“Về chính trị, Jerusalem là thủ đô của chúng tôi; trong tôn giáo của chúng tôi, Jerusalem là thủ đô của chúng tôi và về địa lý, đó cũng là thủ đô của chúng tôi” - hãng tin Al-jazeera dẫn lời nhà lãnh đạo Mahmoud Abbas phát biểu hôm 14-1 trước khi bắt đầu phiên họp kéo dài 2 ngày của Tổ chức Giải phóng Palestine ở TP Ramallah.
“Tuy nhiên, Jerusalem bị đưa ra khỏi bản đồ bằng một dòng thông điệp trên mạng xã hội của ông Trump. Chúng tôi sẽ không chấp nhận kế hoạch của ông ấy. “Thỏa thuận thế kỷ” chỉ là một cú tát thế kỷ” – ông Abbas tuyên bố, đề cập tới cam kết của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc đạt được “thỏa thuận cuối cùng” là nền hòa bình tại khu vực Trung Đông.
Tổng thống Nhà nước Palestine Mahmoud Abbas. Ảnh: AP.
Thánh địa Jerusalem là tâm điểm trong cuộc tranh chấp hàng chục năm giữa hai nước khu vực Trung Đông. Israel coi Jerusalem là thủ đô của mình, trong khi Palestine khẳng định Đông Jerusalem là thủ đô của một nhà nước tương lai. Đầu tháng 12, ông Trump tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, một động thái khiến cộng đồng quốc tế "dậy sóng".
Trong bài phát biểu kéo dài 2 tiếng trước Hội đồng Trung ương Palestine, ông Abbas cũng chỉ trích lệnh trừng phạt của ông Trump nhằm vào Palestine với lý do cho rằng chính quyền Palestine từ chối đàm phán.
“Ông Trump viết trên Twitter: “Chúng ta sẽ không viện trợ tiền cho người Palestine vì họ đã từ chối đàm phán”. Thật xấu hổ. Chúng tôi từ chối đối thoại khi nào? Chúng tôi đã từ chối cuộc đàm phán nào?” – ông Abbas chỉ trích. Lãnh đạo nhà nước Palestine khẳng định nước này vẫn sẽ chấp nhận đàm phán, nhưng sẽ nói thẳng thừng nói "không" với những đề nghị không công bằng.
"Thủ đô vĩnh hằng của chúng ta là Jerusalem. Chúng tôi sẽ không chấp nhận việc coi khu vực Abu Dis là thủ đô thay vì TP Jerusalem" - ông Abbas tuyên bố, ngầm xác nhận thông tin trước đó cho rằng chính quyền Washington sẽ công nhận khu vực Abu Dis, vùng ngoại ô của Jerusalem, là thủ đô của nhà nước Palestine tương lai.
Tổng thống Palestine cũng tuyên bố nước này sẽ không chấp nhận việc Washington trở thành bên thứ ba duy nhất đàm phán về Jerusalem, khẳng định một thỏa thuận chỉ có thể đạt được với sự tham gia của nhiều cường quốc khác, tương tự như việc các nước đàm phán thỏa thuận hạt nhân Iran hồi năm 2015.