Theo hãng tin Sputnik, Phòng thiết kế thiết bị chính xác thuộc Tập đoàn Rostec của Nga đang thử nghiệm mẫu tên lửa mini dành cho hệ thống pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S. Thông tin trên đã được đại diện chính thức của tập đoàn Rostec tiết lộ với phóng viên RIA Novosti, cải tiến này nhằm củng cố và tăng cường khả năng phòng thủ trên không của Nga.
Để thích ứng với những thay đổi trên chiến trường, hệ thống phòng không Pantsir-S của Nga đang được bổ sung những tính năng mới. Đáng chú ý nhất là các loại tên lửa nhỏ được thiết kế đặc biệt, với nhiều phiên bản khác nhau sẽ được trang bị cho hệ thống tên lửa phòng không Pantsir-S. Những tên lửa này hiện đang được tiến hành thử nghiệm cấp nhà nước.
Những tên lửa nhỏ này sẽ đóng vai trò quan trọng trên chiến trường, chúng được thiết kế để có khả năng phát hiện và vô hiệu hóa các mối đe dọa nhỏ trên không. Những phương tiện nhỏ như UAV trinh sát, máy bay không người lái cảm tử, đạn pháo phản lực MLRS đang là những thách thức cho hệ thống phòng không của Nga.
Theo Bulgarian Military, mẫu công nghệ tên lửa phòng không mới nhất của Nga được thiết kế đặc biệt, có thể phát hiện và tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách lên tới 500 mét.
Hệ thống phòng không Pantsir-S của Nga.
Pantsir-S được trang bị 2 khẩu pháo hai nòng cỡ 30 mm và 12 ống phóng tên lửa, mỗi ống có thể chứa bốn tên lửa mini. Do đó, Pantsir-S có thể mang tới 48 tên lửa phòng không loại này. Vì vậy, các máy bay không người lái không chỉ bị Pantsir-S tiêu diệt bằng tên lửa mà còn có thể bị bắn hạ bằng hệ thống pháo 30 mm.
Pháo 30 mm của Pantsir-S là một vũ khí đáng tin cậy và mạnh mẽ, có thể đánh chặn các thiết bị phòng không do Lực lượng Vũ trang Ukraine triển khai, từ máy bay chiến đấu đến các loại máy bay không người lái.
Đáng chú ý, hệ thống phòng không Pantsir-S còn có thể bắn hạ được đạn tên lửa HIMARS, tên lửa tàng hình như Storm Shadow của Anh và Scalp của Pháp sản xuất. Giới chuyên gia quân sự suy đoán, trong tương lai gần Pantsir-S có thể được trang bị tên lửa đánh chặn siêu thanh.
Pantsir-S1 khai hỏa bằng pháo 30mm.
Hệ thống phòng không Pantsir-S
Pantsir-S là hệ thống phòng không do Nga sản xuất, được thiết kế để bảo vệ các mục tiêu quân sự và dân sự khỏi các mối đe dọa từ trên không. Đây là một hệ thống phòng không có tính cơ động cao, có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết và có thời gian triển khai chiến đấu ngắn. Hệ thống này có khả năng tấn công các mục tiêu ở cự ly lên tới 20 km và diệt mục tiêu có độ cao lên tới 15 km.
Hệ thống Pantsir-S được trang bị kết hợp giữa súng và tên lửa, có khả năng tiêu diệt nhiều loại mục tiêu như máy bay, trực thăng, máy bay không người lái và tên lửa hành trình. Pháo 30 mm có tốc độ bắn lên tới 5.000 phát/phút, trong khi tên lửa có tầm bắn lên tới 20 km và có thể đạt tốc độ lên tới Mach 2.5.
Hệ thống Pantsir-S sử dụng kết hợp radar với cảm biến quang học để phát hiện và theo dõi mục tiêu. Radar của hệ thống có thể phát hiện mục tiêu ở cự ly lên tới 36 km, trong khi cảm biến quang học của nó có thể phát hiện mục tiêu ở cự ly lên tới 20 km. Sau khi phát hiện mục tiêu, máy tính của hệ thống sẽ tính toán quỹ đạo của mục tiêu và xác định cách tốt nhất để tiêu diệt mục tiêu.
Hệ thống Pantsir được thiết kế cho mục đích phòng thủ các mục tiêu quân sự và dân sự quy mô nhỏ trước các đòn tấn công từ máy bay, trực thăng, tên lửa hành trình, vũ khí chính xác cao, máy bay không người lái và đạn từ các hệ thống tên lửa phóng loạt.
Pantsir-S có khả năng kết nối với các hệ thống phòng không khác để mang lại khả năng phòng thủ toàn diện hơn. Hệ thống cũng có thể được vận hành từ xa, cho phép nó có thể hoạt động ở chế độ không người lái.
Pantsir-S phóng tên lửa phòng không.
Máy bay không người lái trong xung đột
Đến thời điểm hiện tại, không có dữ liệu chính xác về số lượng máy bay không người lái mà Ukraine sử dụng mỗi tháng để tấn công Lực lượng Vũ trang Nga trong cuộc xung đột. Mọi người chỉ biết quân đội Ukraine sử dụng nhiều loại máy bay không người lái khác nhau, bao gồm cả những loại được sản xuất trong nước và những loại mua từ nước ngoài. Tuy nhiên, số lượng và tần suất sử dụng chính xác của chúng vẫn chưa được biết.
Việc sử dụng máy bay không người lái trong chiến tranh hiện đại ngày càng trở nên phổ biến, cả Nga và Ukraine không phải là những quốc gia đầu tiên và duy nhất sử dụng chúng trong các hoạt động quân sự. Máy bay không người lái mang lại một số lợi thế, bao gồm khả năng thu thập thông tin tình báo, tiến hành giám sát và thậm chí thực hiện các cuộc tấn công các mục tiêu có chủ đích.
Mặc dù thông tin cụ thể về việc sử dụng máy bay không người lái của Nga và Ukraine vẫn chưa được tiết lộ, nhưng rõ ràng cuộc xung đột ở Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Việc sử dụng máy bay không người lái không chỉ là một khía cạnh của cuộc xung đột, mà nó còn liên quan đến kết quả vận dụng chiến thuật và chiến lược quân sự của cả Nga và Ukraine.
Lê Hưng (Bulgarian Military)