẹ, theo kỳ vọng của người bạn yêu, hay với chính bạn – là không thực hiện điều bạn mong muốn.  

Bạn không thể hoàn thành được khóa học này với điểm tốt sao? Bạn đã không thể cưới trong năm nay và mua được nhà? Bạn hoảng sợ vì mình sẽ phải tự lập mà không có sự hỗ trợ của ai nữa trong vài tháng tới?

Trả lời những câu hỏi trên càng chi tiết, thành thật, rõ ràng sẽ càng khiến bạn nhận diện rõ vấn đề đang xảy ra hơn. 

Cách làm của tôi là ngồi ghi ra từng gạch đầu dòng. Từ các gạch đầu dòng đó, sử dụng mũi tên => [suy ra] tôi có thể nhìn khá rõ chuyện gì sẽ xảy ra với mình kế tiếp, nếu mọi thứ vẫn không chuyển mình về phía trước.

Mục đích của việc trả lời là bạn cho chính mình một cơ hội để thành thật với bản thân. Bạn không nói chuyện với ai hết, vì thế không cần tỏ vẻ, bày đặt, gồng lên, hay sĩ diện. 

Ở bước này, gỡ bỏ "mặt nạ" là điều quan trọng để các quyết định tiếp theo sẽ đi đúng hướng hơn, hoặc ít lệch lạc hơn với chính bạn.

Mục đích của việc viết ra câu trả lời cũng là để trấn an bạn. Con người thường có xu hướng không ngừng lo lắng cho tương lai, tưởng tượng ra tương lai theo chiều hướng cực kỳ bất an, thiếu thốn, khốn khổ hoặc mất mát. 

Đó là động lực khiến bạn không ngừng chuyển động để đạt được nhiều thứ hơn. 

Nhưng song song với ưu điểm đó, không ngừng lo lắng cho tương lai có thể đẩy bạn vào tình trạng cứng đờ vì sợ hãi hoặc căng thẳng triền miên khi cơ thể bạn không biết phải phản ứng ra sao với nỗi sợ đó ở thực tại. 

Viết ra khiến suy nghĩ của bạn bị chậm lại, bớt tưởng tượng, mọi thứ hiện hình trên giấy và bạn có một "đối thủ" rõ hình để đối phó – thay vì là bóng ma ảo giác của nỗi sợ.

Cuối cùng, phác thảo nỗi sợ và thất bại ra giấy đồng thời cũng mở ra cho bạn cơ hội tìm được phương pháp xử lý nó.

Phải làm gì khi không biết mình nên làm gì? Thấy người khác thành công, cứ bình tĩnh nhưng đừng trì hoãn! - Ảnh 2.

Thành thật với bản thân là chỉ cần nói rõ với chính mình là đang có vấn đề gì xảy ra. Không màu mè. Không che giấu. 

Sau tờ giấy về nỗi sợ + thất bại, hãy bắt đầu tờ giấy giải pháp (hoặc chia nó thành 2 cột nếu bạn xài giấy khổ lớn như tôi), viết ra những giải pháp bạn tự đề nghị với chính mình để chuẩn bị thực hiện nó. Tôi làm như sau:

Ở tờ giấy về sự thất bại:

- Mất sức khỏe: gây kiệt quệ về tinh thần, bi quan hơn, và không thể sáng tạo

Ở tờ giấy về giải pháp – về vấn đề bên trên:

- Cần tập thể dục + điều chỉnh ăn uống + điều chỉnh thời gian ngủ

1. Thể dục:

- Tìm 3 người bạn tập thể dục, đi tập với họ mỗi người 1 ngày/tuần.

- Chơi challenge/buộc mình phải tập hoặc mất tiền/ăn trưa cá độ với bạn tập.

- Mua dây kháng lực, giầy chạy, tạ tay để trong phòng cho các bài tập ngắn.

Các bài tập ngắn gồm có:

Đi bộ 1km – Chạy 1km – Đi bộ 1km – Chạy 1km – vào thứ bảy 4h30 chiều (không làm việc).

Sáng lúc 10h: Tập 2 set tạ tay và 2 set với dây kháng lực – nhờ bạn nhắc tăng gấp đôi sau 2 tuần.

2. Ăn uống: Đi chợ vào tối thứ 2 hàng tuần, mua các món đồ: không đường, không phải thức ăn qua chế biến, không sử dụng sữa có béo… Sáng 11h30 nấu ăn, chiều 5h nấu ăn: Không chiên thức ăn.  Ăn ở ngoài với bạn bè: 1 lần/tuần.

…..

Theo kinh nghiệm của tôi, càng tưởng tượng rõ ràng về phương pháp, bạn càng có khả năng thực hiện nó thành công. 

Hãy chi tiết hóa. Kèm theo sự bắt buộc cam kết (như tôi dùng là bạn bè để cá cược, thi đua hoặc kiểm tra chéo nhau). Các giải pháp phải bắt đầu cực dễ dàng, ít, đơn giản, tăng dần hàm lượng từ sau 2 tuần – 1 tháng. 

Nếu ngay từ đầu bạn đề ra giải pháp lý tưởng, thường bạn khó thực hiện nó, vì bạn sẽ bị trật vuột, kiệt sức và không còn đủ động cơ để làm tiếp sau 1 -2 lần bỏ cuộc.

Ví dụ, nếu bạn muốn quy định mình tăng thời gian học, hãy bắt đầu bằng việc quy định mỗi ngày tôi sẽ học 30 phút. 

Sau 1 tuần có thể tăng lên thành 1 giờ. Sau 3 tuần sẽ tăng được thành 2 giờ. Mỗi khi làm xong cần ghi lại, khoe với ai đó, hoặc tự thưởng cho bản thân, để có sức làm tiếp.

Nếu bạn muốn mình đọc sách, hãy cho mỗi ngày 10 trang, sau 1 tuần là 15 trang, sau 1 tuần tiếp là 20 trang. 

Khi đọc xong, hãy tự khen bản thân, tự kết luận mình giỏi. Động cơ này rất quan trọng để bạn có cảm hứng.

Tôi áp dụng cách trên với hầu hết vấn đề xảy ra với bản thân trong nhiều năm, bao gồm cả việc mất định hướng nghề nghiệp, sức khỏe, tình yêu, công việc, kỹ thuật làm việc.

Phải làm gì khi không biết mình nên làm gì? Thấy người khác thành công, cứ bình tĩnh nhưng đừng trì hoãn! - Ảnh 3.

Chơi một vài môn mới là cách tôi làm khi không biết bản thân cần làm gì.

Và nếu ta vẫn mất hướng tới độ không biết làm gì?

Nếu bạn không thể viết nổi 2 tờ giấy như bên trên, điều quan trọng nhất bây giờ bạn cần làm là hãy giữ cho tinh thần mình vui vẻ, tích cực, cơ thể khỏe mạnh, và "bỏ ống" mỗi ngày bằng một hoạt động gì đó có thể làm bạn thấy mình có mục đích/giá trị/cảm giác sống.

- Với tinh thần: Hãy kiểm soát xem mình đang suy nghĩ xấu nhất về ai, cái gì, điều gì, tình huống gì? 

Về chuyện mình rớt đại học, cha mẹ đang ly hôn, mình bị cha đánh đập, hay mình béo quá bị bạn bè cười nhạo, hay mình thất bại trong kỳ thi quốc gia và cả nhóm luyện thi chung coi thường? 

Nếu nó ngoài tầm với, hãy cho nó thêm thời gian nằm trong tủ, và bạn sẽ suy nghĩ thêm về nó mỗi sáng/cuối ngày. 

Thường tôi sẽ chọn là cuối ngày, vì tôi không muốn buổi sáng trở nên tồi tệ chỉ vì tôi nghĩ quá nhiều về một điều xấu.

- Với cơ thể: Khi sợ hãi, lo lắng, tuyệt vọng, nhiều bạn nhỏ tôi quen đã ăn nhiều thức ăn nhanh, trà sữa, thức uống ngọt, đồ ăn vặt, các loại pizza và gà rán hơn. 

Nó làm họ có cảm giác vui hay được hưng phấn tức thời hoặc quảng giao với bạn bè. Nhưng nó làm họ tăng cân nhanh. 

Và khi trẻ, ta tuyệt vọng hơn khi cứ béo hơn mỗi ngày và bắt đầu bị người xung quanh dè bỉu về bề ngoài. 

Tôi không quan trọng chuyện béo gầy, nhưng tôi tin rằng cơ thể khỏe giúp bạn tích cực vui vẻ hơn dù bạn… chả biết làm gì. 

Hãy nhìn kỹ số ly trà sữa mình uống, số pizza mình ăn, số quà vặt – và chất dinh dưỡng nó có là gì – khi bạn đưa vào cơ thể. Đường quá nhiều. Muối quá nhiều. Chất béo quá nhiều. Đều làm hại niềm vui của bạn.

Hãy chơi thể thao: Khi tuyệt vọng, đừng co mình lại ngủ ở nhà hoặc xem phim khuya. 

Hãy rủ đứa nào đó thân đi bộ sáng sớm,chạy bộ chiều/tối, hoặc đi chơi bóng rổ, bóng bàn… hay đi bơi cùng nhau. Không thì hãy đi một mình. Đổ mồ hôi, thấy cơ thể khỏe, bạn sẽ suy nghĩ ra nhiều thứ.

Hãy học thêm vài thứ mới: Tôi học chơi skateboard khi bắt đầu rơi vào trạng thái tinh thần cực xấu. 

Có thêm vài đứa bạn (quen qua mạng) chỉ cho chơi, tôi gặp một giới người suy nghĩ khác mình về mọi góc độ, quan điểm. Chơi tới mệt nhoài đi về, chân tay rã rời, đã nói thêm bao nhiêu chuyện với họ. 

Bạn có thể học bất cứ trò gì trên Youtube: cắt giấy, làm đồ hàng, chơi skateboard, chơi điều, học edit phim, học mix nhạc… bất cứ gì bạn thích, cứ thử học 1 cái, ở lớp, ở CLB hay trên Youtube.

Phải làm gì khi không biết mình nên làm gì? Thấy người khác thành công, cứ bình tĩnh nhưng đừng trì hoãn! - Ảnh 4.

- Hãy đọc sách: Đừng đọc một thể loại duy nhất, hãy đọc nhiều kiểu, thể loại, từ các quyển dễ đọc, đến những nội dung chi tiết hơn. 

Trước khi bạn biết làm gì với cuộc đời mình, thì đi "thám hiểm" xem cả thế giới đang làm gì để ướm bản thân vào, là 1 cách tốt để có cái gì và chọn lựa. Hãy quy định cho bản thân ít nhất một tháng là 1 – 2 quyển khác thể loại. 

Khi chán hãy bỏ ngang, tìm quyển khác, khi thấy dở hãy can đảm bỏ. Thấy hay, tiếp tục đọc. Rẻ nhất là làm thẻ thư viện (cực ít tiền và khỏi mua sách, nên thấy dở là bỏ ngang dễ ẹc) và mỗi tuần lên thư viện ít nhất 1 lần – 2 giờ/lần.

- Hãy yêu một ai đó: Theo đuổi, tán tỉnh, yêu, hay đơn giản là rủ bạn mình thích đi chơi, đi trò chuyện, đi picnic. 

Không phải vì bạn cần có ngay một người, mà là một người mình yêu quý sẽ giúp nâng đỡ tinh thần mình, và mình yên tâm hơn là không bị vứt khỏi thế giới này.

- Hãy giúp mẹ làm việc nhà: Hãy nói với mẹ bạn sẽ giúp mẹ 1 việc vớ vẩn cỏn con nào đó (như con sẽ rửa bát cho cả nhà, hoặc con sẽ nhận ủi đồ cho ba thay mẹ, hoặc con sẽ giúp ba dọn hồ nước hàng tuần). 

Cam kết. Thực hiện. Nhìn thấy thành quả. Tất cả sẽ giúp bạn thấy mình có giá trị hơn trong mắt người thân. Và bạn sẽ không thấy mình tuyệt vọng, vô dụng, hay dậm chân tại chỗ nữa.

 Không vội vã ra quyết định mà không phải ý muốn của mình, nhưng cũng không được trì hoãn cuộc đời: Ở giai đoạn này, vì mất hướng, nhiều bạn sẽ cuống cuồng "chọn đại" một giải pháp nào đó, như lên nhà chị gái làm giúp việc cho chị, hay đi học đại cái trường anh cả chọn, hoặc ok cha bảo về quê làm là về quê… 

Các quyết định không có cân nhắc thường khó rút chân ra được nếu bạn lỡ chọn sai. Nhưng cũng không vì thế mà bạn cho phép mình 5 – 6 năm ỳ ra không làm gì hết để cha mẹ nuôi.

- Sau 18 -20 tuổi, hãy nhớ bạn sẽ dần cần làm việc để có đồ ăn bỏ vô miệng. Hãy ý thức điều đó (ở cấp độ thấp nhất là đủ ăn) để không làm phiền người thân, dù nhà bạn giàu hay nghèo. Ý thức này giúp bạn bật dậy như một chú lính chì để tự đi. 

Nếu không, bạn sẽ "nhão ra" như bột và để cuộc sống của mình được người khác quyết định thay, cho ăn giùm… và bạn sẽ mãi là đứa bé 10 tuổi dù có già thêm bao nhiêu nữa.

Nếu không biết làm gì, hãy lấp đầy thời gian mù hướng đó bằng những việc làm nhỏ vui vẻ, khiến bản thân thấy có thêm mục đích sống.

*Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại