Vì sao câu hỏi không hợp lý?
Câu hỏi Ánh Viên quê ở đâu trong đề khảo sát năng lực đầu vào lớp 6 Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa năm học 2015 - 2016 gây ra nhiều tranh cãi.
Đây là một trong những câu hỏi đánh giá về kiến thức chung xã hội khiến nhiều học sinh lúng túng không trả lời được hoặc trả lời sai.
Học sinh dự buổi thi khảo sát lớp 6 ngày 20/6 tại THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa (ảnh: Tuổi trẻ).
Theo ý kiến của nhiều bậc phụ huynh, câu hỏi này chưa hợp lý, mang tính đánh đố học sinh vì đến nhiều người lớn cũng không nắm được vận động viên Ánh Viên quê ở đâu.
“Ánh Viên là một nhân vật mới nổi chứ không phải nhà bác học hay danh nhân văn hóa để yêu cầu học sinh trả lời về gốc gác.
Nếu có thì nên đặt câu hỏi về thành tích, sở trường, chuyên môn chứ không phải quê quán”, một phụ huynh nêu ý kiến.
Trao đổi với chúng tôi về đề thi này, PGS.TS Văn Như Cương cho biết, mặc dù ông không biết chắc chắn Ánh Viên quê ở đâu nhưng câu hỏi này là “vô thưởng vô phạt”.
“Bản thân tôi cũng chỉ nắm được thông tin số huy chương của Ánh Viên đạt được chứ không nhớ quê vận động viên này ở đâu, chỉ biết là miền sông nước Cần Thơ hay Trà Vinh.
Tuy nhiên, tôi cho rằng câu hỏi này cũng ít điểm nên không sao cả, có em trả lời được, có em không. Tôi không phản đối câu hỏi đó!
Các em không trả lời được vì đôi khi người ta chỉ quan tâm đến thông tin thành tích, huy chương chứ không phải quê”, PGS giải thích.
Ông đề xuất nên thay đổi câu hỏi vận động viên Ánh Viên quê ở đâu bằng: “Vận động viên nào của Việt Nam đạt nhiều huy chương vàng nhất trong kỳ Sea Games này?” hoặc “VĐV Ánh Viên đạt mấy huy chương?”; “VĐV nào đạt 8 HCV ở Sea Games này?”….
Theo quan điểm của Tiến sỹ Trịnh Thu Tuyết (GV Ngữ văn Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội), chi tiết câu hỏi về quê của VĐV Ánh viên trong bài khảo sát học sinh thi vào lớp 6 chưa thật đảm bảo các tiêu chí cần thiết của đề thi trong trường phổ thông.
Bởi theo TS, đó không phải chi tiết quan trọng bên cạnh các chi tiết được dư luận quan tâm nhiều hơn, như thành tích, hay những phát ngôn thể hiện tính cách, nghị lực của cô gái.
“Do đó, câu hỏi mang tính tiểu tiết sẽ tạo ra sự so sánh khá phản cảm, thậm chí bất lợi cho một cô gái còn quá trẻ nếu đặt bên cạnh những câu hỏi tương tự đối với một anh hùng, một danh nhân có tên tuổi trong lịch sử...”, TS Trịnh Thu Tuyết khẳng định.
Ánh Viên tạo hiệu ứng tích cực
Thành tích của Ánh Viên trong Sea Games 28 cùng những chi tiết liên quan đến sự nghiệp của cô gái trẻ 19 tuổi đầy nghị lực đã nhanh chóng trở thành hiện tượng, không chỉ trong thể thao.
Nhiều dự đoán đề thi môn Văn Quốc gia năm nay có thể sẽ đề cập tới Ánh Viên; thậm chí trong đề thi thử, đề luyện của một số trường, lớp... ở các tỉnh, thành phố đã xuất hiện hình ảnh Ánh Viên.
Những đề thi yêu cầu học sinh luận bàn về các hiện tượng có thật của đời sống xã hội ngày càng trở nên quen thuộc, đem lại sự hứng thú cho thí sinh.
Đồng thời, điều này đã góp phần đưa văn chương tới gần với cuộc sống, giảm thiểu khoảng cách giữa "lí thuyết màu xám" và "cây đời mãi mãi xanh tươi"!
Những suy ngẫm sâu sắc, những hồi chuông báo động cho những tình trạng đạo đức bị băng hoại, méo mó trong thực tế xã hội, những xúc cảm chân thành, tích cực... đã được tạo lập thông qua các đề thi gần đây.
Tuy nhiên, TS Trịnh Thu Tuyết cho rằng mọi sự thái quá sẽ bất cập, hội chứng đám đông đã trở thành một hiện tượng cần suy ngẫm.
Vì vậy bên cạnh hiệu ứng tích cực, có lẽ nên xem lại sự chừng mực, tránh lạm dụng, nhất là đối với những văn bản quan trọng, chuẩn mực mang tầm vóc quốc gia như đề thi.
Theo quan điểm của TS thì đề thi quốc gia cần bám sát cuộc sống nhưng không chạy theo đám đông.